Người "phụng sự" cây Trầm – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

Người "phụng sự" cây Trầm

Trước khi gặp Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa, thú thật là tôi không có chút hiểu biết gì về Trầm hương Việt, và những sản phẩm của Trầm hương. Tôi chỉ lơ mơ biết rằng Trầm hương là thứ quý giá được các vua chúa, giới quý tộc và giới nhà giàu ưa chuộng từ thời cổ đại. Các quốc gia đặc biệt ưa thích Trầm hương là Ai Cập, Ba Tư, Trung Quốc, Nhật…

Nhưng có một điều kỳ lạ là tất thảy các quốc gia này đều không có rừng Trầm hương…Tôi cũng từng được cầm vài mảnh Trầm hương trong một số vụ buôn lậu Trầm hương mà công an thu được từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Mang mấy mảnh Trầm ấy về, đem đốt lên, dí mũi vào ngửi, cũng chả thấy có gì khác lạ so với… củi!

Nhưng rồi, “vạn sự tùy duyên” – Một lần gặp anh Xuân Trường, ông chủ của hai khu Du lịch nổi tiếng là Bái Đính và Tam Chúc, tôi được anh tặng cho hai hộp Hương Trầm mang nhãn hiệu “ATC Trầm hương Khánh Hòa”. Nhìn giá tiền mỗi hộp là ngót 5 triệu, tôi sững sờ! Nhận ra vẻ ngạc nhiên của tôi, anh Trường bảo : “Nghe anh nói chuyện về thiền, tôi biết là anh có tu thiền…Anh nên dùng loại hương này, sẽ cảm nhận thấy có sự khác lạ đấy”. 

nguoi phung su cay tram
                                          Tinh dầu Trầm, một sản phẩm cao cấp của Công ty Trầm hương Khánh Hòa

Nghe lời anh, khi thiền, tôi đốt Hương Trầm Khánh Hòa và quả nhiên, tôi nhận thấy ngay sự kỳ lạ của làn khói mơ màng bay lên, khác hẳn với khói hương bình thường...Và tôi thấy khói Trầm giúp cho hành giả khi thiền sớm “ vào Định” hơn và tạo cho Tâm sự thanh thản, an nhiên, tự tại…Đến lúc này, tôi mới “ngộ” ra được điều mà bấy lâu nay chưa hiểu là: Tại sao Trầm hương được ưa chuộng đến thế, và tại sao lại đắt đến thế, và quan trọng hơn nữa là tại sao lại nói “Trầm hương là Linh Khí của Trời đất”, là thứ khí có thể “ Nối con người với các bậc thần linh”…

Như bị khói Trầm mê hoặc, tôi tìm gặp Nguyễn Văn Tưởng và ngay từ đầu, anh đã cho tôi thấy: Đây là một doanh nhân “không bình thường”!

Các sự “ không bình thường” của anh, chính là quan điểm của anh trong kinh doanh rất độc đáo và rất nhân văn. Anh bảo “nói thương trường như chiến trường” chỉ là cách nói thể hiện sự khốc liệt của kinh doanh, nhưng mang tính ích kỷ và rất sai về bản chất. Nếu nói như vậy, thì khi ra “chiến trường” là phải giết nhau bằng mọi thủ đoạn, phải có kẻ thua, người thắng. Nhưng trong kinh doanh, nếu chỉ mong “mình thắng”, chỉ nghĩ lợi ích cho riêng mình mà tìm cách triệt hạ đối thủ thì đó là sai lầm. Phải làm sao để ai cũng có ăn, ai cũng phát triển, và phải có suy nghĩ “chú khỏe, anh mừng”! Nghe anh nói mà tôi thấy ngỡ ngàng và lại như vừa “ngộ” một điều mới mẻ, giống như “ngộ” ra về Trầm hương.

Thế rồi, tôi cứ bị Tưởng dẫn dắt vào câu chuyện “ngậm ngải tìm Trầm” của anh mà không sao dứt ra được. Tôi như bị lạc vào một thế giới của những huyền thoại, của sự linh thiêng và sự tinh tế, sang trọng, cao quý và và xen vào đó là khát vọng cũng mang “linh khí” Trầm của Nguyễn Văn Tưởng.

Với Tưởng, có sự lạ về cuộc đời. “Thứ nhất chọn nghề. Thứ nhì làm nhà. Thứ ba lấy vợ” – Đó là ba cái sự quan trọng nhất trong đời một người đàn ông. Bình thường sẽ là “Người chọn nghề”. Chọn nghề đúng sở trường sở đoản của mình, đó là nền tảng để có một tương lai bền vững. 

Nhưng cũng có những trường hợp “nghề lại chọn Người” và khi nhìn vào sự nghiệp người đó gây dựng được và khát vọng của họ cho sự phát triển của ngành nghề họ theo đuổi thì càng thấy rõ “Giời giao cho họ làm công việc đó”.

Nếu theo kiểu “Người chọn nghề” thì Nguyễn Văn Tưởng đã trở thành một anh cán bộ kỹ thuật, hoặc một nhà báo, bởi anh được học Kỹ sư Điện tử Viễn thông, và khởi nghiệp bằng công việc là một anh cán bộ kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú tại Tây Nguyên. Nhưng rồi cuộc đời xô đẩy, khiến anh đi vào con đường kinh doanh Trầm hương – Một loại cây có thể coi là “quốc bảo” của Việt Nam.

Thật ra, cây Trầm cũng có ở một số quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Myanmar… Nhưng Trầm hương của Việt Nam tập trung nhiều nhất ở tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk… là loại Trầm hương tốt nhất, có giá trị cao nhất thế giới, và cũng là loại cây được giới nhà giàu ở Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan săn lùng nhiều nhất. Theo tài liệu của người Pháp để lại, hàng năm, triều đình Huế đều yêu cầu các tỉnh cung cấp các sản vật của địa phương cho nhu cầu của triều đình để dùng vào các dịp tế lễ, tết, và nhu cầu thường ngày của hoàng cung. Trong các sản vật ấy có Kỳ nam và Trầm hương. Năm 1899, triều đình Huế yêu cầu Khánh Hòa cung cấp số lượng như sau: 35 livre Trầm hương; 83 livre Trầm tốc hương. Triều đình Huế sẽ trả tiền cho số Trầm hương mua ở các địa phương, tuy nhiên thường thấp hơn giá bán trên thị trường rất nhiều. Ví dụ, giá 1 livre Trầm hương trên thị trường là 60 quan tiền thì triều đình chỉ trả 20 quan. Việc thu mua Trầm hương cho triều đình do các quan lại cấp tỉnh phụ trách.

Năm 1900, trong bài ghi chép về người Thượng ở Sơn Phòng (Quảng Ngãi), tác giả Emmanuel Durant (nhà truyền giáo ở Kim Sơn - Ninh Bình) có ghi chép về các sản vật của vùng Quảng Ngãi, có nhiều phần chép về Trầm hương. Theo ông ta, Trầm hương là một trong những nguồn giàu có của vùng Sơn Phòng (Quảng Ngãi), nhưng việc khai thác sản vật này một các tận diệt khiến nguồn trầm hương của vùng này bị cạn kiệt. Theo Durant, gỗ Trầm hương là một cục bướu của thân cây sinh ra từ những vết thương của cây, có mùi thơm gọi là “nhựa hương” (encens).

Theo Durant, trong y học Trung Hoa, người ta thường sử dụng Kỳ Nam để chữa trị các bệnh liên quan tới bụng, hen suyễn, trúng gió. Ông ta cho rằng, việc sử dụng Kỳ Nam còn mang ý nghĩa tâm linh. 

Người ta đặt một mẩu Kỳ Nam trong một túi nhỏ để đeo ở cổ với hy vọng mang lại tất cả sự may mắn, giàu có và có thể mang lại hạnh phúc cho cả nhà. Những thủ lĩnh cũng thường đeo vòng cổ làm từ gỗ Trầm hương.

Trầm hương nói chung và Kỳ Nam nói riêng rất có giá trị thương mại, dù là một mẩu rất nhỏ. Ngày xưa, những gia đình giàu có hoặc quý tộc lấy những que trầm hương để đốt cho thơm. Ở Trung Quốc, vua được coi là con trời, ông ta thường sử dụng những nén hương làm bằng bột Trầm để đốt trong các nghi lễ tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh.

Theo CH. Crevost, nhân viên bảo quản tại Bảo tàng Nông nghiệp, Thương mại và Công nghiệp Đông Dương, trong giai đoạn đầu thời kì thuộc địa, người Pháp đã tiến hành nghiên cứu về thực vật ở Việt Nam và Đông Dương nói chung, trước mắt là để phục vụ công nghiệp khai thác gỗ, công nghiệp làm giấy. Tuy nhiên, họ cũng nghiên cứu về các loại thực vật để sử dụng trong y học. Bảo tàng Nông nghiệp, Thương mại và Công nghiệp Đông Dương cũng đã nghiên cứu và làm một bộ sưu tập về các loại gỗ thơm ở Việt Nam, trong đó có cây Dó bầu còn gọi là Dó núi sản sinh ra Trầm hương. 

Theo Nguyễn Văn Tưởng thì để nghiên cứu Trầm hương, cần phải có một cơ quan nghiên cứu cỡ cấp Viện… Trung Quốc không có cây Dó bầu, hay không có Trầm hương, nhưng họ có một Viện nghiên cứu Trầm khá danh tiếng. Còn Việt Nam mình là nơi có Trầm hương chất lượng cao nhất thế giới, sản lượng của khá lớn, nhưng từ xưa tới nay, chả có ai nghiên cứu một cách thấu đáo về Trầm hương, mà tất cả là đều được “hiểu theo cách của từng người”. Và thế là, Trầm hương vốn là loại cây mang đậm đặc tính huyền thoại lại càng bị một bức màn hư ảo do người đời dệt nên từ những câu chuyện “ngậm ngải, tìm Trầm” và vô vàn chuyện ly kỳ khác. Nguyễn Văn Tưởng cho tôi biết sơ lược về cây Dó bầu và các loại Trầm, Kỳ Nam.

August Chevalier (Giám đốc Viện Khoa học Đông Dương) cũng khẳng định gỗ Trầm có nguồn gốc từ cây Aquilaria Crassna. Gỗ này khi đốt tỏa ra mùi thơm rất ngọt. 

Eug. Lagrillière–Beauclerc, là nhân viên của Bộ thuộc địa Pháp, năm 1899, ông ta được cử đi công cán ở Đông Dương. Ông ta đã đi từ Bắc xuống Nam, từ Đông Sang Tây, khắp các xứ thuộc Liên bang Đông Dương. Năm 1900, thì cho xuất bản cuốn sách miêu tả về lịch sử, địa lý của các xứ thuộc Đông Dương, trong đó có nhắc nhiều tới Trầm hương. Theo ông ta, ở Nam Kì người ta sử dụng 4 loại gỗ có hương thơm khác nhau, trong đó có: Trầm Hương và Kì Nam. 

Kì Nam cũng được chỉ dẫn với cái tên bois de Calambac. Đây là loại gỗ tỏa mùi hương rất hiếm. Người ta sử dụng Kì Nam như một loại nước hoa và như là một vị thuốc.

Tạm kể sơ lược như vậy về quá trình hình thành Trầm hương và Kỳ Nam để bạn đọc thêm hiểu.

Thế giới biết dùng Trầm hương từ thời cổ đại. Và họ coi Trầm hương là loại cây linh thiêng nhất, khói Trầm là có thể kết nối giữa người trần với thế giới tâm linh - đấy chính là nguyên nhân để Trầm hương trở thành báu vật của các tôn giáo.

Nói về những giá trị của cây Trầm thì mất nhiều trang giấy và cũng đã có rất nhiều tài liệu của nhiều quốc gia nghiên cứu về Trầm. Trung Quốc, chẳng có cây Trầm nào, nhưng họ tiêu thụ Trầm nhiều nhất thế giới và có hẳn một Viện Nghiên cứu Trầm hương. Còn chuyện về “ngậm ngải tìm Trầm” của Việt Nam thì đã có từ xửa từ xưa và bên cạnh những sự thật về nỗi cơ cực của người tìm trầm thì thường pha chút huyền thoại, chút linh thiêng…

Hương liệu là “mặt hàng xa xỉ cao cấp của thế giới cổ đại” trước cả tơ lụa và hồ tiêu. Quý tộc Ai Cập và Babylon đã sử dụng hương liệu từ khoảng 3500 TCN, các công trình bằng đá từ năm 2500 TCN đã ca ngợi hành trình đường biển phục vụ mua bán hương liệu tới vùng Punt. Lạc đà được sử dụng phổ biến làm phương tiện vận chuyển hương liệu phục vụ khách hàng tại Arabia Felix và Địa Trung Hải vào những năm 1500 TCN. Hành trình này đi theo phía bắc dọc theo vùng bờ biển Arab của biển Đỏ, sau đó đi về hướng Tây qua Sinai.

Hương liệu ở đây là Boswellia sacra (Trầm Hương) và nhựa thơm (Commiphora myrrha) chủ yếu ở nam Arab và phía bắc Somalia. Hương trầm và nhựa thơm là loại hàng hóa xa xỉ vì nó thuộc cả hai khía cạnh linh thiêng và trần tục. Trước hết nó đem lại mùi thơm thoát ly những người giàu có ra khỏi mùi hôi của cuộc sống hàng ngày. Nó còn được dùng để làm thuốc, ướp xác và được coi là mùi thơm của thần ái tình. Về mặt tâm linh thì khi hương Trầm cháy tạo thành làn khói nhẹ, mỏng manh, uốn lượn sẽ chậm rãi kết nối tới thiên đường và mùi thơm của nó sẽ làm hài lòng những vị thánh thần. Ở Ấn Độ và Trung Quốc các dịp lễ lớn có tính chất tâm linh đều sử dụng hương Trầm, còn người Do Thái coi “làn khói mờ ảo đó là tấm mạng che cho chính sự hiện diện của Đấng toàn năng” . 

Trong một bản thảo tiếng Babylon cổ được sao chép vào năm 1635 TCN, Nữ thần Mẹ đã hỏi: “Có phải thần Extil đến dâng hương”. Hương là một phần không thể thiếu trong việc thờ phụng các vị thần ở Cận Đông cổ đại. Người tiền sử nhận thấy rằng một số thứ nhất định tỏa ra mùi dễ chịu khi đốt lửa vì vậy một số người đã tìm kiếm các loại cây cho mục đích này. Những gì con người được hưởng, họ sẽ mong đợi các vị thần của họ cũng được hưởng và ban phúc cho họ. 

Ở Ai Cập cổ đã có hình vẽ của những lư hương và những ghi chép về nhang được mang đến từ vùng đất xa xôi của Triều đại trong triều đại thứ 5 (khoảng 2500 - 2350 TCN). Việc nhập khẩu hương liệu vào Ai Cập được ghi nhận từ thời Cổ Vương quốc (2686 – 2181 TCN) với câu thơ “hãy đặt nhựa thơm lên đầu, mặc quần áo cho bạn bằng vải lanh mịn”. Trầm hương ít phổ biến hơn nhựa thơm, nhưng một lượng Trầm Hương cũng đã được tìm thấy trong các hầm mộ.

Đối với người Do Thái, các hướng dẫn để chuẩn bị dâng hương thiêng liêng được nhắc tới trong Kinh Thánh kết thúc bằng việc cấm bất cứ ai làm loại nhang như vậy để đốt vào mục đích riêng. Tuy nhiên, người Do Thái có thể đã có 2 loại nhang, một loại dùng cho nghi lễ chung và một loại dùng cho bản thân được quy định trong Kinh thánh “Nước hoa và nhang đốt mang lại niềm vui cho trái tim”. 

Ở vùng Cận Đông cổ đại nhang, hương thường được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo và nghi lễ hoàng gia. Các vị vua và các quan lại thường làm lễ dâng hương và các linh mục thắp hương. Hương chỉ dành cho tầng lớp cao quý cho dù ở Ai Cập hay Babylonia hoặc ở Israel. Trên một tảng đá có niên đại khoảng năm 1175 TCN, có hình ảnh nhà vua đứng trước một vị thần linh với một nén nhang được thắp giữa họ.

Alexander Đại đế đặc biệt ưa thích đốt nhiều hương liệu ở bàn thờ thánh. Leonides, thầy giáo của Alexander phàn nàn rằng: “Ông ấy sùng bái các thần linh bằng cách ép hương Trầm phải nhả khói cuồn cuộn” và sau khi Alexander chinh phục được Arab đã “gửi cho Leonides một tàu đầy hương Trầm, với lời nhắn yêu cầu ông ta sùng bái các thần linh không giới hạn”. 

Người Roma cổ đại chi rất nhiều tiền để mua hương liệu. Ban đầu người Hy Lạp và Roma cổ đại hiến tế thần linh bằng người sống sau đó thì hiến tế bằng động vật. Tuy nhiên trên giá ba chân kế bên bàn thờ hiến tế là acera, trong đó chứa hương trầm. Việc dâng hương đóng vai trò quan trọng trong lễ nghi tôn giáo của người Roma, hương trầm được miễn thuế quốc gia trong khi các hàng hóa khác phải chịu 25% thuế nhập khẩu. Tại cổng vòm Titus của quảng trường Roma mô tả hoàng đế Titus mang theo một túi Trầm hương tiến vào kinh đô sau khi chiếm Jerusalem. Do nhu cầu về Trầm hương nên đế chế Roma đã kiểm soát dần vùng Arabia Felix trong thế kỷ I, II SCN và khiến tuyến đường hương liệu trên biển và trên bộ an toàn hơn và rẻ hơn. 

Thương mại hương liệu thể hiện rõ tại các đền đài và lăng mộ bằng đá tại Petra (khoảng năm 1550 TCN) kinh đô của vương quốc cổ Nabataea, phía nam của Jordan ngày nay. Khu vực này được công nhận là di sản thế giới của UNESCO năm 1985 và được mô tả là “một trong những tài sản văn hoá quý giá nhất của nhân loại”. Loại hương trầm mà Alexander gửi tặng thầy của mình là chiếm được của các kho hàng tại Gaza trên đường từ Tyre tới Ai Cập (số lượng hàng ước tính là 15 tấn Trầm hương, 3 tấn nhựa thơm). Ở Ai Cập, sau khi hàng hóa được chuyển đến họ tiếp tục sản xuất Trầm hương thành hương trầm, việc sản xuất được kiểm soát chặt chẽ để tránh công nhân ăn trộm hương liệu quý này. Stein so sánh việc buôn bán hương liệu thời cổ đại giống như buôn bán heroin ngày nay 

Trong cuốn Lịch sử Thế giới Ả Rập, thì Nhà tiên tri Mohamet, người sáng lập ra đạo Hồi đặc biệt ưa thích dùng tinh dầu Trầm hương và dùng khói Trầm để “nói chuyện” với Thánh Ala.

Khi bắt đầu gắn bó với Trầm, Nguyễn Văn Tưởng gặp không ít khó khăn, thậm chí còn bị ông bạn lừa bán gần sạch cơ nghiệp dựng được ở Hà Nội. Nhưng không một lời trách móc bạn, không oán thán… Tưởng lao vào gây dựng từ đầu. Và dường như tấm lòng của anh với Trầm hương đã cảm được với thần linh và từ năm 2007, anh làm ăn mỗi ngày thêm thuận lợi. Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng cũng tự nhận thấy mình là người gặp may trong nghề làm Trầm hiếm có.

Bây giờ, chưa nói đến khối tài sản khổng lồ là những khối Trầm, Kỳ Nam trong Bảo tàng Trầm hương tại thành phố Nha Trang, Tưởng còn có hàng ngàn hecta trồng cây Trầm, và các cơ sở chế tác các vật phẩm bằng gỗ Trầm, cơ sở chiết xuất tinh dầu Trầm ở một số địa phương.

Bảo Tàng Trầm Hương của doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đang là một điểm thăm quan rất được chú ý ở Nha Trang. Trung bình mỗi ngày có trên dưới 1000 khách tới chiêm ngưỡng những tác phẩm cực kỳ độc đáo của thiên nhiên ban tặng và của những bàn tay các nghệ nhân Việt và cái hay là không phải trả tiền, mà lại còn được phục vụ chu đáo về nước uống, nơi nghỉ chân. 

Công ty Trầm Hương Khánh Hòa của anh chưa bao giờ để các cơ quan quản lý doanh nghiệp của tỉnh phải “lăn tăn” về hoạt động sản xuất kinh doanh. Thuế nộp đầy đủ, quyền lợi của người lao động được đảm bảo; có nhiều đóng góp lớn cho hoạt động an sinh xã hội của tỉnh Khánh Hòa và các địa phương có cơ sở sản xuất của Công ty; tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa lớn, có tiếng vang giúp quảng bá cho ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa…Tuy vậy, Nguyễn Văn Tưởng cũng là doanh nhân khá “kín tiếng” và biết tránh hư danh, hư vinh. Đặc biệt trong các hoạt động xã hội từ thiện, Tưởng đóng góp giúp đỡ cho người nghèo, xây dựng trường học… rất lặng lẽ và biết tránh xa sự soi mói của báo chí.

nguoi phung su cay tram
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty ATC- Trầm hương Khánh Hoà

Nhưng Nguyễn Văn Tưởng không bằng lòng với những gì anh đã làm được đối với cây Trầm. 

Trời đã chọn anh để “phụng sự cây Trầm” vậy phải làm thế nào để xứng đáng với “lòng tin” linh thiêng. Đó là niềm day dứt khôn nguôi của Nguyễn Văn Tưởng. Vệc quan trọng nhất mà anh luôn đau đáu là làm sao để Trầm hương cũng như những người làm Trầm được xã hội thấu hiểu, trân trọng. Linh thiêng và tinh khiết, Trầm hương xứng đáng được nhìn nhận như một xứ giả văn hóa, tinh thần cao quý nhất của người Việt Nam.

Ngay từ lúc Trầm hương được đưa ra khỏi danh sách hàng quốc cấm, Nguyễn Văn Tưởng đã nuôi một niềm tin: Trầm hương chắc chắn sẽ bước ra thế giới, sẽ là hiện thân của dân tộc Việt Nam. Câu chuyện của Trầm hương cũng là câu chuyện của Việt Nam: Trải qua đau thương, vẫn là một dân tộc thân ái, ưa chuộng hòa bình, hương thơm của Trầm cũng như tâm hồn của người Việt, bền bỉ và bao dung. Nguyễn Văn Tưởng luôn tâm niệm rằng: Chặng đường đưa Trầm hương ra thế giới chắc chắn không phải là con đường của riêng cá nhân mình. Đó còn là hành trình của những người làm Trầm, những người nông dân trồng cây Dó bầu. Làm sao để những người đó thực sự đồng hành với anh, hiểu được giá trị của Trầm, tham gia vào chuỗi giá trị một cách bền vững?

Với anh, cây Trầm không phải là cây giúp nông dân “xóa đói giảm nghèo” mà là “giúp người nghèo làm giàu”. Chỉ có như thế, những người dân hôm nay còn nghèo, còn vất vả mới sống lâu dài với Trầm, tận tâm với Trầm để làm nên những sản phẩm có giá trị.

Nhưng để làm giàu bằng trồng cây Trầm, phải có thời gian lâu, thậm chí rất lâu. Một cây Trầm từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch được Trầm (chất lượng trung bình) thì phải mất ít nhất 15 năm. Còn để có Trầm chất lượng cao thì phải nhiều năm nữa. Chính vì vậy cần phải giúp người nông dân thay đổi tư duy về cây Trầm, và quan trọng là phải giúp họ trồng Trầm: giúp bằng cây giống, bằng kỹ thuật, bằng phân bón và giúp họ phải có cái ăn, cái mặc trong lúc chờ đợi. 

Nhưng muốn làm được điều này cần phải có kế hoạch căn cơ, bài bản và phải đi từ gốc. Nghĩa là cần phải có những nghiên cứu khoa học về sự sinh trưởng, phát triển và tạo Trầm của cây. Phải biết được từng loại cây Trầm, rồi thổ nhưỡng nào phù hợp, lúc nào được trồng, lúc nào được tạo vết thương để cây tạo Trầm; rồi phải nghiên cứu để sử dụng Trầm sao cho hiệu quả kinh tế cao nhất và độc đáo nhất. Muốn vậy cần phải có một Viện Nghiên cứu Trầm hương. Cây Trầm và các chế phẩm của Trầm chỉ có thể vươn tầm thế giới, trở thành cây quốc bảo của Việt Nam khi đã có những nghiên cứu khoa học đầy đủ và ứng dụng được vào thực tiễn. 

Nguyễn Văn Tưởng đang làm thủ tục để xin thành lập Viện Nghiên cứu Trầm hương và với tiềm lực tài chính của mình, chắc chắn Viện sẽ chiêu mộ được những nhà khoa học, sẽ có được những thiết bị khoa học tiên tiến nhất, để phân tích được tới… tận cùng của cây Trầm.

Không phụ tấm lòng của “Người phụng sự Trầm hương”, lễ dâng Trầm được tổ chức ngay trong đêm đại lễ 30 tháng 4 của dân tộc tại Quảng trường thành phố Nha Trang, ghi dấu vị thế tâm linh – văn hóa đặc biệt của Trầm. Lần đầu tiên, những người đang sống được nghe, được nhìn, được đứng trong không gian của những vị thần, của Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Lần dầu tiên, hàng triệu người Việt Nam bạn bè quốc tế được cùng nhau “nghe Trầm kể chuyện nghìn năm” – câu chuyện về sức mạnh của tự nhiên, về khát vọng của con người. Trong buổi đại lễ, Bảo tàng Trầm hương Khánh Hòa chính thức được ghi danh vào Sách Kỷ lục Việt Nam và ba nước Đông Dương, đánh dấu giai đoạn mới của hành trình khẳng định sức sống và giá trị của Trầm hương.

Một khát vọng nữa của doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng là xây dựng “Trung tâm Giao dịch Trầm hương thế giới” tại Nha Trang. Nếu có Trung tâm này, chắc chắn các doanh nhân kinh doanh Trầm trên thế giới, cùng những người ưa chuộng Trầm của Trung Đông, Nhật bản, Trung Quốc... sẽ phải đến để có được những sản phẩm từ cây Trầm mà không phải lo bị nhầm hàng kém chất lượng, hoặc hàng giả. Đến với Trung tâm giao dịch Trầm hương, họ cũng sẽ có được những sản phẩm mang tính “quốc bảo” từ một loại cây quốc bảo của Việt Nam. Trầm hương khi đó không chỉ hiện diện trong đời sống tinh thần – văn hóa mà còn trong đời sống kinh tế, trở thành một ngành kinh tế mang bản sắc Việt Nam, giá trị Việt Nam, vì người Việt và cho người Việt.

nguoi phung su cay tram

Con đường của “Người phụng sự Trầm hương” nay đã vươn tới những diễn đàn thế giới, chạm tới trái tim của bạn bè năm châu. Cái tên “Việt Nam – Quốc gia Trầm hương” đã được Nguyễn Văn Tưởng nhắc đến đầy tự hào tại Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Toàn cầu (Club de Madrid) tháng 10 vừa qua, nhận được cảm mến, trân trọng đặc biệt từ 102 cựu Tổng thống và Thủ tướng của 60 quốc gia lớn nhất thế giới, cùng hàng trăm học giả và doanh nhân tên tuổi toàn cầu. Tại diễn đàn, câu chuyện về Trầm hương trở thành một hình mẫu sáng giá cho những nỗ lực to lớn cho Việt Nam: Một quốc gia có chiều sâu về lịch sử, văn hóa hướng về tương lai với một tầm nhìn dài hạn và những năng lực cụ thể, có sức lan tỏa trên phạm vi toàn cầu.

Đã có không ít thành công, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ làm bước chân “Người phụng sự Trầm hương” chậm lại. Nguyễn Văn Tưởng vẫn tiếp tục, không mệt mỏi, đi tìm đáp án cho vô vàn câu hỏi: Làm thế nào để cây Trầm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Việt Nam nhiều hơn nữa? Làm thế nào để tối ưu hóa sản phẩm từ cây Trầm? Làm thế nào để mọi người đều được thưởng, được cảm vẻ đẹp của Trầm? cách sử dụng, cách thưởng sẽ mang đậm và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt - đó là mong muốn, là khát vọng của doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng. Và nếu không làm được điều đó, thì anh là người có lỗi với cây Trầm.

Nguồn: https://dulich.petrotimes.vn/nguoi-phung-su-cay-tram-561070.html