"Hương đạo" (Kôdô) - Nghệ thuật thưởng thức hương Trầm ở Nhật
So với các nghệ thuật nổi tiếng của người Nhật như trà đạo, thư đạo, kiếm đạo hay nghệ thuật cắm hoa; “hương đạo” (kôdô) ít được người nước ngoài biết đến. Một điều thú vị mà ngay ở Nhật Bản cũng không mấy ai để ý là lịch sử hương đạo còn thể hiện mối giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản từ thuở xa xưa.
- Hương đạo – nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản
Hương đạo là nghệ thuật thưởng thức hương Trầm (bunkô hay monkô, tức “văn hương 聞香”), nói nôm na là “ngửi” mùi hương Trầm – một nghệ thuật độc đáo chỉ thấy ở Nhật Bản chứ không có ở các nước khác. Mặc dầu đến thế kỷ 15 hương đạo mới được định hình, nhưng trên thực tế, thú tao nhã này đã bắt nguồn từ khi Phật giáo du nhập từ Trung Quốc và Triều Tiên vào Nhật khoảng thế kỷ 6.
Hương liệu có thể lấy từ thực vật (hoa, trái cây, rễ cây, lá cây hay nhựa cây), động vật hay khoáng vật; nhưng từ trước tới nay loại hương liệu được yêu chuộng nhất vẫn là các thứ gỗ thơm. Quế và trầm là hai loại gỗ thơm tiêu biểu của Việt Nam.
Loại Trầm thường thấy ở Việt Nam, theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ, là do cây dó bầu bị sâu ăn, tiết ra nhựa, đông cứng lại rồi lâu năm biến thành. Gỗ mang bộng nhựa của cây dó có tỷ trọng lớn, thả vào nước sẽ “chìm”. “Trầm” chữ Hán có nghĩa là chìm và tên “trầm” bắt nguồn từ đó. Trầm có các tỉnh ở miền Trung Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới. Trầm “kỳ nam” (còn gọi là “già nam hương”) được xem là loại trầm tốt nhất. Trầm không có ở Nhật Bản và Trung Quốc mà chỉ có ở Đông Nam Á; trầm “kỳ nam” thì đặc biệt chỉ có ở Việt Nam.
Khi mới du nhập vào ở Nhật Bản, trầm được dùng trong các lễ tế Thần đạo và Phật giáo. Dần dà, mùi hương Trầm thanh nhã ngày càng được người Nhật yêu chuộng, giới quý tộc ở Kyoto thời Heian (794-1185) thích đốt trầm trong nhà cho “thơm nhà thơm cửa” và thơm y trang. Theo đà phát triển của thú chơi đốt trầm này (người Nhật gọi là sora-dakimono), các cuộc thi đấu trầm – tương tự như thi làm thơ hay thi cắm hoa – được tổ chức để định loại trầm nào có mùi hương tao nhã nhất.
Với sự ra đời chính quyền của giai cấp võ sĩ vào cuối thế kỷ 12, ảnh hưởng của Thiền đối với văn hóa Nhật ngày càng đậm nét. Từ đó, thú chơi đốt trầm hoa lệ nhưng ít nhiều mang vẻ hào nhoáng được thay thế bởi cách thưởng thức hương trầm trong không khí u huyền tĩnh mịch, phù hợp với đời sống tinh thần hướng nội và ý thức mỹ học thấm đượm Thiền vị của người võ sĩ.
Dưới đời Muromachi (1336-1573), nghệ thuật thưởng thức hương trầm bắt đầu phát triển song song với nghệ thuật uống trà. Nhiều loại thi đấu có nội dung và hình thức khác nhau tiếp tục xuất hiện. Trước hết là các cuộc “đấu trà” đòi hỏi người tham dự đoán định phẩm chất các loại trà. Sau đó, người ta tổ chức các buổi thi đấu cả trà lẫn Trầm nhằm xem ai có thể phân biệt được 10 loại trà và 10 loại Trầm khác nhau.
Trong các buổi thi phân định hương trầm, người tham dự được chia làm hai nhóm, thi nhau đoán xuất xứ, lai lịch, đặc tính (mùi hương, làn khói bốc lên có hình dáng như thế nào…) của từng loại trầm nổi tiếng. Dần dà, ngoài khả năng thưởng thức hương trầm, người thi đấu còn phải có kiến thức văn hoá và khả năng cảm thụ mỹ học – nói nôm na là khả năng cảm nhận những cái gì đẹp. Trước mặt công chúng đến xem, trầm sẽ được xông lên từ loại này đến loại khác, giống như những vế khác nhau trong một bài thơ renga (liên ca 連歌).
Mỗi lần trầm được xông lên, người dự thi phải làm một vế thơ tán thưởng mùi hương đồng thời phải nhắc đúng tên loại Trầm vừa đốt. Cuối cùng, người ta sẽ có một bài thơ renga nhiều vế về các mùi hương Trầm trong cuộc thi.
Sự kết hợp giữa thú thưởng thức hương trầm với khuynh hướng truy cầu những cái gì đẹp trong truyền thống văn học Nhật Bản có thể nói là nhân tố quyết định sự hình thành của hương đạo. Hương đạo vừa phản ánh chiều sâu văn hoá của người thưởng thức, vừa thể hiện vẻ đẹp u nhã của hương trầm, mà cũng là diễn tả nhiều chủ đề văn học khác nhau. Chính vì thế nên hương đạo được xem là một nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản.
- Hương đạo – mối giao lưu giữa Việt Nam – Nhật Bản từ thuở xa xưa
Điều ít người chú ý là vai trò quan trọng của Trầm trong lịch sử giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Như đã nói ở trên, loại Trầm tốt nhất gọi là Trầm “Kỳ Nam”, tiếng Nhật gọi là “già la”- viết tắt chữ “đa già la” là phiên âm của tagara tiếng Phạn.
Không phải ngẫu nhiên mà loại trầm đặc biệt này có gốc từ tiếng Phạn, bởi lẽ con đường tơ lụa trên biển cũng chính là con đường truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ, và “già la”, hay trầm “kỳ nam”, đã đi theo con đường đó cùng với Phật giáo và cũng với tư cách là một sản phẩm độc đáo trong mối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa Việt Nam và các nước khác.
Theo nghiên cứu của ông Ogura Sadao, Trầm là mặt hàng mà Nhật Bản nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á (Việt Nam, Campuchia, Thái Lan…) trong thời kỳ giao thương bằng thuyền buôn có giấy phép châu ấn vào cuối thế kỷ 16 – đầu thế kỷ 17 mà hiện nay Nhật Bản vẫn còn tiếp tục nhập khẩu.
Theo ông, lượng Trầm Nhật Bản nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 70% tổng số lượng Trầm Nhật Bản nhập khẩu vào thời Shuinsen, và cho đến năm 1987, lượng Trầm Nhật Bản từ Việt Nam là 16 tấn, vẫn chiếm khoảng 50% tổng số lượng Trầm Nhật Bản nhập khẩu (khoảng 32 tấn).
Vì sao người Nhật thích Trầm sản xuất tại Việt Nam? Lý do đơn giản là vì loại trầm có mùi hương thanh nhã và được yêu chuộng nhất là trầm “kỳ nam” chỉ có ở Việt Nam.
Có khá nhiều giai thoại về sự đam mê Trầm “Kỳ Nam” của các nhân vật lịch sử ở Nhật Bản. Ở Shôsôin – nhà lưu trữ các bảo vật và kinh điển Phật giáo tọa lạc trong khuôn viên chùa Tôdaiji ở Nara – có một khúc Trầm “Kỳ Nam” gọi là Lan-xa-đãi dài chừng 1 mét rưỡi. Cả ba nhân vật góp phần vào công cuộc thống nhất Nhật Bản vào cuối thế kỷ 16 là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu đã từng lăm le dòm ngó khúc Trầm được xếp vào hàng “linh bảo” này.
Chắc hẳn bảo vật này được xem là một biểu tượng của uy quyền. Tương truyền Nobunaga cho người đẽo hai miếng, mỗi miếng dài chừng 40 phân; một miếng dâng thiên hoàng, một miếng dùng trong các buổi uống trà đạo. Hideyoshi hình như cũng bắt chước Nobunaga cho người đến đẽo vì nhà thiên tài quân sự này cũng thích giao du với các trà nhân.
Riêng về Ieyasu, vị tướng quân đầu tiên của chính quyền Tokugawa, tuy người ta biết chắc là ông có sai người vào xem khúc Trầm Lan-xa-đãi, nhưng không ai biết rõ là ông ta có cho đẽo đem về hay không.
Tuy nhiên, qua những văn thư mà hiện nay còn lưu lại, chúng ta biết rõ là Ieyasu rất mê Trầm và đã từng gửi thư cho quốc vương Chiêm Thành và chúa Nguyễn xin gửi Trầm “Kỳ Nam”.
Thư của Ieyasu gửi quốc vương Chiêm Thành năm 1606 ghi rõ: “Tôi muốn có Trầm loại thượng hảo hạng. Những loại có phẩm chất “vừa vừa” hay “dưới trung bình” thì xin đừng gửi vì đã có nhiều lắm rồi”.
Qua văn thư, chúng ta cũng biết rằng ít nhất trong hai năm 1605 và 1606, chúa Nguyễn Hoàng đã gửi một số tặng vật đáp lễ cho Ieyasu, mỗi lần gồm 1 miếng Trầm “Kỳ Nam” (không ghi rõ cỡ nào).
Một chi tiết thú vị và có ý nghĩa là trong danh sách các tặng phẩm giữa các nước Đông Nam Á, trầm luôn luôn được liệt kê đầu tiên. Sau khi Ieyasu mất, nghe nói trong các di vật của ông có đến hơn 100 kilô Trầm “Kỳ Nam” và hơn 180 kilô các loại Trầm khác. Điều này cho ta thấy Ieyasu đã mê Trầm Hương đến mức nào.
Rõ ràng là Trầm đã đóng vai trò quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày trước. Còn ngày nay thì sao? Do óc hiếu kỳ, khi viết những hàng này, chúng tôi bật internet để xem người ta nói gì về hương đạo trên các mạng thì tình cờ gặp trang nhà của một trường dạy hương đạo của người Nhật quảng cáo 3 loại hương Trầm mà trong đó đã có 2 loại hương làm bằng Trầm nhập khẩu từ Việt Nam, và 1 loại hương khác làm bằng Trầm nhập khẩu từ Indonesia.
Hương đạo quả là một nhịp cầu độc đáo trong mối giao lưu văn hoá và kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có nguồn gốc rất lâu đời.