Dâng Trầm ngày Xuân – Lộc biếc theo hương về nhà
Mùa xuân - mùa của đất trời thay áo mới, mùa của lòng người hân hoan, dâng nén Trầm Hương, lan tỏa trong tim mỗi người niềm tin, yêu cuộc đời với bao ước vọng về một năm an lành, thịnh vượng đã trở thành nét đẹp văn hoá đi cùng người Việt qua hàng nghìn năm. Nét đẹp văn hoá ấy được hun đúc từ Trầm đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ người Việt Nam kiên cường trước thách thức, chăm chỉ trong lao động, sáng tạo trong nghiên cứu và biết yêu những điều tốt đẹp.
Cây Trầm Hương trăm năm tuổi
Trầm Hương là sản vật cao quý nhất từ những cánh rừng của Việt Nam. Từ ngàn xưa, con người đã gọi Trầm Hương là gỗ của các vị thần, là hương thơm của thiên đường – tặng vật quý giá nhất của thế gian, xưa nay luôn hiện diện ở nơi cao quý, tôn nghiêm.
Tết đến, xuân về trên bàn thờ tổ tiên “hương chong đèn rạng”, dâng một nén Trầm, lòng người tĩnh lặng như được hướng thiện, nhớ về nguồn cội ta xưa để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn trong cuộc sống này và ngay chính hôm nay. Sức mạnh của tự nhiên - làn hương thiêng mà đất trời gửi gắm bao đời, là cầu nối giữa con người với thế giới linh thiêng khiến chúng ta đều trở nên mạnh mẽ và phi thường.
Lễ Dâng Trầm đầu tiên tại Việt Nam trong chương trình nghệ thuật " Trầm Hương Khánh Hoà- Linh Khí của Trời Đất". do Đài Truyền hình VIệt Nam phối hợp cùng Công ty Trầm Hương Khánh Hòa tổ chức.
Trong văn hóa tâm linh của người Việt, mỗi nén hương Trầm mang sự kính trọng, thiêng liêng mà người thắp muốn gửi gắm, khi nguyện soi lòng mình trước ánh sáng của Trời Đất- Tổ Tiên, của những vị thần, để thấu tỏ hết phải – trái, đúng – sai, để được khai tâm mở trí, được trao truyền những ý thiện điều lành. Bởi thế, Trầm Hương vượt qua mọi khoảng cách cá nhân, dân tộc hay tôn giáo, để chạm tới trái tim và tinh thần của mỗi người.
Nghi lễ dâng Trầm ngày xuân- nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt như một cách để nối nhịp cầu quá khứ, hiện tại và tương lai, thể hiện tấm lòng thành kính của con người đối với cội nguồn, tri ân với Trời Đất - Tổ Tiên.
Nét đẹp văn hoá được hun đúc từ trầm đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ người Việt Nam kiên cường trước thách thức, chăm chỉ trong lao động, sáng tạo trong nghiên cứu và biết yêu những điều tốt đẹp như hành trình của Công ty Trầm Hương Khánh Hòa - ATC - hành trình phụng sự cây Trầm Hương vẫn bền bỉ dựng xây những giá trị, lan tỏa khát vọng về sự sinh tồn, về sự vươn lên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Bảo tàng Trầm Hương- Bảo Tàng tư nhân duy nhất của Việt Nam do Công ty Trầm Hương Khánh Hòa đầu tư.
Năm 2020 là một năm mất mát bởi dịch bệnh, thiên tai…Nhưng mất mát hay đau khổ là lẽ thường của cuộc sống, quan trọng là vượt lên trên lẽ thường đó như thế nào. Giống như cây dó bầu muốn thành Trầm thì phải bị thương. Càng tổn thương càng mạnh mẽ. Càng gian khổ càng vươn lên. Đó cũng là câu chuyện của Việt Nam, trải qua bao đau thương vẫn là một dân tộc yêu chuộng nhân ái và hòa bình.
Mùa xuân 2021 đang tới, chúng ta hãy mang niềm tin, bản lĩnh của người Việt Nam sẵn sàng bước cùng nhau, hướng đến những mục tiêu chung. Vì chúng ta chẳng thể là ai nếu không có Tổ quốc và không làm chủ vận mệnh của mình, hãy cùng nhau chia sẻ khó khăn, chung góp tài năng, trí tuệ để làm chủ đất nước. Vươn tầm nhìn về phía biển, chúng ta sẽ thấy những chân trời đang chờ trí tuệ Việt Nam khám phá, phát triển và bảo vệ.
Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa Nguyễn Văn Tưởng giới thiệu không gian trưng bày của Bảo Tàng Trầm Hương với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa giới thiệu Chiếc quạt Trầm Hương- tặng phẩm được chọn để làm quà tặng cho các đại biểu tham dự Hội nghị APEC 2017 với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Mỗi người Việt đều thuộc nằm lòng câu chuyện về cha ông mình, năm mươi người con theo Cha Rồng xuống biển, năm mươi người con theo Mẹ Tiên lên non, chúng ta đã hiểu một phần máu thịt của mình thuộc về biển.
Là những người gắn bó với ngành Trầm Hương ở Việt Nam, chúng tôi hiểu sâu sắc công lao của biển trong việc kiến tạo nên một vùng trời nước có khí hậu đặc biệt, thuận lợi cho quá trình tạo nên Trầm Hương Khánh Hòa trở thành Trầm Hương đẳng cấp thế giới.
Cho nên từ Lễ dâng Trầm đặc sắc đầu tiên ở Việt Nam bên vịnh Nha Trang cho đến Lễ dâng Trầm ở Côn Đảo linh thiêng, hùng tráng; từ những chương trình tiếp sức cho ngư dân trong mùa dịch Covid với hàng ngàn tấn gạo ân tình cho đến việc tài trợ Cuộc thi chạy Marathon của báo Tiền Phong trên Đảo Lý Sơn kỳ vĩ, chưa kể sự đồng hành với quân và dân trên quần đảo Trường Sa trong nhiều năm qua mà còn là những chuyến tàu chở hàng ngàn khối đất giàu hợp chất hữu cơ (đất màu) gửi tới Trường Sa để nuôi dưỡng màu xanh cho các hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc; đặc biệt là những sáng kiến không ngừng nghỉ trong kế hoạch xây dựng Làng Hòa Bình và Sáng Tạo Nha Trang (iNha Trang) với mong mỏi đưa Việt Nam trở thành nơi hội tụ trí tuệ và tinh hoa thế giới… Tất cả đều mang “hơi thở từ biển”, để thấy, tâm sức của Trầm Hương Khánh Hòa đã hướng biển từ rất lâu rồi.
Trầm Hương Khánh Hòa gửi hàng ngàn khối đất giàu hợp chất hữu cơ (đất màu) tới Trường Sa để nuôi dưỡng màu xanh cho các hòn đảo tiền tiêu của Tổ Quốc.
Vì ông cha ta đã bao đời vươn khơi bám biển. Ngày nay, chúng ta không thể chỉ bằng lòng với tầm nhìn vươn khơi, mà phải sẵn sàng hiện diện và làm chủ biển trời của mình. Chỉ có hiện diện chúng ta mới giữ được biển. Chỉ có hiện diện, chúng ta mới đồng sức, chung tay làm cho trọn vẹn, cho xác đáng nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn của mình với di sản của cha ông.
Việt Nam linh thiêng bởi dáng hình đất nước hôm nay được tạc nên không chỉ bởi đất trời, núi non, rừng biển mà còn bởi trái tim và ý chí của biết bao thế hệ người Việt Nam. Những năm tháng đã đi qua, có gian khổ có đau thương, nhưng thật lừng lẫy và tự hào.
Trầm Hương Khánh Hòa tiếp sức cho ngư dân trong mùa dịch Covid với hàng ngàn tấn gạo ân tình.
Trong thuyết pháp của Phật giáo có nhắc tới Tứ Trọng Ân - bốn cái ơn lớn nhất mà mỗi đời người cần luôn ghi nhớ. Trong đó, ơn cha mẹ, ơn thầy cô chỉ đứng thứ hai. Cái ơn lớn hơn cả là biết ơn Tổ quốc, quê hương, biết ơn những bậc tiền nhân, những người đương thời đã gìn giữ, gây dựng đất nước tươi đẹp như ngày hôm nay, để chúng ta được an ổn, để người người, nhà nhà có thể sống, làm việc và yên hưởng thái bình.
Giống như đạo lý từ ngàn đời của người Việt: Cây có cội - Sông có nguồn. Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ người trồng cây. Trong những dịp trọng đại của đất nước, trong những thời khắc đặc biệt khi đất trời vào Xuân, người Việt Nam hôm nay vẫn thấu hiểu được đạo lý này, thật trân quý biết bao!
Chào Xuân Tân Sửu 2021 với những thịnh đạt, cùng thưởng Trầm thơm ngây ngất, trao cho nhau ý nguyện điềm lành, cùng nghe những lời tin yêu tha thiết, cùng ngắm những tà áo rực rỡ sắc màu hạnh phúc để đón những niềm vui của năm mới và mong ước cho dịch bệnh tiêu tan.
Những vườn ươm cây Dó Bầu nảy lộc sinh sôi
Xuân của đất trời. Xuân yêu thương. Xuân an lạc đã về trên những chồi non, lá biếc, trên khắp nẻo đường tươi đẹp của quê hương, đất nước và thẳm sâu trong trái tim mỗi người, giữa làn khói thơm của trầm - hiện thân cao quý nhất của văn hoá Việt Nam để thấy những tinh hoa của dân tộc vẫn luôn trường tồn.
Dáng hình, khí chất Việt Nam – hội tụ trong hương Trầm – ngày hôm nay đã vươn ra thế giới, chinh phục những trí tuệ hàng đầu nhân loại. Tại Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới (Club de Madrid) năm 2020, Việt Nam chính thức được nhắc đến là Quốc gia Trầm Hương – một dân tộc yêu hoà bình, sẵn sàng khẳng định và lan toả giá trị của mình ra thế giới.
Bạn bè thế giới tin tưởng và đặt kỳ vọng vào Việt Nam - Quốc gia Trầm Hương, vì cây Trầm Hương không chỉ trao cho chúng ta hương thơm để thưởng thức mà còn sở hữu nhiều giá trị to lớn khác, đủ tạo nên một ngành kinh tế và sức bật văn hoá mạnh mẽ cho nước nhà, sẽ trở thành đại diện chân chính cho tâm nguyện tốt đẹp của nhiều tôn giáo, nhiều quốc gia.
Trích: http://daidoanket.vn/dang-tram-ngay-xuan--loc-biec-theo-huong-ve-nha-550491.html?