Phát triển kinh tế biển - nhìn từ Trường Sa
Quần đảo Trường Sa (Ảnh: Trọng Thiết).
Tôi may mắn đi cùng đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa ra thăm và làm việc ở quần đảo Trường Sa đầu tháng 5 này. Chuyến đi đúng dịp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Trường Sa, và cũng vừa mới đây Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 09-NQ/TƯ về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó khẳng định: "Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước".
Trên con tàu rẽ sóng ra Trường Sa, tôi cứ suy ngẫm mãi về định hướng này trong nghị quyết. Có thể nói đó là một quyết sách vừa đúng, vừa trúng và đặc biệt các hoạt động "hỗ trợ dân sự, du lịch biển đảo, phát triển ngư nghiệp" đã được nhấn mạnh để đưa Trường Sa thành trung tâm kinh tế biển. Điều này thể hiện một tư duy mới, tư duy phát triển kinh tế biển ở quần đảo vốn chỉ được nói nhiều về ý nghĩa quốc phòng.
Từ xưa, cha ông chúng ta đã có nhiều phương thức để khai thác hải sản và khẳng định chủ quyền. Ở nhà lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, tôi thấy con thuyền nhỏ như lá tre mà đội hùng binh thời nhà Nguyễn đã kiên gan vượt sóng canh giữ quần đảo này. Dĩ nhiên, trong thời đại mới, chúng ta không thể phát triển kinh tế biển bằng những chiếc thuyền nhỏ bé. Cần có chiến lược phát triển kinh tế biển với tư duy mới, bài bản, bền vững.
Đến với Trường Sa, điều đầu tiên tôi nhận thấy để xây dựng quần đảo này thành trung tâm kinh tế trên biển, trước hết phải coi trọng khâu quy hoạch. Chúng ta chưa có quy hoạch biển, quy hoạch không gian sống, các vấn đề về kết cấu địa chất, thủy văn, sinh học… nhằm thu hút cư dân ra với biển đảo. Quy hoạch còn phải lựa chọn những ngành nghề phù hợp, chỉ có ở đảo mới làm được nghề đó, sản xuất ra những sản phẩm đặc thù đó. Các cư dân ở đảo cần tinh thông nghề biển; ra biển không thể mang tâm thế ở đồng bằng mà cần một tinh thần khai mở, chinh phục biển.
Nhiều năm trước, Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế mới, được nhiều binh đoàn và cư dân các vùng khác tìm đến khai phá đất hoang, tạo dựng cuộc sống mới, sản xuất ra nhiều lương thực, thực phẩm, nhiều cây công nghiệp cho giá trị cao. Giờ đây có thể coi Trường Sa như một vùng kinh tế mới, khi chúng ta thực hiện chủ trương xây dựng huyện đảo này trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.
Đại diện lãnh đạo Đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa trồng cây Trầm Hương lưu niệm ở quần đảo Trường Sa, tháng 5/2022. (Ảnh tác giả bài viết cung cấp).
Chúng ta đã đầu tư nhiều cho Trường Sa, nhưng so với mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế trên biển thì còn nhiều việc cần làm. Chẳng hạn như cơ sở hạ tầng về điện, về nước. Tôi đã cảm nhận được cái nắng cháy bỏng và những cơn gió lồng lộng suốt ngày đêm không ngơi nghỉ của Trường Sa. Nắng, gió ấy giờ đây có thể trở thành nguồn điện năng nếu con người biết cách khai thác. Chúng ta phải chọn những nhà đầu tư tử tế đưa công nghệ phù hợp nhất ra đảo để sản xuất điện. Phải làm sao đủ điện để phục vụ đời sống của quân và dân trên đảo, phải làm sao buổi tối quần đảo sáng rực lên.
Nắng, gió và các dòng hải lưu ở Trường Sa có tiềm năng to lớn để cung cấp nguồn năng lượng tái tạo vô tận trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch đang lên cơn sốt giá, ngày càng cạn kiệt và gây ra ô nhiễm môi trường. Vương quốc Anh đang đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời từ vũ trụ, vì xứ sở sương mù không đủ nhiệt lượng để tạo ra điện năng. Nhưng với vùng biển Trường Sa, chúng ta hoàn toàn có thể biến nơi đây thành những trang trại điện mặt trời, điện gió khổng lồ.
Khách đến với Trường Sa vẫn hay tặng đảo thiết bị điện tử nghe nhìn… nhưng với nhiều những người ở trên đảo, cái họ cần lại rất bình dị, đó là đất. Nhiều đảo ở Trường Sa cần đất để trồng cây, trồng rau, để phủ lên những mảng bê tông xám xịt màu xanh tươi mát của thực vật. Đảo không chỉ cần màu xanh, mà cần cây có giá trị dinh dưỡng, cảnh quan, môi trường. Muốn vậy, chúng ta cần nghiên cứu thổ nhưỡng ở đảo. Trong đất liền, chúng ta đang đốt đi nhiều rơm rạ, khói bay lên trời gây ô nhiễm không khí. Nhưng rơm rạ ấy nghiền ra, trộn dưỡng chất đưa ra có thể trồng cây phủ xanh các đảo. Khi đảo được phủ xanh, vừa có bóng mát, chim chóc và các loại động thực vật sẽ phát triển theo thành một hệ sinh thái.
Ngoài ra, quần đảo Trường Sa còn có những tiềm năng kinh tế to lớn khác về tài nguyên, khoáng sản; đây là nơi giao hòa của hai dòng hải lưu nóng lạnh, nguồn lợi hải sản phong phú, dồi dào… Trong tương lai nếu khai thác được các tiềm năng này, đời sống kinh tế trên biển phát triển, sẽ có sự giao thoa giữa biển và đất liền. Người dân trong bờ sẽ ra với biển nhiều hơn, tàu bè thế giới qua lại, tạo thành một xã hội sôi động trên biển. Tiềm năng của Trường Sa còn nằm ở chính vị trí địa lý, trung tâm hàng hải giao thương của khu vực và thế giới.
Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hoà - Ông Nguyễn Văn Tưởng chụp hình lưu niệm cùng Cán bộ Chiến sĩ tại Quần đảo Trường Sa - Khánh Hoà - Việt Nam
Huyện đảo Trường Sa có diện tích khoảng 500 km2 (gồm thị trấn Trường Sa cùng hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn) có vị trí lý tưởng để trở thành trung tâm hậu cần, thúc đẩy giao thương vì lượng tàu bè chở hàng hóa của thế giới đi qua đây vô cùng lớn. Các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật.
Khi tôi viết những dòng này thì ở Hà Nội đang diễn ra Hội nghị quốc tế "Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu" với sự tham dự của hơn 70 quốc gia; các tổ chức quốc tế, các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ; các chuyên gia, nhà khoa học. Điều này một lần nữa khẳng định thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Việt Nam muốn phát triển, phải hướng ra biển. Với chiến lược xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế trên biển, Trường Sa sẽ từ xa hóa gần như bài hát "Gần lắm Trường Sa".
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Tưởng từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên. Sau đó, ông thành lập công ty Trầm Hương Khánh Hòa, góp công lớn đưa trầm hương Việt Nam trở thành một thương hiệu được bạn bè thế giới biết đến. Ông dành nhiều tâm huyết cho biển đảo và nghiên cứu về kinh tế biển. Trong chuyến đi cùng đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa ra Trường Sa đầu tháng 5/2022, ông Nguyễn Văn Tưởng được Chuẩn đô đốc Nguyễn Thế Tốt trao tặng kỷ niệm chương: "Vì sự nghiệp Bảo vệ Chủ quyền biển đảo"
Theo Báo Dân trí. https://dantri.com.vn/blog/phat-trien-kinh-te-bien-nhin-tu-truong-sa-20220513225357557.htm?