Ý nghĩa Bàn tay Phật ngự đài sen
Ý nghĩa Bàn tay Phật ngự đài sen. Biểu tượng tâm linh được Trầm Hương Khánh Hoà đưa vào Nghệ thuật Thưởng Trầm, đưa hương thơm Việt Nam, linh thiêng cao quí, lan toả nơi quyền quí tôn nghiêm.
Trong muôn vàn các loài hoa với bao hương sắc lộng lẫy, quyến rũ và sự thực, nếu chỉ xét theo cái nhìn thông thường thì có không ít loài hoa thơm hơn sen về hương, đẹp hơn sen về sắc. Tuy vậy chỉ duy nhất loài sen mới hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học – nhân sinh cao quý, là ý nghĩa về âm dương, ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt. Sen bắt đầu ủ mầm trong bùn đất, mà là ở vị trí tối khuất, nhơ bẩn và từ vị trí đó sen nở mầm kiên nhẫn vươn lên.
Phật giáo lấy hoa sen làm Phật đài, biểu tượng tâm linh về 5 điều cơ bản:
1) Tính vô nhiễm:
Sen mọc lên từ chốn tối tăm, bùn lầy hôi tanh mà không bị vương bẩn.
2) Tính thanh lọc:
Khi cây sen lớn lên, sinh sôi nẩy nở thì sẽ làm cho dòng nước nơi đó trở nên trong mát.
3) Tính thuỳ mị của mùi hương:
Hương sen toả lên một mùi thơm thanh khiết, không quá nồng nàn, ngào ngạt.
4) Tính thuần khiết:
Bông hoa sen từ khi nở tới lúc tàn không hề bị một loài ong bướm nào tới đậu, lấy nhụy.
5) Tính kiên nhẫn:
Cây sen từ lúc nẩy mầm trong bùn đất, ở đáy nước cho tới lúc vươn lên trên mặt nước rồi xoè lá, trổ hoa là cả một quá trình sinh trưởng kiên nhẫn lớn lao. Trong thế giới thảo mộc, các loài hoa không có loài nào phải chịu đựng sự gian khó của hoàn cảnh sống đến vậy. Và ở điểm này sen còn hàm chứa ý nghĩa tốt đẹp, là sinh trưởng trong bùn tối nên sen đã không phải cạnh tranh vị trí sống với loại cây nào.
Ngoài năm lẽ cơ bản về phẩm chất – tinh thần sống trên, sen còn có thêm những giá trị cao quý vô lường khác. Như hạt sen có thể cất giữ hàng trăm năm khi gieo vẫn nẩy mầm như thường. Và đời sống của sen còn thể hiện nên 3 tầng sống riêng biệt, là trong bùn tối và vươn lên khoảng trong sạch – dòng nước rồi cuối cùng vươn lên khoảng hư không, lên với bầu khí quyển và vầng mặt trời. Quan niệm nhà Phật xem đó như biểu trưng cho 3 tầng sống là cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Và cây sen trải qua 3 tầng sống đó khi nở hoa xem như sự đạt ngộ, giải thoát…
Thêm nữa, hoa sen trong Phật học còn mang nhiều lớp nghĩa khác. Như kiết già, ngồi phỏng theo thế bông sen gọi là Liên hoa toạ.
Khi hai tay chắp lại làm lễ Phật, phỏng theo hình búp sen thì gọi là Liên hoa hợp chứng. Và hai bàn tay chắp lại là biểu hiện của Lý và Trí. Năm ngón tay trái là ngũ trí – Thai tạng giới, năm ngón tay phải là ngũ trí – Kim cương giới. Mười ngón tay chắp lại thành Thập độ, hay còn gọi là Thập pháp giới. Về Thập pháp lại chia ra năm phàm và năm thánh. Tay trái thuộc phàm là Địa ngục, Ngũ quỷ, Súc sinh, Nhân và Thiện. Tay phải thuộc thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Quyền Phật và Thiện Phật… lại thêm những nghĩa, 4 chữ Vi, 12 chữ Diệu, 2 chữ Hương, 3 chữ Khiết.vv… Hay như câu chân ngôn “Án–pa–ni bát mê hồng”, tạm dịch ra tiếng Việt là “Ôi! Chân linh trong Hoa sen”, một câu chân ngôn được xem có huyền lực vô biên của Phật pháp.
Trong văn hoá Phương Đông, ngoài Phật học, sen còn mang giá trị triết học về âm dương ngũ hành, và đây cũng là một cơ sở Phật học dụng nghĩa cho Phật đài – Yên hoa tạng thế giới.
Về ngũ hành, cây sen thuộc hành mộc. Để vươn lên mặt ao hồ sen phải vượt qua tầng nước sâu, nước là hành thuỷ. Bông hoa sen màu hồng, màu thuộc hành hoả. Nhụy sen màu vàng, màu thuộc hành thổ. Và ngó sen màu trắng, màu thuộc hành kim. Ngũ hành – năm hợp chất quan trọng, có thể gọi đó là bản thể của thế gian này.
Ngoài ngũ hành, giá trị của hoa sen cũng phải kể tới hương thơm. Có thể tính làm phần giá trị thứ sáu. Số 6 này xem như phần “linh” của đời sống. Nó vô hình, vô sắc nhưng lại hữu linh.
Về âm – dương: Từ phần gốc, thân sen chìm trong nước, trong tối khuất, thuộc âm, phần lá và hoa nở trên mặt nước, khoe hình sắc dưới ánh mặt trời là thuộc dương.
VP.