YÊU NƯỚC THEO MỘT CÁCH MỚI – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

YÊU NƯỚC THEO MỘT CÁCH MỚI

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa (ATC) luôn mang đến tinh thần lạc quan, tươi sáng của một người tự mở rộng chân trời của mình bằng những quyết định can đảm. Ở vào thời điểm này, ông Nguyễn Văn Tưởng cho rằng, đội ngũ doanh nhân, ngoài câu chuyện thị trường hãy yêu nước theo một cách mới. Chỉ cần dám nghĩ khác, nhiều giải pháp khác, nhiều con đường khác sẽ ra đời.

PV: Là người con của Hưng Yên nhưng sáng lập nên thương hiệu Trầm Hương Khánh Hòa ở thành phố biển Nha Trang tươi đẹp và có một điều thú vị mà tôi luôn thấy, đó là biển trong trái tim ông, như mạch nguồn cảm xúc cho mọi câu chuyện?

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng là người sáng lập và điều hành Trầm Hương Khánh Hoà, với nhiều hoạt động giàu ý nghĩa hướng đến Dân tộc, hướng đến đất nước, trong đó có: Giải Thưởng 10 Gương Mặt Trẻ Việt Nam Tiêu Biểu hàng năm được trao cho những bạn trẻ người Việt ưu tú, đặc biệt tài năng ở nhiều lĩnh vực, họ là niềm tự hào của gia đình, bạn bè và của cả đất nước. Nhiều bạn trong số Các gương mặt trẻ tiêu biểu, đã có thành tích đóng góp cho văn minh nhân loại, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Khảng định được truyền thống lịch sử văn hoá tốt đẹp của người Việt trên trường quốc tế cả về tài năng, trí tuệ và tâm hồn! Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là hiền tài của đất nước, là nguyên khí quốc gia, tiếp tục lan toả những giá trị tinh hoa Việt Nam, tạo cảm hứng và xu thế sống cao đẹp vì một Việt Nam tươi đẹp.

Mỗi người Việt đều thuộc nằm lòng câu chuyện về cha ông mình, năm mươi người con theo Cha Rồng xuống biển, năm mươi người con theo Mẹ Tiên lên non, chúng ta đã hiểu một phần máu thịt của mình thuộc về biển. Những thăng trầm trên đất liền hay ngoài biển Đông đâu phải chỉ thời nay mới có, nhưng có một sự thật hàng ngàn năm nay vẫn không hề thay đổi: bờ cõi Việt Nam là của người Việt Nam, biển Việt Nam là của người Việt Nam. Cha ông đã trao truyền, lịch sử đã chứng minh.

Gắn bó cùng ngành Trầm Hương Việt Nam, tôi hiểu sâu sắc công lao của biển trong việc kiến tạo nên một vùng trời nước có khí hậu đặc biệt, thuận lợi cho quá trình tạo nên Trầm Hương Khánh Hòa - Trầm Hương đẳng cấp thế giới. Trầm Hương không chỉ trao cho chúng ta hương thơm để thưởng thức mà còn sở hữu nhiều giá trị to lớn khác, đủ tạo nên một ngành kinh tế và sức bật văn hoá mạnh mẽ cho nước nhà.

Cho nên đối với tôi và triệu triệu người Việt Nam khác, biển Việt Nam, sóng Việt Nam là một phần máu thịt. Nhờ có biển, quê hương ta nên dáng hình như hôm nay. Nhờ có biển, bao thế hệ người Việt Nam anh hùng lớn lên. 4.000 năm lịch sử và văn hoá người Việt Nam được viết nên cùng với biển. Biển cho chúng ta thật nhiều. Vậy còn chúng ta, chúng ta đã làm điều gì cho biển?

Việt Nam là quốc gia biển. Chúng ta cũng có hẳn một “chiến lược biển” nhưng “làm gì cho biển” quả là một câu hỏi đáng suy ngẫm…

 “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” – Nghị quyết 36- NQ/TW ra đời để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển lớn.

Chính những mục tiêu quan trọng ấy mà nhiều chính sách đã được ban hành. Trong đó, Nhà nước đã đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng để ngư dân có thể đóng tàu lớn, tàu vỏ thép vươn khơi, làm chủ ngư trường nhưng cũng có một số băn khoăn.

Đó là sự trục trặc của việc đóng tàu vỏ thép vì sự lỏng lẻo, thiếu khoa học. Mỗi con tàu hàng chục tỉ đồng nhưng không tham khảo ý kiến của ngư dân về thiết kế. Cơ sở đóng tàu tự đóng và tự lắp đặt các loại máy móc, thậm chí dùng máy cũ, dẫn đến chết máy hay vận hành không hiệu quả. Có những con tàu được cho là đóng với loại thép ngoại nhập tốt nhất thế nhưng vẫn nhanh chóng xuống cấp, nếu khắc phục thì cũng mất tiền tỉ, mỗi chuyến ra khơi là mỗi chuyến ngư dân ôm lỗ nặng…

Sự trục trặc còn do việc đóng tàu xong giao phó cho ngư dân tự vận hành; không tổ chức sản xuất bài bản, phó mặc cho mọi hoạt động để làm ăn riêng lẻ và với nhiều nguyên nhân khác đã khiến ngư dân làm ăn thất bại và chán ngán trả lại tàu. 

Trong khi đó, người ta cứ bảo lực lượng ngư dân cần “vươn khơi” để “bám biển” “làm giàu từ biển” “trở thành những cột mốc sống gìn giữ chủ quyền”. Tất cả những sứ mệnh lớn lao ấy đều đặt trên đôi vai của ngư dân, mà cách thức tổ chức ra biển của ngư dân mình vẫn là tàu nhỏ, công suất nhỏ, số lượng người ít, tức là lực lượng tham gia, lao động sản xuất ít. Cứ loay hoay với tàu nhỏ, vỏ gỗ, công suất nhỏ nên vẫn mãi nhỏ bé trước sóng to, gió lớn, dễ dàng gặp phải những rủi ro từ thiên nhiên, không đủ sức vươn ra được những ngư trường tiềm năng.

 

Theo ông, chúng ta phải làm gì?

Bây giờ phải thay đổi. Đầu tiên chính là thay đổi mô hình lao động sản xuất trên biển. Trong đó, lực lượng tham gia không chỉ là ngư dân mà cần có sự tham gia của các doanh nghiệp. Nhưng để làm được việc này phải có sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước.

Chúng ta phải ra biển lao động sản xuất một cách thực sự giống như đã làm với ngành dầu khí thì mới có thể có thêm những sản phẩm từ biển. Kể cả việc nuôi trồng thủy sản ven bờ cũng phải có tư duy khác.

Tôi lấy ví dụ từ Trung Quốc, Nhật Bản, hay Mỹ họ đã thả hàng triệu con giống xuống biển cho nên họ có những con cua to như cái bàn còn chúng ta vẫn chỉ nhỏ lẻ ở ven bờ. Cách thức nuôi trồng thủy sản gần bờ cũng gây ra những hệ lụy về ô nhiễm từ việc nuôi cá bằng cám con cò, chưa kể chất lượng nuôi trồng không cao, chính vì thế thi thoảng lại bị các nước nhập khẩu giơ thẻ.

Đừng đổ lỗi cho việc đầu tư ít, chẳng qua là do chúng ta chưa xây dựng được chính sách tốt nhất, chưa mạnh dạn thay đổi mô hình lao động sản xuất. 

Giống như ngày xưa, nếu không có chương trình khoán 10, khoán 100 thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thì chúng ta mãi mãi đói nghèo, chính nhờ việc thay đổi mô hình sản xuất mà chúng ta đã trở thành một “cường quốc” về xuất khẩu gạo. Thế là đổi mới.

Tức là bây giờ cũng phải đổi mới bằng mô hình lao động sản xuất trên biển.

Để đổi mới mô hình lao động sản xuất trên biển cần những yêu cầu nào, thưa ông?

Yêu cầu cụ thể là những người có tiền, có năng lực về tài chính, có năng lực về trí tuệ, có năng lực về hợp tác, phải hướng ra biển ngay. Ông có tiền thay vì mua 5 cái biệt thự, 3 cái biệt thự, 2 cái biệt thự thì ông mua 1 cái thôi, số tiền còn lại ông tìm cách hùn với nhau thành lập doanh nghiệp để đi ra biển.

Doanh nghiệp đi ra biển – nghe rất mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần phiêu lưu, mạo hiểm, thưa ông?

Chắc chắn thời gian đầu chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, về cả mặt nhận thức sản phẩm biển, về cả mặt nhận thức của sự kinh doanh thua lỗ. Nhưng làm kinh doanh phải thế. Nó là cái giá phải trả của sự chinh phục, có điều khi chúng ta ý thức sớm, ý thức tốt, đặt ra những rủi ro để ngăn ngừa rủi ro, đặt ra những thách thức để giảm thiểu những khó khăn, thua lỗ, thì chúng ta mới có được lực lượng sản xuất trên biển, chúng ta mới có những sản phẩm từ biển.

Cho nên để làm được việc này, để ra biển làm ăn, ngoài sự hỗ trợ chính sách của nhà nước thì mỗi doanh nghiệp cần ý thức được rằng bên cạnh câu chuyện thị trường còn phải yêu nước theo một cách mới.

Người Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, nhất là khi đất nước lâm nguy, càng trong gian lao, khó khăn thì tinh thần yêu nước càng được hun đúc, trỗi dậy. Vậy theo ông, yêu nước theo một cách mới, trong bối cảnh này, được hiểu như thế nào?

Chúng ta luôn tự hào về truyền thống yêu nước của người Việt, của dân tộc Việt. Nhưng tôi có cảm nhận rằng, bây giờ, có nhiều doanh nhân, nhiều người ở trong đất liền mới chỉ biết đến yêu Tổ quốc, yêu nước theo cái cách mà chúng ta đang chào cờ, hát Quốc ca, rất xúc động nhưng lại không có nhiều hành động cụ thể để hiện thực hoá tình yêu ấy.

Hãy thử nghĩ mà xem, chúng ta ngày ngày sống với biển, nhưng chưa thực sự hiểu hết về giá trị của biển. Người Việt Nam có quyết tâm ngày càng to lớn trong việc giữ biển, nhưng đa phần mới chỉ dừng ở ngôn từ mà chưa biết phải làm thế nào, sử dụng sức mạnh gì để cùng Đảng, cùng Chính phủ giữ biển.

Ngày xưa, bác sĩ, nhà thám hiểm người Thụy Sĩ gốc Pháp nổi danh thế kỷ 20, Alexandre Yersin đã bị chinh phục bởi một vùng trời biển của Nha Trang- Khánh Hòa. Dù đã đi năm châu bốn biển, với trí tuệ và tài năng của mình, được hậu đãi ở rất nhiều nơi nhưng ông vẫn chọn Nha Trang, chọn Việt Nam để sống, làm việc và cống hiến trọn đời cho nhân loại.

Câu chuyện của bác sĩ Alexandre Yersin khiến chúng ta tự hào và tự hỏi, một người nước ngoài yêu đất nước, yêu biển trời Việt Nam đến vậy, còn chúng ta – là con dân nước Việt, sẽ thể hiện tình yêu của mình như thế nào với đất nước, biển trời của quê hương?

Bao nhiêu người trong số chúng ta đã từng sống với biển để hiểu biển của ta bao la biết nhường nào. Để giữ gìn, trước hết, ta phải hiện diện. Ông cha ta đã bao đời vươn khơi bám biển. Ngày nay, chúng ta không thể chỉ bằng lòng với tầm nhìn vươn khơi, mà phải sẵn sàng hiện diện và làm chủ biển trời của mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đồng sức, chung tay làm cho trọn vẹn, cho xác đáng nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn của mình với di sản của cha ông.

Đã đến lúc yêu nước theo một cách mới là mang sức mạnh, trí tuệ và tình yêu của mình đi ra biển. Hãy ra biển bằng tinh thần quyết thắng của con đường Hồ Chí Minh trên biển mà ông cha ta đã từng thực hiện để chiến thắng kẻ thù.

Còn nếu sợ sóng to gió lớn, nếu không đi thì mãi mãi chúng ta không bước được. Cho nên bây giờ Nhà nước phải xây dựng chính sách hướng biển cho doanh nghiệp, cho người dân. Tức là phải giải phóng các năng lực, từ tư duy cho đến tiền bạc. Tăng năng lực cho con người ra biển, trang bị máy móc, trang bị kỹ thuật, trang bị cả tầm nhìn và cái tâm hướng ra biển.

Từ xa xưa, những con thuyền tre mong manh của người Việt đã vượt sóng gió đại dương để khai thác nguồn lợi hải sản và cũng là để xác lập chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Trong suốt hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam luôn coi biển cả là “cánh cửa” để đất nước hướng ra thế giới. Vậy theo ông tại sao cho đến bây giờ người Việt vẫn chưa thực sự trở nên mạnh mẽ để ra biển, làm ăn trên biển?

Hiện nay doanh nhân hầu hết ở trên bờ, những người có kiến thức về làm giàu đều ở trên bờ, chưa hướng tâm mình ra biển

Trong khi đó, người ngư dân, trước giờ họ chỉ khai thác đánh bắt thuỷ hải sản, rồi mang về bán cho những đầu mối thu mua ở trong bờ, những đầu mối đấy hầu hết lại bán sang tay, có nghĩa là cách thức tổ chức sản xuất từ bao nhiêu năm qua vẫn cứ lạc hậu như vậy.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận thành tích xuất khẩu thuỷ sản của nhiều doanh nghiệp. Đó là điều rất đáng ghi nhận. Nhưng cũng phải nhìn nhận rõ ràng, lực lượng doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm từ biển chủ yếu mới chỉ tập trung vào gia công, đông lạnh rồi đóng gói xuất khẩu con cá, con tôm, con mực; rồi nhập khẩu tôm, rồi lại gia công, đóng gói và xuất khẩu. Nhưng cũng chỉ có vậy, ngoài ra rất ít sản phẩm từ biển và rất ít những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, những sản phẩm khiến thế giới phải ngưỡng mộ.

Người Việt Nam luôn tự hào có hơn 3.000km bờ biển đẹp, biển dài, biển rộng nhưng dường như chúng ta vẫn chỉ mon men đi ngắm biển mà thôi, là vì chúng ta tự hào thật đấy, yêu thật đấy nhưng là yêu chưa đủ mạnh, chưa đủ sự quyết liệt.

Những ánh mắt trên bờ không thể nào thấu hiểu được đại dương. Chỉ có hiện diện, chúng ta mới có thể nghiên cứu, quy hoạch được các hoạt động đánh bắt ở một quy mô và thời điểm phù hợp, để vừa bảo đảm nguồn lợi thuỷ, hải sản, vừa góp tạo điều kiện để nguồn thuỷ, hải sản trong tự nhiên được tái tạo thay vì tận diệt.

Chỉ có hiện diện, chúng ta mới có cái nhìn chân thực, có phương án hiệu quả nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Chừng nào công cuộc vươn khơi, bám biển chỉ nằm trên vai những người ngư dân và người lính hải quân thì chúng ta chưa thực sự góp sức mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm và tặng quà Trầm Hương Khánh Hoà, ông Nguyễn Văn Tưởng bày tỏ lòng vui mừng, vinh dự và trân trọng đón nhận sự quan tâm của lãnh đạo đất nước.

Nhưng làm cách nào để chúng ta khai thác được biển, lao động sản xuất trên biển?

Chính các doanh nghiệp phải đặt câu hỏi, tại sao có thị trường bất động sản, mà lại không có thị trường trên biển. Trên biển ngoài sản phẩm tôm, cá thì còn có sở hữu mặt nước, còn rất nhiều sản phẩm khác.

Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài họ phải sang thuê mặt nước của ta nuôi trồng các sản phẩm từ biển như là ngọc trai, như là rong rêu để làm mỹ phẩm, dược phẩm.

Hoặc nhìn ra nước ngoài, ở Mỹ chẳng hạn, họ sản xuất hàng loạt các sản phẩm thời trang được làm từ da con cá. Điều đó có quá khó? Thay vì tìm câu trả lời thì hãy tự hỏi, tại sao họ làm được mà chúng ta không làm được?

 

Cho nên, thay đổi tư duy là thế, từ khai thác cho đến nuôi trồng, phát triển và sản xuất. Có doanh nghiệp làm sản phẩm thô thì phải có doanh nghiệp làm sản phẩm tinh, rất tinh để đáp ứng nhu cầu của đời sống và thậm chí phải đáp ứng các nhu cầu rất khắt khe của các thị trường khó tính.

Điều quan trọng lúc này là cần phải có những hướng đi rất cụ thể để nhà nước xây dựng chính sách càng sớm, càng tốt.

Việt Nam được biết đến là một quốc gia xuất khẩu nông nghiệp, nếu bây giờ chúng ta thay đổi mô hình sản xuất lao động, thay đổi tư duy hướng biển, liệu có vấp phải những trở ngại từ chính những thành trì đã đạt được?

- Ông cha ta có câu “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền,” tức nước non đất Việt có ba phần núi, một phần ruộng, còn biển đảo chiếm tới bốn phần. Đó là cách nói ước lệ để chỉ đặc trưng địa lý mà thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho Việt Nam, rằng biển bao bọc trọn dải đất hình chữ S từ Bắc tới Nam.

Không chỉ trong lịch sử, nhìn về hiện tại và tương lai hàng trăm năm nữa, ta càng hiểu vì sao cái tên Biển Đông có sức hút mạnh mẽ đến thế đối với cả các cường quốc trên thế giới. Biển Đông sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng của tương lai, một loại năng lượng thay thế hoàn hảo cho dầu mỏ và khí đốt. Đó là băng cháy.

Một loại năng lượng mới đồng nghĩa với một lợi thế mới, một vị thế mới. Không phải vô lý mà dầu mỏ lại từng được gọi là “vàng đen”. Trong nhiều năm, con người bị cuốn vào giao tranh chỉ vì dầu mỏ. Và để làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ cuộc chơi mà không bị chi phối bởi bất cứ tham vọng nào khác bên ngoài, chúng ta cần làm chủ nguồn năng lượng mới- băng cháy trên chính quê hương mình. Đó không phải chỉ là câu chuyện chính trị, kinh tế. Đó là câu chuyện tương lai của nhiều thế hệ người Việt Nam. 

Cuộc sống là một dòng chảy. Quá khứ có huy hoàng như thế nào thì vẫn phải hướng đến tương lai. Biển là tương lai của người Việt. Trong thời gian qua, chúng ta đã dồn quá nhiều lực lượng lao động cho ngành nông nghiệp nhưng chúng ta hoàn toàn có thể sắp xếp lại để thành lập ngay một lực lượng lao động mới đi ra biển, hướng cái tâm của mình về phía biển.

Để ý kỹ sẽ thấy rằng, trong nhiều năm qua, tất cả hoạt động xã hội của Công ty Trầm Hương Khánh Hoà đều hướng về phía biển. Từ Lễ dâng Trầm đặc sắc đầu tiên ở Việt Nam bên vịnh Nha Trang cho đến Lễ dâng trầm ở Côn Đảo linh thiêng, hùng tráng; từ những chương trình tiếp sức cho ngư dân trong mùa dịch Covid với hàng chục tấn gạo ân tình cho đến việc tài trợ Cuộc thi chạy Marathon của báo Tiền Phong trên Đảo Lý Sơn kỳ vĩ, chưa kể sự đồng hành với quân và dân trên quần đảo Trường Sa trong nhiều năm qua mà tới đây sẽ là những chuyến tàu chở hàng ngàn khối đất giàu hợp chất hữu cơ (đất màu) gửi tới Trường Sa để nuôi dưỡng màu xanh cho các hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đặc biệt là những sáng kiến không ngừng nghỉ trong kế hoạch xây dựng Làng Hòa Bình và Sáng Tạo Nha Trang (iNha Trang) với mong mỏi đưa Việt Nam trở thành nơi hội tụ trí tuệ và tinh hoa thế giới. Tất cả đều mang “hơi thở từ biển”, để thấy, tâm sức của ông, đã hướng biển từ rất lâu rồi?

Tôi làm những việc này không phải là câu chuyện tài trợ mà vì tôi là người có tình cảm với biển và đồng cảm với những người đang hướng biển nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở đó. Dù chúng tôi đã dành nhiều tâm sức và một phần chi phí cho những hoạt động như vậy nhưng không thể khẳng định được nó có giá trị nhiều hay ít là vì khi chưa có chính sách thì chưa thể định lượng được.

Cũng giống như câu chuyện các doanh nhân chưa đi ra biển làm sao biết được tàu loại nào là loại 1, tàu loại nào là loại 2.

Điều đó ngư dân sẽ nói cho chúng ta biết, những người được đào tạo chuyên nghiệp sẽ phải nói ra những con tàu như thế nào là tàu hiện đại, hiện đại bởi cái gì, bao nhiêu mã lực, vỏ thép là thép như thế nào?

Ngày nay, công nghệ về vũ trụ đã tìm ra những kim loại siêu khủng thì chúng ta dù là một quốc gia biển, nhưng chả lẽ vẫn mãi loanh quanh ra biển bằng tàu vỏ gỗ, mà rừng giờ cạn kiệt rồi, gỗ đâu mà đóng tàu.

Trong khi đó, chương trình đóng tàu vỏ thép gặp phải rất nhiều trục trặc, những tập đoàn đóng tàu ngắc ngoải. Nhưng như thế không có nghĩa là dừng lại. Chúng ta dừng lại là chúng ta chết. Chúng ta sẽ mất biển với tư duy dừng lại.

Câu chuyện tàu to, tàu vỏ thép vẫn là một hướng đi đúng, trúng. Tôi mong mỏi Nhà nước tiếp tục thành lập mới hoặc tái cơ cấu những doanh nghiệp đóng tàu, thiết kế những con tàu đủ năng lực để thích nghi với thiên nhiên khắc nghiệt.

Để có tư duy hướng biển, chúng ta không nên dùng từ “bám biển” nữa. Thay vào đó phải là yêu lấy biển, ôm lấy biển, giữ lấy biển thì mới mong tạo ra của cải vật chất từ biển.

Vấn đề là chúng ta cùng tạo ra chính sách. Chúng ta cùng ra biển. Các cơ quan của nhà nước cũng phải ra biển thật sự. Ở quần đảo Trường Sa, chúng ta mới chỉ hiểu được một phần của người bảo vệ biển, còn những người lao động sản xuất thực sự trên biển thì sao, chúng ta biết gì về họ? Báo chí đã dành thời lượng đủ nhiều để nói về việc người Việt Nam đang lao động sản xuất cái gì trên biển chưa? Tôi nghĩ rằng, phải có những câu hỏi như vậy, để chúng ta cùng góp phần vào việc thay đổi chính sách và tạo ra chính sách.

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hòa chụp ảnh kỉ niệm tại Quần đảo Trường Sa trong chuyến thăm và làm việc Quần đảo Trường Sa năm 2022

Ông có niềm tin gì vào điều này?

Đại dịch COVID-19 là thử thách hiện hữu nhất để chúng ta khẳng định khi đồng sức đồng lòng, không hoài nghi lẫn nhau, người Việt Nam có thể tạo ra sức mạnh không tưởng, chiến thắng cả những kẻ thù đáng gờm nhất.

Vì thế, chúng ta hãy mang niềm tin, bản lĩnh của người Việt Nam sẵn sàng bước cùng nhau, hướng đến những mục tiêu chung. Vì chúng ta chẳng thể là ai nếu không có Tổ quốc và không làm chủ vận mệnh của mình, hãy cùng nhau chia sẻ khó khăn, chung góp tài năng, trí tuệ để làm chủ đất nước. Vươn tầm nhìn về phía biển, chúng ta sẽ thấy những chân trời đang chờ trí tuệ Việt Nam khám phá, phát triển và bảo vệ.

                          

Những người đẹp Việt Nam thả cánh chim hòa bình hướng về phía biển

Trích dẫn: http://daidoanket.vn/magazine/nguyenvantuong/