Trầm Hương Việt Nam từ Nghệ thuật thưởng thức đến sự hình thành Hương – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

TRẦM HƯƠNG VIỆT NAM Từ Nghệ thuật thưởng thức đến sự hình thành Hương Đạo (Kôdô) ở Nhật Bản

Trong cuốn sách Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ) có đoạn viết, vào năm 595 có “Khúc Trầm trôi dạt vào đảo Awaji – shima [Đạm Lộ Đảo]”, gần thành phố Kobe hiện nay. “Khúc Trầm này có chu vi là 1 mét 80. Cư dân trên đảo không biết đó là Trầm, chặt ra một phần đốt để nấu ăn. Hơi khói xông lên thơm ngào ngạt và mùi hương tỏa ra xa. Dân lấy làm lạ, đoán biết là gỗ quý đem dâng lên Thiên hoàng Suiko. Khi đó, có thái tử Shôtoku biết ngay là Trầm Hương (Jinkô).

 

Đỉnh Trầm lan toả hương linh

Dựa trên những tri thức về đại dương, và những kiến thức về dòng hải lưu chúng ta khẳng định rằng, Khúc Trầm Hương này đi từ miền Nam Trung bộ Việt Nam theo dòng hải lưu ấm Kuroshio trôi dạt lên phía Bắc để rồi đậu vào đảo Awaji – shima.

Khi mới du nhập vào Nhật Bản, Trầm Hương được dùng trong các tế lễ Thần đạo (Shinto/Shintoism) và Phật giáo. Bước sang thời Nara (710 – 794), nghi thức này trở thành buổi lễ mang tầm quốc gia và còn tiếp tục mãi cho đến thời Minh Trị duy tân (1868).

Điều, được nhiều người chú ý là vai trò quan trọng của Trầm Hương trong lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Kỳ Nam được xem là đi từ Việt Nam, được người Nhật Bản gọi là Kyara. Cũng cần nói thêm là không phải ngẫu nhiên mà loại Trầm Hương đặc biệt này có gốc từ tiếng Phạn, bởi lẽ con đường tơ lụa trên biển (Sea silk road) cũng chính là con đường truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ, Trầm Hương và Kỳ Nam đã đi theo con đường đó cùng với Phật giáo làm nên văn hoá phương đông đặc sắc. Và Chămpa thuở ấy cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.

Tháp Bà Ponagar nơi thờ phụng Thần Mẫu Trầm Hương Thiên Y A Na 

Có khá nhiều giai thoại về sự đam mê Trầm Hương và Kỳ Nam của các nhân vật lịch sử ở Nhật Bản. Ở Shôsôin ( Chính Thương Viện) – nhà lưu trữ các bảo vật và kinh điển Phật giáo tọa lạc trong khuôn viên chùa Tôdaiji ( Đông Đại tự) ở Nara – có một khúc Trầm Kỳ Nam gọi là Ranjatai (Lan xa đãi) dài chừng 1 mét rưỡi. Cả ba nhân vật góp phần vào công cuộc thống nhất Nhật Bản vào cuối thế kỷ XVI là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu đã từng lăm le dòm ngó khúc Kỳ Nam được xếp vào hàng “linh bảo” này. Chắc hẳn, bảo vật này được xem là một biểu tượng của uy quyền. Tương truyền, Nobunaga cho người đẽo hai miếng, mỗi miếng dài chừng 40 phân; một miếng dâng Thiên hoàng, một miếng dùng để xông lên trong những buổi uống trà đạo. Hideyoshi hình như cũng bắt chước Nobunaga cho người đến đẽo vì nhà thiên tài quân sự này cũng thích giao du với các trà nhân. Người ta tin rằng khúc Ranjatai này do Thiên hoàng cúng cho chùa Tôdaiji vào năm 756. Hiện nay, Ranjatai có thể xem trong triển lãm của Shôsôin tổ chức 10 hay 15 năm một lần ở Viện Bảo tàng Quốc gia tại thành phố Nara. Khúc Ranjatai này theo Yoneda Kaisuke, một chuyên gia về Trầm Hương thuộc Viện Bảo tàng Osaka khẳng định là có xuất xứ từ  Nam Trung Bộ  của Việt Nam.

Khối Bạch Kỳ được trưng bày ở Bảo Tàng Trầm Hương

Riêng về Tokugawa Ieyasu – vị shôgun (tướng quân) đầu tiên của chính quyền Tokugawa – tuy người ta biết chắc là Ieyasu có sai người vào xem khúc Kỳ Nam Ranjatai, nhưng không ai biết rõ là ông ta có đẽo đem về hay không. Tuy nhiên, qua những văn thư mà hiện nay còn lưu lại, chúng ta biết rõ là Ieyasu rất mê thích Trầm Hương đã từng gửi thư cho quốc vương Chămpa và chúa Nguyễn để xin trao đổi Trầm Hương và Kỳ Nam.

Thư của Tokugawa Ieyasu gửi quốc vương Chămpa năm 1606 có ghi rõ: “ Chúng tôi muốn có loại Trầm Hương thượng hạng. Những loại có phẩm chất vừa vừa hay dưới trung bình thì xin đừng gửi vì chúng tôi có nhiều lắm rồi”. Qua văn thư, chúng ta cũng biết rằng ít nhất trong hai năm 1605 và 1606, chúa Nguyễn Hoàng đã gửi tặng vật đáp lễ cho Tokugawa Ieyasu, mỗi lần gửi gồm một cân Kỳ Nam.

Chiếc vòng Bạch Kỳ được ATC chế tác theo đơn đặt hàng đặc biệt

Một chi tiết thú vị và có ý nghĩa là trong danh sách các tặng phẩm giữa các nước Phương Đông, Trầm Hương luôn luôn được liệt kê đầu tiên và Trầm Hương và Kỳ Nam thường được xem là một vật tặng quý giá trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản và Trung Hoa. Sau khi Ieyasu mất, nghe nói trong các di vật của ông có đến hơn 100kg Kỳ Nam và hơn 180kg các loại Trầm Hương khác. Điều này cho ta thấy Ieyasu đã thích thú thưởng thức Trầm Hương đến mức độ nào.

So với các nghệ thuật nổi tiếng của người Nhật như trà đạo (sadô), thư đạo (shodô, tức nghệ thuật viết chữ Hán), kiếm đạo (kendô), võ sĩ đạo (bushidô) hoặc nhu đạo (judô), kôdô ( hương đạo). Một điều thú vị là, lịch sử Kôdô còn ghi dấu mối bang giao giữa mảnh đất miền Nam Trung Bộ Việt Nam với Nhật Bản từ thuở xa xưa.

Nghi thức trong hương đạo Nhật Bản (Kôdô)

Kôdô là nghệ thuật thưởng thức Trầm Hương, nói nôm na là nghệ thuật “ngửi” mùi Trầm Hương – một nghệ thuật của vua chúa đế vương, tao nhân mặc khách của các cung son điện ngọc chỉ thấy trong văn hoá Phương Đông như: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên,… Mặc dầu đến thế kỷ XV Kôdô mới được định hình, nhưng trên thực tế thú thưởng thức tao nhã này đã bắt nguồn từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ khoảng thế kỷ VI.

Trong những buổi lễ Phật giáo, lễ quan trọng nhất thường được dâng bằng Trầm Hương. Từ 1.500 năm trước, dâng Trầm Hương là lễ cúng dường để lau sạch các tượng Phật hoặc khi các sư tăng tụng kinh.

Dần dà, mùi hương Trầm thanh nhã ngày càng được người Nhật yêu chuộng, giới quý tộc ở Kyoto thời Heian (794 – 1185) thích đốt Trầm trong nhà cho “ thơm nhà thơm cửa” và thơm trang phục. Theo đà phát triển của thú vui đốt Trầm Hương này (người Nhật gọi là sora – dakimono), các cuộc đấu Trầm – giống như thi làm thơ hay thi cắm hoa – được tổ chức để định loại Trầm nào có mùi hương tao nhã nhất.

 

Những chất liệu dùng làm sora – dakimono là các vật liệu còn tươi tắn của y học truyền thống. Thú đốt Trầm dần dà không những phổ biến trong giới quý tộc mà người thường cũng đua nhau phỏng đoán loại nào thơm nhất.

Với sự ra đời của chính quyền giai cấp võ sĩ đạo (samurai) vào cuối thế kỷ XII, ảnh hưởng của Thiền đối với văn hóa người Nhật ngày càng đậm nét. Do ảnh hưởng của thú chơi Trầm Hương đời nhà Tống ở Trung Quốc, người Nhật Bản chuyển sang nerikô với cách trộn lẫn Trầm Hương với nhau không giống như jinkô lúc đầu. Với cách thức này, nghệ thuật thưởng thức bằng cách “ngửi mùi” Trầm Hương ( bunkô hay monkô, tức “văn chương”) tiến thêm một bước nữa để rồi được định hình dưới dạng Kôdô (hương đạo) vào đời Muromachi (1336 - 1573).

Từ lúc này, thú chơi đốt Trầm sora – dakimono ít nhiều mang vẻ hào nhoáng, được thay thế bằng cách thưởng thức hương Trầm trong không khí u huyền tĩnh mịch – phù hợp với đời sống tinh thần hướng nội và ý thức mỹ học thấm đượm Thiền vị của người võ sĩ.

Theo Kôdô, mùi Trầm Hương từ đó được phân loại thành “ ngũ vị lục quốc” ( tức là “ năm mùi vị và sáu nước”). Năm mùi vị là ngọt, chua, cay, mặn và đắng. Sáu nước nói nôm na là sáu nơi xuất khẩu Trầm Hương; đó là Kyara, Rakoku, Manaban, Manaka, Sasora và Sumatora. Theo cách phân chia của những người sành điệu Trầm Hương do Shôgun Ashikaga Yoshimasa (1436 – 1490) bổ nhiệm, “sáu nước” đó là: Kyara (Già la): Có nghĩa là Kỳ Nam có mùi hương tao nhã, chỉ có ở Việt Nam.

 

Rakoku (La Quốc): Mùi hăng vị đắng, mặn và cay. Chỉ có ở Thái.

Manaban (Chân Nam Man): có nhiều hương và nhựa, vị gần như ngọt, nhưng không có vẻ “điểm trang”. Có ở miền Đông của Ấn Độ, hoặc giữa Mã Lai và Ấn Độ. Manaka (Chân Na Già): Trong những hương thơm, đây có lẽ là mùi nhạt nhất. Có ở Malacca (Malaysia) Sasora (Tá Tăng La): Có mùi hương nhẹ. Với một loại sasora tốt, người ta dễ tưởng lầm là kyara, đặt biệt khi mới đốt. Có ở miền Tây Ấn Độ.

Sumatora (Thốn Văn Đa La): Rất nhiều nhựa và có vị chua. Có nhiều ở Sumatra (Indonesia).

Dưới đời Muromachi, nghệ thuật thưởng thức Trầm Hương bắt đầu phát triển song song với nghệ thuật uống trà.

Nhiều loại thi đấu có nội dung và hình thức khác nhau đua nhau ra đời. Trước hết là các cuộc “đấu trà” (tôcha) đòi hỏi người tham dự đoán định phẩm chất các loại trà. Sau đó, người ta tổ chức các buổi thi đấu cả trà lẫn Trầm nhằm xem ai có thể phân biệt được 10 loại trà và 10 loại Trầm khác nhau. Trong các buổi thi phân định hương Trầm, người tham dự được chia làm hai nhóm, thi nhau đoán xuất xứ, lai lịch, đặc tính của từng loại Trầm nổi tiếng, chẳng hạn như mùi hương, làn khói bốc lên có hình dạng như thế nào…

Dần dà, ngoài khả năng thưởng thức hương Trầm, người thi đấu còn phải có kiến thức văn hóa và khả năng cảm thụ mỹ học – nói nôm na là khả năng cảm nhận cái đẹp. Trước mặt người đến xem, Trầm sẽ được xông lên từ loại này đến loại khác, giống như những vế khác nhau trong một bài thơ renga ( liên ca). Mỗi lần Trầm được xông lên, người dự thi phải làm một vế thơ tán thưởng mùi hương đồng thời phải nhắc đến đúng tên loại Trầm vừa đốt. Cuối cùng, người ta sẽ có một bài thơ renga nhiều vế về các mùi hương Trầm trong cuộc thi.

Sự kết hợp giữa thú thưởng thức Trầm Hương với khuynh hướng truy cầu những cái gì đẹp, gọi chung là bi ( mỹ) hay bigaku (mỹ học), trong truyền thống văn hóa Nhật Bản có thể nói là nhân tố quyết định sự hình thành của Kôdô.

Từ Trầm Hương Việt Nam đến nghệ thuật thưởng thức và hình thành Kô Dô - Hương Đạo Nhật Bản, vừa phản ánh chiều sâu văn hóa, vừa thể hiện vẻ đẹp u nhã của hương Trầm, là nhịp cầu bang giao và phát triển văn hóa cũng như nghệ thuật thưởng thức giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thanh Trầm Hương Tài Lộc

Bộ Thưởng Trầm Tài Lộc

Trầm Hương chứa đựng trong mình những giá trị đa dạng trên nhiều khía cạnh: văn hoá, lịch sử, tôn giáo, âm nhạc, nghệ thuật, văn học, dược liệu, hương liệu, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, ngoại giao và kinh tế, được trân trọng trên nhiều quốc gia, nhiều nền văn hoá và tôn giáo trên thế giới. Những giá trị đó là nền tảng để Trầm Hương trở thành một sản vật tiêu biểu cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới, là nguồn cảm hứng phát triển kinh tế Việt Nam chinh phục thế giới.

Mỹ nữ dâng Trầm Hương trong nghi lễ ở Việt Nam

Nhắc đến Trầm Hương là phải nói đến Trầm Hương Khánh Hoà 

Bởi Trầm Hương Khánh Hoà xưa nay luôn hiện diện ở nơi cao quý, tôn nghiêm, từ cung son điện ngọc đến những chốn linh thiêng, là sứ giả kết nối con người với thế giới của những vị thần. Nơi nào có Trầm Hương nơi đó có sự tập trung của tinh thần, sự tinh tấn của trí tuệ, sự kết nối giữa nhiều thế hệ để hướng đến những điều tốt đẹp. Cho nên, dâng Trầm trở thành nghi thức thiêng liêng, khi con người nguyện soi lòng mình trước ánh sáng của những vị thần, để thấu tỏ hết phải – trái, đúng – sai, để được khai tâm mở trí, được trao truyền những ý thiện điều lành. Bởi thế mà, Trầm Hương Khánh Hoà vượt qua mọi khoảng cách cá nhân, dân tộc hay tôn giáo, để chạm tới trái tim và tinh thần của mỗi người.

Các mỹ nữ dâng Trầm Hương trong nghi lễ ở Việt Nam

Tháp Trầm Hương Khánh Hoà

Nhân loại của chúng ta có thể khác nhau về màu da, về thời đại, nhưng không khác nhau về mơ ước. Mơ ước về những điều tốt , về một thế giới hòa bình yêu thương và thấu hiểu lẫn nhau. Nhờ mơ ước chung này mà chúng ta ngày càng xích lại gần nhau bỏ qua khác biệt, vượt lên quá khứ, cùng chung tay xây dựng những điều tốt đẹp. Việt Nam là minh chứng điển hình nhất cho việc thực hiện hóa mơ ước đó. Từ thù thành bạn, từ đau thương thành yêu thương – chúng ta đã chứng minh cho thế giới: tình yêu thương, sự tha thứ, có thể hóa giải mọi hận thù, lấp đầy mọi hố sâu ngăn cách. Để chứng minh cho thiện chí đó, không gì xứng đáng và phù hợp hơn Trầm Hương. Danh xưng Việt Nam – Quốc Gia Trầm Hương nhờ vậy mà ra đời, đại diện cho những khát vọng và giá trị nhân văn mà người Việt Nam sẵn sàng lan tỏa ra thế giới.

Tổng hợp Tư liệu và biên tập bởi: 

Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hoà - Nguyễn Văn Tưởng