Tọa đàm trực tuyến: 'Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?' – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

Tọa đàm trực tuyến: 'Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?'

Với mong muốn cung cấp kiến thức và đem lại nhận thức đúng đắn hơn về văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo, đúng 9h30 ngày 1/4, báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: “Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?” tại Hội trường báo Đại Đoàn kết, 66 Bà Triệu, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn kết, cùng sự có mặt của các khách mời: 

Giáo sư sử học Lê Văn Lan, một nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín trong xã hội; 

Thượng tọa Thích Minh Quang - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Phó Trụ trì thường trực chùa Bái Đính -Tam Chúc;

 Đại tá, Tiến sĩ luật học Lê Ngọc Khánh - Cán bộ cao cấp của Công ty luật TGS;

Ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa – ATC.

Tọa đàm được truyền hình trực tiếp trên báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn) và fanpage của Báo trên Facebook (https://www.facebook.com/daidoanket.vn/videos/191284856137992/).

                                                           Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết chia sẻ, "chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Dưới ánh sáng của khoa học, công nghệ hiện đại, mọi thứ trở nên sáng tỏ, giúp con người làm chủ bản thân, khám phá thế giới một cách chủ động, sáng tạo. Thế nhưng, vẫn có nhiều hiện tượng, chủ yếu xuất phát từ các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng sa đà thành mê tín dị đoan khiến chúng ta khó lý giải theo cách thông thường.

Ví dụ: Chỉ vì nghe lời đồn, cả làng quỳ lạy con rắn nằm trên ngôi mộ vô danh vì cho rằng, rắn hiển thần, hiển thánh. Tương tự như vậy người ta có thể linh thiêng hóa một bông hoa lạ, một hòn đá hình thù kỳ quái và một con cá có hình thức, màu sắc bất thường cũng có thể hóa thánh, hóa thần… Và một số người cũng dễ dàng tin vào bói toán, trừ ma, diệt quỷ, giải hạn, cầu may. Cùng với đó là đội ngũ ăn theo niềm tin mù quáng này bất chấp đạo lý, pháp luật để kinh doanh.

Đặc biệt, mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh không chỉ ở những nơi hẻo lánh, dân trí thấp mà xuất hiện ngay giữa Thủ đô, ở cả những người là giáo viên, tiến sỹ, chủ doanh nghiệp; tấn công cả vào trường học, công sở, nhà chùa...

 

            Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Dưới sự can thiệp của đồng tiền, của lợi nhuận, câu chuyện tín ngưỡng bị lợi dụng một cách tinh vi, khó lường, gây hệ luỵ rất lớn cho xã hội ở cả góc độ kinh tế, đạo đức và pháp luật.

Có mặt tại buổi giao lưu hôm nay, ở góc nhìn của chuyên gia văn hoá, tâm linh, tôn giáo, pháp luật và doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn có được cái nhìn đa chiều về vấn đề tâm linh, qua đó giúp nhiều người có thể tránh bị sa vào mê tín, dị đoan, tiền mất, tật mang, rước hoạ vào thân, gây hệ luỵ lâu dài về tâm lý, tình cảm cho chính mình và gia đình.

Câu chuyện CLB Tình Người đang tồn tại gây tranh cãi ở Thủ đô mà báo Đại Đoàn Kết đã điều tra thời gian này là một ví dụ để các vị khách mời bàn luận, làm rõ, giúp bạn đọc phân định được chính đạo - tà đạo và cũng phân tích thêm, vì điều gì mà nhiều người, trong đó có trí thức học cao, hiểu rộng vẫn bị rơi vào u mê trước những "giáo lý" rất xa lạ, thậm chí là đi ngược thuần phong mỹ tục, trái pháp luật!

Ban Tổ chức và bạn đọc kỳ vọng vào buổi toạ đàm này sẽ thức tỉnh được những người còn mê muội, cũng như gợi mở nhiều vấn đề cho các cơ quan chức năng trong việc định hướng, quản lý lĩnh vực này. Chúc các vị khách mời có một buổi toạ đàm bổ ích, góp một tiếng nói chính thống để đời sống xã hội lành mạnh hơn, văn minh hơn, thiện hơn".

                                Nhà báo Lê Anh Đạt tặng hoa cảm ơn các khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Theo nhà báo Cẩm Thúy, Trưởng ban Chuyên đề báo Đại Đoàn Kết, trong dòng chảy cùng tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đạo Phật vào Việt Nam từ rất sớm. Khi đến Việt Nam, hoà hợp cùng văn hoá và tín ngưỡng bản địa, Phật giáo vẫn là tôn giáo được biết đến rộng rãi và gần gũi với người Việt Nam hơn cả. Trong tâm hồn phần đông người Việt Nam, luôn luôn có chỗ của một góc chùa làng.

Và dù là tín ngưỡng dân gian, dù là đạo Phật hay nhiều tôn giáo khác, thì triết lý quan trọng bậc nhất vẫn là hướng thiện. Không có gì tử tế hơn việc con người có một đức tin. Tin rằng chỉ cần tâm mình khởi lên điều thiện, tin rằng cuộc đời có luật nhân quả… là những triết lý nhân văn sâu sắc, hoàn toàn gần gũi và có chung một thông điệp với đạo lý dân tộc.

Cho nên, thật đáng tiếc nếu trong đời sống hiện đại ngày nay, khi vật chất đã đủ đầy, khi người ta có điều kiện hơn để quan tâm, chăm lo đến việc thờ cúng, thì tính thực dụng đã chen cả vào chốn thờ tự. Dâng sao giải hạn, trần tục hóa lễ hội, tranh nhau xin ấn, cướp lộc... Dòng người đổ xô đến chùa chiền, đền phủ ngày càng mang màu sắc thực dụng, xin xỏ Phật, xin xỏ thần linh. Rõ ràng những biến tướng trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo là sự thật. Nhiều nơi tổ chức lễ hội chỉ nhằm được lợi. Người đến lễ thì thường cầu cúng xin xỏ chứ không phải để chiêm tưởng.

                                       Nhà báo Cẩm Thúy trao đổi với các khách mời tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Đặt câu hỏi với Giáo sư Lê Văn Lan, nhà báo Cẩm Thúy nêu: Thưa Giáo sư, đứng ở góc độ một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có ý kiến như thế nào về việc từ những tập tục thờ cúng tốt đẹp đã bị biến tướng thành những hiện tượng như giải nghiệp, oan gia trái chủ, bói toán?

Giáo sư Lê Văn Lan: Tôi có chú ý đến thuật ngữ “hiện đại” mà nhà báo vừa nói. Vì sao ở thời hiện đại mà vẫn có chuyện thuộc về thời gian và không gian rất lâu về trước. Một số nhà sử học đã có những công trình nghiên cứu và phát hiện được ra một điều có tính quy luật của lịch sử Việt Nam, đó là từng lát cắt thời gian, khi thì ta gọi lát cắt hiện đại, khi thì cận đại và trước đó là trung đại. 

Tuy nhiên, Việt Nam rất khác, những gì từ thời cận đại vẫn tồn tại trong lát cắt hiện đại. Những vấn đề thực thể từ thời trung cổ, vẫn tồn tại trong lát cắt hiện đại. Những chuyện ở thời nguyên thủy vẫn tồn tại như thế. Đấy là đặc điểm phát triển có tính quy luật của Việt Nam. Đó là lý giải vì sao, ở thời hiện đại rồi mà vẫn còn cúng vong, trục vong, giải nghiệp. Đó là sản phẩm từ thời trung cổ, thậm chí từ thời nguyên thủy. Nhưng vẫn có đời sống kéo dài như thế đến tận hôm nay.

 

                                                     Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Như vậy bóng của quá khứ vẫn đè nặng lên thời sau. Ở Việt Nam điều này hết sức rõ ràng. Vấn đề ở đây là vì sao hiện đại rồi, tức là văn minh, khoa học, tư duy là lý trí, về mặt lối sống là cân bằng và đầy đủ các yếu tố nhưng một số người vẫn không hoàn toàn là người hiện đại.

Trong cấu trúc của những người như thế, quá khứ ám ảnh rất nặng. Đấy là đặc điểm của con người hiện đại nhưng không hoàn toàn hiện đại. Người trẻ có thể nhảy rock, hát rap nhưng tư duy, thế giới tâm linh vẫn bị những hình ảnh, vấn đề, tập tục từ thời quá khứ, thậm chí từ thời rất xa ám ảnh. Những gì chúng ta gọi là hồn, vía, không phải là thời bây giờ. Nhưng những người hiện đại trong căn cốt của mình vẫn không thoát ra khỏi cái bóng của quá khứ.

Ở xã hội hiện đại, theo xu hướng thì đời sống vật chất rất quan trọng. Muốn tạo ra đời sống vật chất sang trọng, thì người ta lại sống như thời thế giới bắt đầu hình thành chủ nghĩa tư bản. Ở đó chỉ có lợi nhuận và lợi nhuận. Mác đã gọi thời kỳ đó là tư bản đẫm máu và tư bản man rợ. Phải mất nhiều thời gian mới chuyển sang văn minh. Nhưng giờ lại có những người sống như thế.

Vì vậy, cần vai trò của cơ quan quản lý văn hóa xã hội. Một thời chúng ta làm rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Nhưng hiện nay lại xuất hiện nhiều bất cập. Vì vậy, để trở lại thế cân bằng thì cần phải nâng trình độ dân trí. Các cấp quản lý bây giờ nhiều quá, chồng chéo lên nhau.

Lên chùa cầu buôn may bán đắt, thăng quan phát tài là sai

Nhà báo Cẩm Thúy: Thưa Thượng tọa Thích Minh Quang, thầy có thấy những hiện tượng đó hoàn toàn xa lạ với giáo lý Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam hay không?

                                    Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Thượng toạ Thích Minh Quang: Chúng ta được nghe Giáo sư sử học trình bày giải thích câu hỏi của nhà báo Cẩm Thuý. Về vấn đề này tôi xin có ý kiến như thế này: Nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng, cầu bình an cho gia đình, người thân là nhu cầu chính đáng của nhân dân, Phật tử. Điều này quy định trong Hiến pháp 2013, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tất cả tôn giáo đều bình đẳng. Ở đây chúng ta phân biệt đồng dị, tín ngưỡng ở các tôn giáo. Ở Việt Nam, các Phật tử đều theo tín ngưỡng cũng theo tôn giáo.

Có nhiều tầng lớp, có người quy y Tam bảo, có người lần đầu tiên đến với chùa. Vậy chúng ta nên có cái nhìn tổng thể. Ở đây những người đến với đạo Phật, "đạo" là con đường, "Phật" là giác ngộ. Giác ngộ về bản thân, cuộc đời, thế giới. Cuộc đời là vô thường, sinh, lão, bệnh, tử. Chúng ta giác ngộ bản thân từ đó tu tập đem lại an lạc cho chính mình và những người xung quanh.

Ở đây chúng ta thấy đạo Phật bản chất là tôn giáo, giác ngộ, giải thoát. Có bộ phận quần chúng chưa hiểu biết đã biến Đức Phật thành ông thần để xin. Tôi vẫn nói đùa, các vị khoán cho Phật nhiều việc quá.

Theo quan sát thực tế, có những đối tượng đến chùa nhiều khi bằng cảm tính, hoặc do ông bà cha mẹ tổ tiên đến chùa thì cũng đi chùa, hoặc cầu phát tài, mua may bán đắt. Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, quần chúng đến chùa tu theo đạo ngày càng đông

Tôi mong các Phật tử cố gắng coi nghi lễ cầu cúng chỉ là phương tiện nhưng từ đó mỗi chúng ta lại phải tự tu học tinh tiến giác ngộ. Như tôi nói, lễ Phật giả, kính Phật tri đức.

Chính vì vậy, muốn chấm dứt khổ đau nhờ vào tuệ giác, mỗi người chúng ta muốn nỗi khổ niềm đau vơi đi phải nhờ vào tuệ giác, cũng nhờ vào tuệ giác biết rõ cuộc đời, thế giới. Rất mong quý Phật tử tránh tình trạng chen lấn xô đẩy như chúng ta vừa xem.

Nhà báo Cẩm ThúyXin cảm ơn Thượng tọa! Thực sự, sự có mặt của Thượng tọa hôm nay giúp cho các Phật tử cũng như bạn đọc đang theo dõi báo Đại Đoàn Kết hiểu rõ hơn về việc thực hành tâm linh, sẽ giúp bản thân thực hiện tốt hơn về tâm linh. Như thầy vừa nói, nhiều Phật tử có khi chỉ dâng lên một nải chuối nhưng lại cầu cho mình quá nhiều thứ, quá nhiều tham vọng... Vậy Thầy có lời khuyên nào đối với các Phật tử trong việc xin Phật ban phát tiền tài công danh, liệu quan niệm cứ phải chùa to hơn thì sẽ nhiều phúc đức hơn, như vậy có đúng hay không?

Thượng tọa Thích Minh Quang: Ước nguyện cầu mong cuộc sống bình an là ước nguyện chung mỗi người. Đầu năm hay đến chùa lễ Phật, cầu cho bản thân, người thân được bình an, cầu quốc thái dân an. Tuy nhiên chúng ta cầu nguyện làm sao cho phù hợp. Chúng ta cầu nguyện đừng cầu cho riêng mình, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà thì đã có mình. Còn chỉ cầu riêng cho mình thể hiện lòng tham. 

Bởi vậy, kính mong quý Phật tử khi đến chùa hãy thể hiện lòng thành kính với Đức Phật, đến với đạo Phật là thấy chính mình, còn đến chùa "chỉ thấy Phật chưa thấy chính mình" thì phải nỗ lực nhiều lắm. Việc cầu cúng cầu nguyện là nhu cầu cần thiết nhưng cầu như thế nào cho đúng, mong mọi người theo dõi các bài giảng trên trang mạng để cầu cho đúng.

Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết, chưa từng nghe đến quan điểm chùa to, chùa lớn thì cầu được nhiều phúc lộc hơn. Phật ở khắp mọi nơi, đến cửa Phật không phân biệt to nhỏ, lớn bé, sang hèn. Đã đến cửa Phật là bình đẳng.

Nhà báo Cẩm Thúy: Thưa Giáo sư Lê Văn Lan, trên mạng xã hội ngày nay có quá nhiều thông tin và bạn đọc rất khó để chọn lọc cho mình những thông tin đúng đắn. Trong buổi toạ đàm hôm nay giáo sư có thể nói thêm về chánh tín và mê tín - một ranh giới vốn mong manh, để giúp cho độc giả có thể tự mình phân định rõ thế nào là tín ngưỡng, thế nào là u mê?

                                     Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ về chánh tín và mê tín. Ảnh: Quang Vinh.

Giáo sư Lê Văn Lan: Đã nói tới chánh tín và mê tín thì chúng ta đã chạm tới một miền rất mênh mông, rất rộng lớn. Vì vậy, để bàn về chánh tín và mê tín, tôi xin kể một câu chuyện có thực ở thế kỷ 19. Ở trong sách Hưng Hóa có chép, Tuần phủ Hưng Hóa đến một làng, gọi là làng Đỗ. Ông đến và thấy làng này đem thờ nõ, nường - vật sống của người nam, nữ. Những vùng xung quanh đó cũng thờ phụng nõ, nường, bằng cách ném, cướp những vật như thế. Ông Tuần phủ bèn hỏi tại sao làm việc quái gở như này. Ông gọi đó là mê tín và ra lệnh cấm.

Nhưng nếu đặt những nõ, nường như thế vào một không gian khác - Không gian văn hóa thì nó lại khác. Hôm qua tôi ở Quảng Nam, vào khu Thánh địa Mỹ Sơn, người ta làm những tượng rất đẹp và công phu. Và bây giờ coi như di sản văn hóa thế giới.

Vì vậy, chúng ta thấy, để phân biệt chánh tín và mê tín, cần sự phù hợp như Thượng tọa Thích Minh Quang nói. Phù hợp với sự phát triển xã hội, ở lát cắt của thời gian nào thì cần có niềm tin phù hợp. Phù hợp với chuẩn mực, phù hợp với phẩm chất của người tin và thực hành tín ngưỡng, sao có chánh tín và không mê tín. Bình tĩnh, sáng suốt và tỉnh táo - Phẩm chất ấy cộng với sự chủ động không bị ma mị, rủ rê, cộng với sự phát triển và điều kiện phát triển của xã hội. Giờ muốn sinh đẻ thì khoa học ở thời hiện đại hoàn toàn có thể can thiệp, như vậy thì những niềm tin mù quáng sẽ không thể tồn tại.

Đặt sự phù hợp trong tâm thức, tâm thế của từng người, trong từng cộng đồng, là sáng suốt, bình tĩnh, chủ động thì sẽ tránh sự mê muội. Mê muội ứng vào niềm tin sẽ là mê tín.

Nhà báo Cẩm ThúyThưa ông Nguyễn Văn Tưởng, là người tham gia cố vấn trong bộ phim tài liệu “Trầm hương - Văn hóa tâm linh của người Việt” phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, được khán giả, trong đó có kiều bào ta ở nước ngoài đón nhận và nhận xét đánh giá cao… Theo ông, việc thực hành tâm linh cần phải được gạn đục khơi trong như thế nào?

                                          Ông Nguyễn Văn Tưởng chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Nguyễn Văn Tưởng: Cảm ơn báo Đại Đoàn Kết đã tạo điều kiện cho tôi được phát biểu. Tôi luôn tâm niệm, bản thân mỗi con người cần phải luôn tự rèn luyện, luôn sửa mình để hướng thiện. Và chính vì luôn hướng thiện nên khi thành lập doanh nghiệp (DN), chúng tôi luôn hướng đến giá trị chung của mọi người, tức là sản xuất những sản phẩm đẹp, giá thành, chất lượng tốt. Nếu tất cả DN khi tham gia kinh doanh đều nghĩ sẽ dành cho xã hội những điều tốt đẹp, sản xuất ra những sản phẩm tốt dành cho xã hội thì chắc chắn sẽ thành công!

Tại Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới (Club de Madrid) năm 2020, Trầm Hương Khánh Hoà là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự. Tại diễn đàn này, Việt Nam chính thức được nhắc đến là Quốc gia Trầm hương - một dân tộc yêu hoà bình, sẵn sàng khẳng định và lan toả giá trị của mình ra thế giới.

Bạn bè thế giới tin tưởng và đặt kỳ vọng vào Việt Nam - Quốc gia Trầm hương, vì cây trầm hương không chỉ trao cho chúng ta hương thơm để thưởng thức mà còn sở hữu nhiều giá trị to lớn khác, đủ tạo nên một ngành kinh tế và sức bật văn hoá mạnh mẽ cho nước nhà, sẽ trở thành đại diện chân chính cho tâm nguyện tốt đẹp của nhiều tôn giáo, nhiều quốc gia.

Như Giáo sư Lê Văn Lan đã nói, có quá nhiều lát cắt tồn dư từ quá khứ và kéo dài đến nay, vậy làm sao chúng ta cắt được những lớp tồn dư đó đi, gạn lại những nét đẹp truyền lại cho đời sau... Với tâm niệm đó, chúng tôi đã tìm đến cây trầm, đây là loài cây mà tất cả các tôn giáo trên thế giới đều sử dụng khi cúng lễ, bản thân cây trầm có ý nghĩa rất lớn về tâm linh. Người dân được mùa đốt trầm, thắng trận đốt trầm, nhớ ông bà, tổ tiên đốt trầm... Hương trầm kết nối tuệ giác, giúp con người cùng kết nối những giá trị linh thiêng; cầu khấn một năm mới đến hy vọng điều tươi đẹp và xua đi những điều không phù hợp.

Đại diện cho DN, tôi muốn gửi thông điệp đến mọi người, khi định vị mình ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội đều phải sửa mình, sản xuất những sản phẩm tốt cho xã hội.

Nhà báo Cẩm ThúyXin cảm ơn ông Nguyễn Văn Tưởng! Thưa ông Lê Ngọc Khánh, trước những hiện tượng các hoạt động tín ngưỡng bị biến tướng, có những trường hợp lợi dụng tâm linh để trục lợi thì vai trò của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo chính thống, của pháp luật và các cơ quan liên quan cần phải làm gì để đời sống sinh hoạt tâm linh trong xã hội trở nên lành mạnh?

                                    Tiến sĩ luật học Lê Ngọc Khánh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Tiến sĩ luật học Lê Ngọc Khánh: Tôi tin nhân dân cả nước nếu người nào vào xem tọa đàm trực tuyến báo Đại Đoàn Kết tổ chức hôm nay đều sẽ yêu thích. Đây là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm từ người trình độ thấp đến người cao. Như nhà sử học Lê Văn Lan và Thượng tọa Thích Minh Quang đã nói, vấn đề tâm linh, tín ngưỡng luôn được người dân quan tâm từ thời cổ đại cho đến thời hiện đại. Vì đức tin là vấn đề người dân rất quan tâm. Sống mà không có niềm tin sao mà sống được!

Dưới góc độ về an ninh trật tự và vấn đề luật pháp thì vấn đề này là thế nào? Tôi cũng chưa có hồ sơ cụ thể của vụ việc. Phải có hồ sơ cụ thể thì mới có thể nói những vấn đề xử lý. Tuy nhiên, tôi được biết, vừa rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ có chỉ đạo yêu cầu làm rõ hoạt động của CLB Tình Người. Tôi nghĩ rằng, nếu ở góc độ những trường hợp lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Theo đó, tổ chức, cá nhân đó sẽ bị xử lý về hành chính theo quy định của Chính phủ. Nếu anh hành nghề mê tín dị đoan để trục lợi, lấy tiền. Vừa rồi tôi cũng nghe, đọc thấy trên một số báo nói rằng CLB Tình Người ở Dương Đình Nghệ có vấn đề trục lợi. Tôi không dám khẳng định vì chưa có hồ sơ cụ thể. Tôi nói theo những vấn đề đăng trên báo thì có thể cá nhân, tổ chức này mắc vào tội: Hành nghề mê tín dị đoan trái với quy định của Nhà nước.

Theo quy định của Nhà nước, tất cả các hội nhóm phải được cấp phép, từ UBND cấp quận, huyện cho đến cấp tỉnh, cấp bộ. Vì vậy, nếu anh không được cấp phép là sai. Hai nữa, nếu trục lợi thì mắc vào tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017) hoặc tội lạm dụng tín nhiệm (Điều 175 Bộ luật Hình sự).

Chia sẻ tại tọa đàm, theo nhà báo Nguyễn Thị Cẩm Thúy, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định, thực hành tâm linh là nhu cầu chính đáng và cần thiết của con người. Tôn giáo nào cũng hướng thiện, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian đều hướng con người tới việc làm điều thiện, tránh điều ác, thực hành tâm linh là để giúp con người đạt tới an lạc, hạnh phúc. Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, trong thực tế xã hội ngày nay, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng tôn giáo và tín ngưỡng để dụ dỗ con người sa vào u mê, lầm lạc.

Nhà báo Nguyễn Thị Cẩm Thúy: Hình ảnh quí vị vừa xem cho chúng ta thấy, ngay giữa Thủ đô Hà Nội đã tồn tại một cơ sở hoạt động núp bóng dưới hình thức mô hình một doanh nghiệp nhưng lôi kéo mọi người vào những việc đầy “ma mị” như trả nghiệp, cúng vong, rao giảng “giáo lý” mê muội.

Điều đáng ngạc nhiên là khi báo Đại Đoàn Kết triển khai thực hiện loạt bài điều tra độc quyền này thì chúng tôi nhận được chia sẻ của rất nhiều người, có những người nói rằng đã được rủ rê, thậm chí đã tham gia 1 vài buổi và cảm thấy rất phẫn nộ với các hoạt động lừa mị như vậy.

Nhà báo Nguyễn Thị Cẩm Thúy chuyển câu hỏi mà bạn đọc gửi Thầy Thích Minh Quang: Thưa Thầy, con đi hỏi có người nói với con rằng tổ tiên nhà con đã tạo nghiệp xấu. Người này có khuyên phải dùng nhiều tiền để cầu cúng, dùng nhiều tiền để giải nghiệp. Vây, thầy cho con hỏi, dùng tiền giải nghiệp có đúng với giáo lý nhà Phật không ?

Thượng tọa Thích Minh Quang: Chúng ta vẫn thường nghe tới khái niệm "Nghiệp". Nhà Phật nói như thế này, mỗi chúng ta có 3 nghiệp thân, khẩu, ý. Nghiệp là kết quả của hành động, lời nói, ý nghĩ. Như vậy, mỗi bước chân đi, mỗi lời nói đều có nghiệp. Tuy nhiên, lời nói tốt thì gieo nghiệp tốt và ngược lại.

Tuy nhiên, muốn giải nghiệp xấu thì không có cách nào khác phải sám hối, tu tập mới giải nghiệp được. Như bạn đọc nói, gia tiên tiền tổ tạo nghiệp xấu giờ đi cúng tiền giải nghiệp. Ở kinh địa tạng nói, nghiệp ai làm người đó chịu. Vậy nên, nếu muốn giải nghiệp cho tổ tiên thì phải hồi hướng, làm nhiều điều tốt còn dùng tiền để giải nghiệp thì không phù hợp với giáo lý nhà Phật.

                                                  Nhà báo Cẩm Thúy đặt câu hỏi tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Cẩm ThúyThưa GS Lê Văn Lan, ông có nói đến vấn đề dân trí. Nhưng có người tham gia CLB Tình Người có trình độ rất cao. Vậy vì sao họ lại có thể mê muội như vậy? GS có thể lý giải?

Giáo sư Lê Văn Lan: Câu lạc bộ này dựa vào cuốn Pháp bảo để vận hành. Tôi đã có dịp tiếp xúc với cuốn sách này và nhận định đây là cuốn sách hổ lốn và tầm thường. Nó dựa trên quan điểm tín ngưỡng từ thời nguyên thủy là vong, hồn. Dùng các thủ pháp hiện đại như kết hợp vào đây (cuốn sách) các vấn đề, chi tiết của Phật giáo.

Như Thượng tọa Thích Minh Quang vừa nói, đó là chữ Nghiệp. Làm việc thiện và cúng bái. Nó rất tạp nham vì lôi kéo vào đủ các mảnh vụn. Nó là hình thức, và hình thức hiểu sai, tạo ra một mớ hổ lốn. Đã thấp, đã hổ lốn tại sao vẫn có nhiều người tin? Trong đó có người có trình độ.

Ở đây có thể lý giải chính là vấn đề kỹ thuật chinh phục đám đông hiện đại, đã được vận dụng khéo léo, tinh vi, và quỷ quyệt. Hiệu ứng đám đông luôn là một sức mạnh. Ở đây sức mạnh đó đã bị lợi dụng.

Tôi có thể nói một ví dụ thế này. Chúng tôi đi tìm hàng ăn, thấy hàng nào có nhiều xe bên ngoài, tức là đông, tức là ngon. Hiệu ứng đám đông buồn cười như thế. Nếu nó ứng dụng vào kinh doanh là bán hàng đa cấp, hiệu quả rất lớn nhưng hậu quả rất khủng khiếp. Hiệu ứng đám đông đã được vận dụng và chinh phục nhiều người, cả người có trình độ cũng không thoát ra được là vậy.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Rất tâm đắc với phát biểu của Thượng toạ, nếu mang tiền đi giải nghiệp thì phúc và lộc chỉ dành cho người có tiền.Tôi mong thầy Thích Minh Quang nói rõ hơn về việc dùng tiền đi giải nghiệp. Trong cuốn sách của câu lạc bộ Tình Người có định nghĩa thời này là thời mạt, thời này có những cái khó khăn, thiên tai, dịch hoạ, chiến tranh nên Ngài mở cửa cho cõi âm lên cõi dương, nên thời này cõi âm, cõi dương lẫn lộn và dưới giác độ như vậy họ đưa ra lý thuyết sàng lọc, ai phúc mỏng thì có thể gặp hoạ. Cuốn sách này gieo lo lắng cho những người sa vào u mê, dùng tiền để trả nghiệp, cho phúc mình dày lên, phúc gia đình mình dày lên. Thực sự đây là vấn đề rất quan trọng. Mong Thầy Thích Minh Quang nói rõ hơn về việc này?

Thượng tọa Thích Minh Quang: Xin cám ơn Phó Tổng biên tập Lê Anh Đạt. Trước khi nói tôi xin kể câu chuyện, cách đây 6 tháng, có anh đang làm cảnh sát giao thông nói nhà bị ma làm, ma nhập suốt mấy năm qua hao tiền tốn của. Chỗ nào cũng nói nhà này Nghiệp nặng phải giải nghiệp, phải làm lễ để giải nghiệp. Tôi có nói rằng, nghiệp không dùng lễ mà giải được, tự tạo thì tự giải thôi. Sự ràng buộc bằng tham sân si, ganh ghét thì phải tự cởi thôi. Tôi có nói anh làm 2 việc, anh phải siêng năng sám hối, sám hối là ăn năn hối lỗi cái mình đã làm, nói nôm na là biết sai thì sửa. Chúng ta phải biết sám hối nghiệp chướng, ăn năn sám hối. Bên cạnh đó phải siêng năng tu tập, là làm điều lành, tránh điều ác. Mỗi chúng ta biết làm điều hay, nói lời tốt, tâm thiện thì chắc chắn đời sẽ bình an. Còn mang tiền đi giải nghiệp thì tiền mất tật mang. Nút thắt ta buộc thì ta tự cởi. Tại sao nhà Phật luôn nhấn mạnh phải tu tập.

Nói về vấn đề phúc, nhà Phật cũng đề cập đến cúng dường bố thí. Bố thí gồm 3 nội dung. Tài thí là vật chất gồm nội tài, ngoại tài. Nội tài là hiến tạng, hiến mô để lại hạnh phúc cho người còn lại. Ngoại tài là hỗ trợ vật chất nếu có thể. Bố thí thứ hai, pháp thí là cho người khác điều hay, ý đẹp, chân lý làm sao để thoát được nỗi khổ niềm đau. Vô ý thí là cho người ta không có sự sợ hãi của cuộc sống.

Trục lợi tâm linh là tội lỗi rất lớn là tạo nghiệp rất nặng. Có những người có nhận thức xã hội cao thì không nói nhưng nhiều người thiếu hiểu biết mà trục lợi tâm linh để đưa người ta vào u mê là tội lỗi. Chúng ta thấy được việc này chúng ta phải lên án việc đó. Trục lợi tâm linh là tội lỗi vô cùng.

                                               Nhà báo Lê Anh Đạt tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Trong cuốn sách được coi là "pháp bảo" của CLB Tình Người có nói, đây là thời kỳ có 1 người 70 vong đi theo, vong có thể là những người thân thiết trong gia đình. Dưới góc nhìn của họ luôn có vong, ma quỷ nên những việc làm của họ luôn giữ bí mật, ai ngăn cản đều là vong cả. Vậy xin thầy nói rõ thêm về việc này?

Thượng toạ Thích Minh Quang: Tôi chưa có dịp đọc cuốn sách này. Nhưng trong nhà Phật nói về vấn luân hồi lục đạo. Nói về cõi trời, cõi người, cõi a tu la, địa ngục, cõi ngạ quỷ, súc sinh. Ngạ quỷ là quỷ đói tức là nói về những người chết oan uổng như uống nhầm thuốc, ngã từ trên núi..vv... thì chưa được siêu thoát. Đối với vong linh, những người chưa siêu thoát thì nhà Phật hàng năm tổ chức các lễ cầu siêu cho các vong linh.

Tuy nhiên, với câu chuyện của nhà báo Lê Anh Đạt vừa nêu thì người ta cường điệu hoá lên câu chuyện vong linh theo người, vong linh làm cho người trần trắc trở. Vì vậy chúng ta phải nhận thức khác đi, vong linh là không phải ai mất đi thì cũng thành vong linh, vong linh cũng không tồn tại mãi trên cõi đời này để hành người sống. Cho nên chúng ta đừng tin vào điều đó rồi phải đóng tiền, làm việc này việc nọ.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Thưa Giáo sư Lê Văn Lan, về vấn đề này, ý kiến của ông thế nào?

Giáo sư Lê Văn Lan: Tôi đã nhiều lần nói đây là chuyện tầm phào, nó là từ xã hội nguyên thủy, khi con người mới sơ khai, ở mức độ sáng tạo ra cái gọi là vong. Nhưng sau hơn 4 nghìn năm phát triển của nhân loại, cái chuyện gọi là vong đã cổ hủ và không thích hợp. Thế mà ở đây chi tiết cụ thể hóa, mỗi người có đến 70 vong. Như vậy, cả nhân loại có vài tỷ người mà nhân lên 70 vong thì vong chất vào đâu. Lại có chuyện địa ngục đang mở để vong trèo lên thế giới và làm hại người.

Đây là điều đe dọa. Tội lỗi ở chỗ nó làm cho người ta khiếp nhược. Khiếp nhược của người nguyên thủy không thể là nỗi khiếp nhược của người hiện đại. Huống chi người ta còn dùng cả từ mạt, mạt pháp. Anh có thể nói đạo lý suy đồi, nhưng nếu dùng đến mạt vật tức là anh chạm tới quốc gia, xã hội và tới thời đại. Tôi không hiểu tại sao những cơ quan có trách nhiệm lại để xảy ra chuyện phỉ báng thời đại mà lại mang tính đe dọa.

Tôi kiến nghị những cơ quan có trách nhiệm phải hành động ngay để chấm dứt việc này.

Thượng tọa Thích Minh Quang, Giáo sư Lê Văn Lan và ông Nguyễn Văn Tưởng chia sẻ cùng nhà báo Lê Anh Đạt bên lề tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Cẩm Thúy: Hiện giờ số người xem chương trình này đang tiếp tục tăng lên, về vấn đề này còn rất nhiều ý kiến bạn đọc đã gửi đến. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chuyển sang ý khác, nhu cầu đi lễ chùa là nhu cầu rất chính đáng, cầu quốc thái dân an, cầu bình an là chính đáng. Mong mỏi văn hóa tín ngưỡng của người Việt phải trở về với bản thể của sự trong sáng. 

Thượng tọa Thích Minh Quang: Bây giờ nhu cầu tâm linh của bà con tín đồ Phật tử ở Việt Nam khá là lớn. Trong các dịp đầu Xuân, đầu năm rất nhiều bà con nhân dân đến chùa tham quan, vãn cảnh, cầu nguyện một năm bình an, mọi sự thuận lợi. Đến chùa hay địa chỉ tâm linh, chúng ta nên làm thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của mình vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Chúng tôi luôn nhấn mạnh văn hóa đi lễ chùa.

Những năm gần đây sự vào cuộc của các cấp các ngành, địa phương và đặc biệt là tuyên truyền mạnh mẽ của các cấp Giáo hội Phật giáo cũng như nhà chùa, chúng tôi nhận thấy bà con nhân dân, tín đồ Phật tử khi đến chùa khác trước rất nhiều.

Năm 2012, tôi chứng kiến lễ hội đầu năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng ở chùa Bái Đính, sau lễ hội cây cối xơ xác, rác khắp nơi. Chỗ nào cũng tờ tiền giấy vàng khói hương nghi ngút. Tiền lẻ nhét đầy tay tượng, bàn thờ. Nhưng những năm gần đây, bà con, tín đồ Phật tử đi chùa văn minh hơn rất nhiều, không còn tay xách nách mang mang nhiều lễ vật đến chùa. Đi với tâm thế nhẹ nhàng, vãn cảnh, tĩnh tâm, cầu nguyện. Tình trạng chen lấn xô đẩy, dắt tiền lẻ, khói hương nghi ngút đã hạn chế rất nhiều.

Chúng ta phải nhìn bằng hai mặt, chứ không phải chỉ nhìn một mặt mà không có tích cực. Tuy nhiên, không phủ nhận việc đâu đó vẫn còn một bộ phận bà con nhân dân do tính hiếu kỳ nhiều khi không phải đến lễ Phật, chỉ là chụp ảnh.

Tôi mong bà con nhân dân dến chùa lễ Phật hay chiêm bái, chụp ảnh thì phải giữ gìn nơi đó trang nghiêm thanh tịnh, như vậy chúng ta cầu nguyện mới được như nguyện. Giữ nơi tâm linh được xanh - sạch - đẹp.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Thưa ông Nguyễn Văn Tưởng, chúng ta vừa đề cập đến câu chuyện du lịch tâm linh, để giữ gìn và phát huy những giá trị của văn hóa tâm linh từ việc thực hành tâm linh như ông nói, điều quan trọng là phải sáng tạo những giá trị gì cho hiện tại và tương lai. Chúng ta nói nhiều về du lịch tâm linh, vậy theo ông chúng ta có nên có những sản phẩm vật chất phục vụ cho việc thực hành tâm linh “made in Vietnam” mang chiều sâu văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tưởng: Trước hết cho tôi gửi lời cảm ơn báo Đại Đoàn Kết đã rất công phu để thực hiện chương trình này. Tôi luôn quan niệm, muốn phát triển đất nước, các DN phải luôn hướng thiện, luôn sản xuất các sản phẩm tốt. Nha Trang là thành phố biển xinh đẹp. Hàng ngàn nhà đầu tư đã tham gia kinh doanh và đầu tư vào thành phố biển này. Mặc dù thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 khiến ngành du lịch gặp khó khăn và các DN cũng đang rất khó, nhưng bản thân các DN như chúng tôi vẫn luôn tâm niệm làm sao hình ảnh Việt Nam luôn đẹp trong mắt khách du lịch.

Về lĩnh vực tâm linh, tôi luôn nghĩ, trên bàn thờ tổ tiên, sản phẩm bánh chưng của chúng ta có bao nhiêu người trên thế giới đặt lên bàn thờ để họ thờ cúng. Nói như vậy là tôi muốn nhấn đến vấn đề, bàn thờ là nơi linh thiêng, tôn kính, vậy làm sao để những sản phẩm mà các DN Việt sản xuất ra là những sản phẩm chất lượng tốt, được người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới trân trọng. Và cần đưa những sản phẩm tốt để người dân có thể dâng lên nơi linh thiêng cao quý, đó là bàn thờ, khi đó, đất nước ta mới phát triển, hùng mạnh.

Chủ đề của báo hôm nay khơi lên tinh thần cao đẹp, yêu nước bằng đạo pháp, bằng chính pháp. Chúng ta cần có những chương trình tương tự nhiều hơn nữa để hướng thiện cho xã hội. Thông qua chương trình, chúng tôi muốn gửi tới xã hội những điều tốt đẹp của xứ trầm hương Khánh Hòa, đó là thông điệp của sự kết nối tuệ giác, hướng đến những điều thiện lành, tốt đẹp nhất.

                                                Các phóng viên tác nghiệp tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Thưa ông Lê Ngọc Khánh, việc lợi dụng vấn đề tâm linh để gieo rắc nỗi sợ hãi cho người khác sẽ phải chịu trách nhiệm gì?

Tiến sĩ luật học Lê Ngọc Khánh: Tôi rất tâm đắc phần trả lời của GS Lê Văn Lan và Thượng tọa Thích Minh Quang, qua nghiên cứu đọc loạt bài phóng sự về CLB Tình Người trên báo Đại Đoàn Kết cũng như sự tìm hiểu của cá nhân tôi, tôi đã phần nào nắm được những thông tin và hiểu một phần về CLB này.

Về cuốn sách của CLB này, tôi chưa đọc và cũng không nghiên cứu sâu, nhưng qua lời Giáo sư Lê Văn Lan nói sách đó không giá trị. Tôi chỉ quan tâm sách này nếu được phép xuất bản thì nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm vì Luật quy định rõ. Luật Xuất bản quy định, nhà xuất bản cho xuất bản nội dung sách trái quy định của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Về hoạt động của CLB Tình Người, tôi có đề cập ở trên, nếu có lợi dụng tôn giáo, lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi là tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu anh chỉ hoạt động tín ngưỡng bình thường thì luật luôn cho phép. Nhưng tự do tín ngưỡng phải trên cơ sở luật pháp chứ không thể lợi dụng để trục lợi. Về tội hành nghề mê tín dị đoan có nhiều mức xử phạt, nhẹ thì xử lý hành chính, cao hơn sẽ phải bị truy tố.

                                             Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Khía cạnh pháp luật cơ quan chức năng sẽ tiếp cận thế nào để chúng ta có thể xử lý việc này, theo quan điểm của Luật sư?

Tiến sĩ luật học Lê Ngọc Khánh: Cơ quan chức năng đã bắt đầu vào cuộc. Tôi thấy rất nhiều trách nhiệm của cơ quan nhà nước liên quan đến vụ việc này. Ở góc độ người dân thì phải tỉnh táo…, nhưng cá nhân tôi thấy rằng, đối với người dân rất khó tránh sa vào những chuyện này, vì nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo rất cao. Như Giáo sư Lê Văn Lan và Thượng tọa Thích Minh Quang nói, người ta bày trò mang tầm quỷ quyệt thì người dân bình thường, thậm chí người trình độ còn bị u mê.

Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là rất lớn. Tại sao để mấy năm nay rồi và nhiều người rơi vào như vậy? Tôi nói có thể đụng chạm, nhưng một CLB Tình Người như nhà báo Lê Anh Đạt nói, giữa trung tâm Thủ đô xuất hiện như thế là đáng buồn. Sự việc để người trong cuộc tố cáo, báo Đại Đoàn Kết đã vào cuộc là rất tốt cho nhân dân, việc này rất đáng khen.

Theo quy định, các nhóm hội phải được cấp phép mới được hoạt động. Rồi có cuốn sách, nội dung nhảm nhí, hổ lốn lại được phát hành, phát tán 6 vạn cuốn tôi thấy rất lạ. Cơ quan nhà nước ở đâu, quản lý thế nào?

Giữa Thủ đô thế này, chúng ta có cơ quan văn hóa, Công an phường, UBND phường, tổ dân phố sao không vào cuộc kiểm tra thế nào để cảnh báo người dân. Không ai nói gì thì người dân có thể có lòng tin, vì CLB hoạt động giữa Thủ đô thế này chắc không vấn đề gì. Ban đầu CLB thuộc Hội Chữ thập đỏ thế người dân tin.

Tôi rất muốn khuyên bà con khi tham gia nhóm, hội, tổ chức phải xem họ có được phép không, được tổ chức thế nào chứ không theo một tổ chức vu vơ, u mê nguy hiểm. Tóm lại phải tìm hiểu kĩ hãy tham gia. Về phía cơ quan nhà nước phải kiểm tra thường xuyên, có định hướng cho người dân.

Khi đã xảy ra rồi, trước mắt, cơ quan chức năng như Công an, văn hóa phải vào cuộc xác minh làm rõ. Căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam (luật Hình sự, Xuất bản, Tín ngưỡng tôn giáo), để xem có trốn thuế không, có giấy phép chưa, có trục lợi lấy tiền không, hành nghề mê tín dị đoan không. Cơ quan điều tra phải nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ. Khi có hành vi phạm tội là khởi tố. Nếu chưa đến mức trách nhiệm hình thì phải xử lý hành chính.

Giáo sư Lê Văn Lan: Thưa quý vị, bây giờ đang có hiện tượng rất đông người đến lễ chùa, mà không chỉ đến chùa, mẫu phủ, đền, miếu, nhà thờ đều có tình trạng đông đúc dẫn đến quá tải. Tôi muốn kể một câu chuyện, ngày xưa có ông vua một nước nhỏ bị hoàng hậu bắt nạt, sợ vợ, ông muốn xem thiên hạ có người nào hơn ông (tức là không sợ vợ), ông gọi người đến sân triều đình, có trồng hai cây cột và yêu cầu thần dân người nào sợ vợ thì vào cột bên này, không sợ thì cột bên kia, tất cả đều đứng vào cột sợ vợ, duy nhất một anh đứng bên cột kia, ông vua hỏi tại sao anh dũng cảm thế, có bài học gì cho ta không? Anh nói: muôn tâu bệ hạ, trước khi thần đến đây, vợ thầy dặn rằng, chỗ nào đông đừng có đứng, nên thần đứng sang bên chỗ không có người. Như vậy chỗ nào đông thì tránh đi.

Tôi đã chứng kiến ở Đền Hùng, Ngày giỗ Tổ 10-3 mặc dù đã có kế hoạch chống kẹt, ùn tắc nhưng tình trạng đông kẹt vẫn xảy ra. Hàng triệu người đến đó, nhiều người muốn xin một nắm đất mang về nhà thờ, nhiều người đến để cầu cạnh, do đó tạo nên tình trạng quá tải dẫn đến tình trạng gần như chết ngạt.

Tôi muốn nói, cho dù quý vị hành hương đến chùa, đến đền, đình hay bất cứ cơ sở tôn giáo tâm linh nào, nên đến nơi đủ sức chứa, đảm bảo được sự an tọa, còn nếu quá tải thì chúng ta nên tránh. Ở Việt Nam có nhiều nơi chúng ta có thể đến để tĩnh tâm.

Như Thượng tọa Thích Minh Quang nói, thứ nhất là tu tại gia. Phật là tâm, tâm là Phật. Các vị cứ đi lễ với tất cả sự thành kính của mình, nhưng tránh những nơi đông đúc, quá tải như vậy mới có thể tĩnh tâm. Như vậy, còn khắc phục được cả tâm lý, nếp nghĩ quen thuộc “đông là vui”. Nhưng giờ đó là quan niệm cũ, giờ “đông không hẳn là vui” mà đông là tai nạn, là quá khích. Tôi cho rằng, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo lựa chọn đi lễ cho phù hợp.

                         Nhà báo Lê Anh Đạt trò chuyện cùng các khách mời tham gia Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.  

Nhà báo Lê Anh Đạt: Để kết lại vấn đề này, thưa Giáo sư Lê Văn Lan, làm thế nào để người u mê trở về cuộc sống bình thường?

Giáo sư Lê Văn Lan: Kết luận hôm nay, có thể nói chúng ta đi một chặng đường hình phễu. Chúng ta đề cập đến mê tín, chánh tín, về hành động, thực hành tín ngưỡng dân gian. Chúng ta đi đến đáy phễu và ra khỏi cuống phễu bằng sự kiện đang gây búc xúc, liên quan đến đại cảnh thực hành tín ngưỡng, tâm linh chính là việc của CLB Tình Người. Tôi đã lĩnh hội từ các vị khách ở đây rất nhiều, từ doanh nghiệp, luật sư đến Thượng tọa Thích Minh Quang. Đấy là điều chúng ta có thể khẳng định với nhau, nên giúp cho nhau hiểu rõ và làm đúng điều này. Ấy là hãy thực hành tín ngưỡng, thực hành tâm linh phù hợp với thời đại của chúng ta. Cho dù thực tiễn và cả tính quy luật, xã hội vẫn còn có những ám ảnh, những đè nặng của di sản của quá khứ. Nhưng ở thời hiện đại, con người không thể là những người già chưa đều. Hãy là người hiện đại "toàn thân". Không phải người hiện đại mà ẩn trong tâm thức, tâm linh là cổ sơ, cổ hủ.

Mọi người tự giác nâng cao sự hiểu biết của mình, trí tuệ của mình. Thưa thầy Thích Minh Quang, ngôn ngữ của đạo Phật, nhấn rất kỹ đến chữ Tuệ. Đó là tuệ giác, tuệ tâm, thậm chí là nhìn cũng phải là tuệ nhãn. Tôi rất mong mọi người hãy theo lời dạy của Phật, đề cao và nhắc nhở mình, tự rèn luyện chữ Tuệ trong tất cả các lĩnh vực, từ tâm cho đến sự hiểu biết. Chúng ta thực hành tín ngưỡng, đi lễ chùa, thờ Thánh ở đền, chúng ta đi cầu nguyện cho bản thân, cho sự tu tập, cho xã hội, đồng bào, cho những người có thân phận không tốt đẹp…

Tất cả những điều ấy nên đặt vào bối cảnh chung, cũng như bối cảnh của từng người. Hãy có trí tuệ, bên cạnh cái tâm tốt đẹp nên có tuệ. Có tuệ và có tâm, khi đi lễ, làm việc thiện hay đi nghe giảng đạo thì sẽ tránh được sự lôi kéo, ma mị (để mà) chủ động, sáng suốt. Tôi rất phục ở những người đã ra khỏi CLB Tình Người, không chỉ tự nguyện đi ra, mà còn phản tỉnh, tố giác. Đấy là biểu hiện trí tuệ. Đấy là biểu hiện của người hiện đại toàn bộ chứ không phải già chưa đều.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn Kết bày tỏ sự trân trọng quý bạn đọc yêu mến Đại Đoàn Kết đã tham gia, theo dõi chương trình. Mặc dù đã gần 12h trưa nhưng lượng bạn đọc truy cập daidoanket.vn vẫn rất lớn.

Nhà báo Lê Anh Đạt thay mặt Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết tặng ảnh lưu niệm các khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ: "Hôm nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các vị khách mời cũng như gửi lời cảm ơn tới các quý vị độc giả đã tham gia, theo dõi chương trình trực tuyến của báo. Với vai trò của người làm báo, những vấn đề về CLB Tình Người mà Đại Đoàn Kết đưa ra, chúng tôi đưa vấn đề theo nguyên tắc đa chiều, gợi mở, còn việc kết luận, xử lý là của cơ quan chức năng. Do đó, chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đưa ra những kết luận xác đáng nhất liên quan đến CLB này.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn đưa ra một vài ý kiến. Thứ nhất, về tâm linh, Thượng tọa Thích Minh Quang nói rất sâu sắc, đi chùa hành lễ nếu không xuất phát từ Tâm, nếu tâm không tịnh thì không thể đạt được tâm nguyện. Và ý kiến của Giáo sư Lê Văn Lan trong câu chuyện vui mà Giáo sư đưa ra cũng rất thấm thía, đám đông thì cần phải tránh. Nếu chúng ta còn tư duy theo đám đông, bị lệ thuộc vào đám đông, chúng ta sẽ còn bị vướng vào những bi kịch không đáng có. Tôi cho rằng, mỗi người cần có tư duy độc lập để có suy nghĩ thấu đáo, tư duy theo đám đông mà có những đám đông không có định hướng, chúng ta sẽ bị mất phương hướng.

Trở lại câu chuyện về CLB Tình Người, tôi cho rằng, một câu lạc bộ hoạt động giữa thủ đô Hà Nội mà ẩn chứa đầy nghi hoặc nhưng vẫn tồn tại một thời gian dài như vậy. Trong khi đó, thực tế có chuyện, một người dân bổ nhát cuốc xuống đất xây dựng một ngôi nhà thì ngay lập tức thanh tra xây dựng vào cuộc, yêu cầu đủ các thủ tục... Vậy không thể nói rằng, một CLB lớn, đông người tham gia như vậy cơ quan chức năng không biết".

                                          Nhà báo Lê Anh Đạt phát biểu kết thúc tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ về CLB này, đây là vấn đề dư luận xã hội hết sức quan tâm. Có những việc rất rõ ràng, như Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định đó là CLB hoạt động truyền bá mê tín dị đoan, trái pháp luật. Và, Thượng tọa Thích Nhật Từ, người đã đọc rất kỹ, trả lời phỏng vấn trên Đại Đoàn Kết, khẳng định đó là tà đạo, gieo rắc sự sợ hãi cho người dân về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực...

Thứ nữa, cuốn sách "Pháp bảo" đã bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng phát hành. Hôm nay, Giáo sư Lê Văn Lan đã khẳng định, cuốn sách đó là mớ hổ lốn, một sự kinh doanh kỳ dị. Những điều đưa ra trong cuốn sách, đặc biệt gọi thời nay là thời mạt là không thể chấp nhận, chúng tôi cực lực phản đối. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc sớm, xử lý.

Các vấn đề u mê trong tín ngưỡng, đặc biệt vấn đề trục lợi tâm linh cực kỳ tội lỗi, nó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn hủy hoại tư tưởng, tình cảm tâm hồn của chúng ta.

Theo: http://beta.daidoanket.vn/truc-tiep-toa-dam-truc-tuyen-thuc-hanh-tam-linh-cach-nao-tranh-u-me-557890.html