KHÁT VỌNG ĐƯA TRẦM HƯƠNG VIỆT THÀNH THƯƠNG HIỆU TOÀN CẦU – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

Khát vọng đưa Trầm Hương Việt thành thương hiệu toàn cầu

(BVPL) – Trong cái tiết trời se lạnh của Nha Trang một ngày xuân đã chạm ngõ, ông đốt lên một thanh Trầm Hương, câu chuyện cứ thế lan tỏa cùng mùi khói thơm đặc biệt…

“Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương; Non cao biển rộng, người thương đi về” – câu ca dao ấy từ xa xưa như một định danh với vùng đất giàu đẹp này. Từ lâu, ông Nguyễn Văn Tưởng đã trở thành “người thương” của xứ này, “một cõi đi về” giữa Tây Nguyên – Nha Trang – Hà Nội và nhiều nước trên thế giới vì duyên nghiệp với Trầm Hương – cũng bởi khát vọng xây dựng Trầm Hương Việt Nam trở thành thương hiệu toàn cầu luôn thôi thúc.

Trong cái tiết trời se lạnh của Nha Trang một ngày xuân đã chạm ngõ, ông đốt lên một thanh Trầm Hương, câu chuyện cứ thế lan tỏa cùng mùi khói thơm đặc biệt…

“Hành lộ nan” đưa Trầm Hương ra thế giới

Xưa nay, thường thì người đi tìm Trầm, nhưng với ông Tưởng thì dường như Trầm đi tìm người, vì nhiều lẽ.

Sinh ra ở Hưng Yên, Nguyễn Văn Tưởng không thể ngờ hành trình của mình lại xa ngái và có những ngã rẽ như vậy. Quen với lam lũ, vất vả ruộng đồng ở quê nhà, lớn lên, Tưởng vào quân ngũ, hành quân qua những dải đất miền Trung. Thế rồi, Tưởng trở thành cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam, thường trú khu vực Tây Nguyên.

Vào Tây Nguyên, từ khi biết đến Trầm Hương, Tưởng như bị “thôi miên”. Duyên với Trầm Hương như thể một định mệnh, để rồi từ đó những gì liên quan tới Trầm, ông đều tìm cách ghi chép, tìm hiểu kỹ. Càng tìm hiểu càng thấy Trầm Hương là một sản vật cực kỳ quý giá mà cả thế giới đều thèm muốn.

Tìm hiểu qua rất nhiều nguồn tư liệu, Tưởng nhận thấy, Trầm Hương xứ ta đã nổi tiếng trên con đường tơ lụa từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, từ Trung Quốc sang Trung Đông. Ngoài ra, còn con đường tơ lụa trên biển, xứ đàng trong có Hội An, xứ đàng ngoài có Phố Hiến. Trầm Hương Việt Nam lừng danh thời đó, khi cập bến ở một hải cảng của tỉnh Quảng Đông- Trung Quốc, cùng với nhiều hương liệu khác như hồi, quế, hồ tiêu, tạo mùi thơm lan tỏa nên người ta đặt tên là Hương Cảng (cảng thơm- Hồng Kong ngày nay).

Ông Nguyễn Văn Tưởng và rừng cây gió bầu tạo Trầm, phủ xanh đất trống đồi trọc và tạo việc làm cho hàng nghìn công nhân ở Tây Nguyên.
Vào những ngày hội đầu năm, Trầm Hương đất Việt được đốt lên ở những cung điện của nhiều triều đình phong kiến và được ngợi ca về mùi hương không gì sánh nổi. Bản đồ thế giới, chỉ có 6 nước có Trầm Hương, nhưng Trầm Hương Việt Nam tốt nhất.

Sản lượng Trầm Hương thế giới phụ thuộc vào Việt Nam và Việt Nam không chỉ được coi như Vương quốc Trầm Hương của thế giới trong quá khứ mà còn là nguồn cung cấp  quan trọng nhất trong tương lai, bởi loại hương liệu thượng hạng này không thể thay thế trong dược phẩm, nước hoa…

Hồi đó, Trầm là hàng quốc cấm, buôn bán Trầm sẽ bị tịch thu. Lệnh cấm khiến Trầm trở nên trầm lắng. Nhiều cuộc bắt bớ, tịch thu Trầm Hương diễn ra khiến cho Trầm vốn thơm mà phải giấu mình trong những góc tối. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Tưởng đã quyết phục hưng ngành Trầm Hương, muốn vậy, trước hết phải đưa sản vật này ra khỏi danh sách hàng quốc cấm.

Đó quả thật là một “hành lộ nan”, nhưng Nguyễn Văn Tưởng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, cùng đồng nghiệp viết nhiều bài báo, gặp các yếu nhân của ngành Nông nghiệp lúc ấy để thuyết phục, cuối cùng Trầm Hương đã được đưa khỏi danh sách hàng quốc cấm. Nguyễn Văn Tưởng tiếp tục trình bày ý tưởng với nhiều nhà trí thức, nhà khoa học, quan chức quản lý để phát triển sản vật cao quý này. Lý lẽ giản dị nhưng thuyết phục: Nước ta có Trầm Hương mang linh khí của trời đất, khiến cho mọi người nhắm mắt chắp tay cúi lạy, thì đó là giá trị của thương hiệu Việt Nam, hà cớ gì không suy tôn, nâng lên, tạo nhiều giá trị, không chỉ làm giàu mà còn trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Trầm Hương thăng hoa

Lệnh cấm được bãi bỏ, Nguyễn Văn Tưởng xin thôi công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, về Nha Trang lập Công ty Trầm Hương Khánh Hòa. Những ngày đầu, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đã đi nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, khai mở thị trường, hành trình đó cũng gian nan như “ngậm ngải tìm trầm”.

Nhưng đến hôm nay, hành trình của người đàn ông này đã giúp Việt Nam xuất khẩu rất nhiều Trầm Hương sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, UAE, Mỹ.  Ông  luôn có tư duy hướng ra biển lớn, hướng Trầm Hương chinh phục thị trường thế giới. Những sản phẩm từ Trầm Hương như chuỗi trang sức đeo cổ, bộ thưởng Trầm đều đẹp, tinh xảo và tiện dụng, được chuẩn hóa kích thước, bao bì, màu sắc nên đã có mặt trên rất nhiều kệ hàng sang trọng của thế giới.

Mới đây, ông Tưởng đã cho chế tác 100 chiếc quạt làm từ Trầm Hương  làm quà lưu niệm cho các đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị cao cấp APEC 2017 lần thứ Nhất tại Nha Trang, tạo ấn tượng về sản phẩm mang nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thế nhưng, để xuất khẩu Trầm Hương cần có nguồn nguyên liệu tốt, trong khi sản vật này trong tự nhiên đã cạn kiệt. Chính vì vậy, ông Tưởng đã đi đầu  trồng cây gió bầu, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo vùng nguyên liệu cho Trầm. Ông trồng hàng nghìn hecta gió bầu ở Tây Nguyên, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nông dân.

Ông Tưởng trăn trở: “Trầm Hương không phải là cây xóa đói giảm nghèo, mà là cây làm giàu. Nhà nước cần nghiên cứu đánh giá đúng về tiềm năng kinh tế của Trầm Hương ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cần có một viện nghiên cứu chuyên về cây Trầm Hương và một chính sách vĩ mô bài bản, đưa Trầm Hương trở thành một ngành kinh tế”.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Trầm Hương sẽ là ngành kinh tế hội nhập với thế giới dễ nhất vì có tính văn hóa và tư tưởng toàn cầu”.

                                             Ông Nguyễn Văn Tưởng và Bảo Tàng Trầm hương.

Trao đổi với Phóng viên, ông Tưởng giới thiệu về dự án Làng Hòa bình và sáng tạo với quy mô và tham vọng của ông là vươn ra biển lớn. Trên diện tích hơn 2.000 hecta nằm sát thành phố Nha Trang, giữa khung cảnh rừng núi sông biển đảo giao hòa, Làng Hòa bình và sáng tạo sẽ được xây dựng để trở thành nơi hội tụ của các học giả, những nhà sáng tạo công nghệ, những nghệ sĩ…hàng đầu thế giới.

                     Chiếc quạt Trầm Hương được thiết kế để tặng cho đại biểu cấp cao tham dự APEC 2017.

Trong đó, sẽ có Viện nghiên cứu mang tính đột phá để Trầm Hương Việt Nam vươn xa. Để xây dựng ngôi làng đặc biệt này, ông Tưởng có mời các chuyên gia hàng đầu đóng góp trí tuệ, trong đó có Giáo sư John Quelch  – Đại học Havard – được mệnh danh là ‘’bậc thầy của phù thủy thương hiệu’’.  Giáo sư John Quelch nhận định: “Nếu thành công, Làng Hòa bình và sáng tạo sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương, đẩy mạnh giao thương quốc tế, tăng cường danh tiếng và khả năng nhận diện thương hiệu toàn cầu của Nha Trang”.

Ít người nghi ngờ về thành công của Làng Hòa bình và sáng tạo nếu trước đó đã chứng kiến ông Tưởng xây dựng Bảo Tàng Trầm Hương độc đáo – trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ của thành phố du lịch Nha Trang.

Trên diện tích 2,2 ha, trong đó là nhà trưng bày rộng khoảng 5000m2, chỉ riêng số tiền đầu tư vào cơ sở vật chất xây dựng Bảo Tàng Trầm Hương, chưa kể tiền đất đã là trên 200 tỷ đồng. Bỏ ra số tiền lớn như vậy để làm bảo tàng để rồi mở cửa…miễn phí, vì sao một doanh nhân lại có thể đầu tư cho một cuộc chơi tốn kém như vậy mà không tính toán hiệu quả kinh tế?

Ông Tưởng mỉm cười: “Tôi coi Bảo Tàng hay Nhà hát Trầm Hương là một tác phẩm mà đã là một tác phẩm, thì không tính toán về tiền bạc, thời gian. Khách du lịch muốn khám phá Trầm Hương phải có không gian đủ lớn, phải có câu chuyện để kể. Trong không gian đó sẽ kể câu chuyện Trầm Hương, câu chuyện Trầm Hương cũng kỳ diệu như câu chuyện của Việt Nam, trải qua bao đau thương vẫn nhân ái, yêu chuộng hòa bình”.

Tới đây, ông Tưởng sẽ xây dựng Nhà hát Trầm Hương, gắn với việc bảo tồn các giá trị âm nhạc dân gian của Việt Nam như hát Chèo, ca bài Chòi và các làn điệu dân ca khác… Những giai điệu âm nhạc dân tộc sẽ ngân lên trong khói Trầm, âm nhạc và hương thơm hòa quyện, giao duyên…

Ông Tưởng lại đốt những thanh Trầm. Mùi Trầm Kiến ngọt ngào say đắm, mùi Trầm Sánh dịu nhẹ có vị khét mà nếu đi sâu vào cơ thể sẽ cảm giác vị ngọt hăng thơm của tinh dầu, Trầm Mối nồng nàn như nghe từng giọt hương thơm nhỏ róc rách trong đại ngàn…Đó như bản giao hưởng của những mùi hương mà trong thời khắc đất trời vào xuân dễ khiến lòng người thăng hoa.

Trong làn khói Trầm, ông chia sẻ: “Nếu hiểu “ăn ngon – mặc đẹp” là một nét văn hoá thì tôi luôn tự hỏi, tại sao chúng ta không nghĩ đến ngửi thơm? Nghệ thuật thưởng Trầm đã gắn bó với cha ông ta từ thuở xa xưa và bây giờ chúng tôi muốn lan tỏa nghệ thuật thưởng Trầm mà cha ông đã để lại. Đốt một nén trầm trước bữa ăn, giấc ngủ hay những thời khắc thiêng liêng của cuộc đời, lúc Tết đến Xuân về, mùi Trầm xua tan tà khí, tà niệm, làm đầu óc thư thái, hướng thiện. Hương Trầm thanh khiết như một cầu nối tuyệt vời với tổ tiên, trời đất. Vậy nên ca dao có câu: “Xuân về thắm đủ trăm hoa; Mùi Trầm Hương thiếu vẫn là chưa xuân”.

Trong tác phẩm “Phủ Biên Tạp lục” (1976) , nhà bác học Lê Quý Đôn định nghĩa về Trầm Hương: “Trầm Hương là hương trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương của cây gió bầu, lâu dần cây thấm hương trời biến tính thành Trầm gọi là Linh Khí của Trời Đất”. Định nghĩa lãng mạn ấy được giải thích ở góc độ khoa học như sau: Trầm Hương được hình thành do cây gió bầu bị thương như giông gió làm gãy cành, kiến mối hoặc sâu bọ đục khoét, hay bom đạn găm vào. Khi cây bị thương, chất dầu trong cây tụ lại để kháng cự sự phá hoại nhiễm bệnh từ bên ngoài, kết hợp với các loại vi nấm, nắng gió và những điều kiện tự nhiên khác dần dần biến tính thành Trầm. Chỉ có cây gió bầu mới có thể tạo Trầm. Dân gian có câu: “Trong đau thương, gió biến thành Trầm”. Trong tự nhiên, quy luật này thường hiếm xảy ra, nên Trầm Hương càng quý.
 
Theo bảo vệ pháp luật