Chinh phục không gian biển
Có rất nhiều con đường để chúng ta lựa chọn nhằm chạm khắc tên mình vào cuộc sống. Nhưng chinh phục không gian biển, xây dựng những thành phố du lịch trên biển, theo cách nghĩ của ông Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Trầm Hương Khánh Hoà, người sáng lập Công ty cổ phần Làng Hoà Bình và Sáng Tạo Nha Trang – thật sự là một lý tưởng mới về biển. Đó là câu chuyện của lòng can đảm và không có chỗ cho sự sợ hãi.
Ông Nguyễn Văn Tưởng trong vườn ươm cây Dó Bầu.
1. Chúng tôi bước thật chậm trên bờ biển Nha Trang, mắt nhìn theo những con tàu đang hối hả căng buồm đón gió ra khơi. Ở cuối chân trời, bình minh nhô lên từ lòng biển, đại dương rực lên như một ngọn đuốc khổng lồ.
Ông Tưởng cho rằng, không chỉ ở Nha Trang mà trên khắp đất nước này có nhiều bờ biển hoang sơ đẹp đến mãnh liệt, nhưng cứ mỗi lần chạm vào biển là một lần ông cảm thấy tiếc nuối. Chúng ta đã nói nhiều về tư tưởng “hướng ra biển”, “nhìn ra biển” hay “vươn ra biển lớn” nhưng đã thực sự “ra biển” làm ăn trên biển chưa?
Ông Tưởng chỉ tay về phía trước mặt, nơi những con sóng bạc đầu đang nối đuôi nhau như chơi trò đuổi bắt: “Tại sao lại không, ngay chỗ đó sẽ là một thành phố”.
Thành phố mọc lên từ biển. Muốn làm được điều này, trước tiên phải xây đảo nhân tạo. Thế giới đã chứng kiến những cỗ máy tạo đảo thần kỳ. Dubai là một ví dụ. Tiểu vương quốc nhỏ bé này chỉ có dân số khoảng 2 triệu người trên diện tích 4.000 km2 nhưng với việc xây dựng những quần đảo nhân tạo khổng lồ hình cây cọ – một trong những biểu tượng cho khả năng không tưởng của vùng đất này – đã biến Dubai trở thành “thành phố toàn cầu”, “Vương quốc của du lịch” hay “thành phố của những siêu công trình”.
Ít ai biết rằng, ở thời điểm sau Thế chiến I, nền kinh tế Dubai sụp đổ, kiệt quệ, nhiều người dân phải chịu cảnh chết đói. Nhưng chỉ trong vòng 20 năm, với tầm nhìn vượt trội và sự quyết tâm mạnh mẽ, Dubai đã phát triển, trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới. Câu chuyện thần kỳ của Dubai là một tham chiếu hữu ích cho Việt Nam trên con đường phát triển. Khẳng định điều này, ông Nguyễn Văn Tưởng cho rằng, đã đến lúc phải có lý tưởng mới để phát triển biển.
Về cơ bản, lý tưởng mới nói về sức mạnh của niềm tin. Và chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng giữa ước muốn đơn thuần và lòng tin thực tế. Sự hoài nghi sẽ đem đến thất bại, trong khi lòng tin sẽ tìm ra cách giải quyết công việc. Ông Tưởng tin rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp ở Việt Nam phải làm được điều này: “Chúng ta cứ nói vươn ra biển lớn nhưng ra như thế nào, làm như thế nào thì vẫn chỉ nói những điều rất chung chung”. Cho nên để “ra biển” một cách thực sự phải có công trình, có nguồn thu rõ ràng và cách vận động đầu tư cụ thể. Chinh phục không gian biển chính là con đường rõ nhất để “vươn ra biển lớn”.
Việt Nam là đất nước có hơn 3.000 km bờ biển. Nhưng không phải nơi nào cũng có thể quy hoạch xây dựng đảo nhân tạo.
Theo ông Tưởng, trong khi những bờ biển như Nha Trang, Phú Quốc có thể đáp ứng được ngay yêu cầu này, nhưng với Hạ Long lại là điều không thể, vì nếu xây đảo nhân tạo sẽ phá vỡ quần thể kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Nói tới không gian biển tức là phải nói đến tầm vóc của một siêu công trình. Nhưng không thể bàn đến quy mô của một siêu công trình nếu chỉ lấn vài hecta biển. “Chỉ làm những dự án thật sự lớn, thật sự đủ tầm vóc chứ không làm những dự án nhỏ”. Đó là một dự án phải có ít nhất vài trăm hecta cho đến hàng chục nghìn hecta. Hiện nay Bãi Dài của Cam Ranh, Khánh Hoà giống như một nhánh cọ trong quần thể đảo cọ của Dubai, từ Bãi Dài này có thể lấn biển theo hình chân vịt. Chúng ta sẽ có những thành phố trên mặt biển với hàng trăm nghìn người ở, hoàn toàn chỉ dành để phát triển du lịch. Cả thế giới cùng đến, làm ăn trên biển và sống trong một không gian văn minh, an toàn.
Thay vì chỉ biết nhìn vào những mặt bằng có sẵn như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà)… – theo ông Tưởng – hãy làm một điều hoàn toàn mới: xây đảo nhân tạo, thiết lập những khu vực phi thuế quan để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Nếu Dubai phải hút cát dưới biển để xây đảo thì Việt Nam lại có thể bạt núi lấy đất. Vừa có mặt bằng trong đất liền, vừa xây dựng được một thành phố ngoài biển.
Người đàn ông có gương mặt tươi sáng này “thuyết minh ý tưởng” với tất cả niềm tin: Ngày xưa cha anh chúng ta “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì tại sao ngày nay không thể lấy tinh thần mạnh mẽ ấy để bạt núi lấn biển. Đôi lúc sáng tạo không phải là điều gì cao siêu mà chỉ cần nhớ tới ngụ ý của cha ông để lại trong những truyền thuyết như Sơn Tinh Thuỷ Tinh: khi cần dâng núi là phải dâng, khi cần hạ là phải hạ.
Câu chuyện mà Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hoà đang nói tới thực sự là một ý tưởng lớn như lời ông quả quyết “nếu sợ sẽ không làm được”. Tham chiếu từ đất nước nhỏ bé Dubai, Tiểu vương quốc này trước khi trở nên thịnh vượng chẳng có gì hết ngoài ý tưởng và sự quyết tâm mãnh liệt để hoàn thành ý tưởng đó.
Vào thời điểm này, khi nhìn lại không gian phát triển du lịch của người Việt, ông Tưởng cho rằng, đến đó cũng là “cạn” ý tưởng, các sản phẩm du lịch cũng vậy. Do đó muốn phát triển du lịch phải làm ra cái mới như xây đảo nhân tạo. Và muốn làm được cái mới, phải dựa vào thế giới. Dubai thực hiện được ý tưởng là biết dựa vào thế giới, trong đó người Mỹ, Đức cùng sáng tạo ý tưởng và huy động vốn, người Hàn Quốc tham gia xây dựng còn người Trung Quốc tham gia nhà thầu. Nhưng để làm những điều hoàn toàn mới, thường thì con người ta luôn đứng trước sự e ngại. Nếu luôn mang theo tâm lý e ngại “thời điểm này không làm được” kết quả vẫn không làm được. Không làm nên không thể nào trả lời được câu hỏi “có làm được hay không”. Cho nên hãy hành động, đừng chờ đợi những điều kiện hoàn hảo. Không riêng gì câu chuyện này, Việt Nam đang cần những nhà đầu tư thực sự lớn. Vấn đề ở chỗ vẫn thiếu cơ chế, chính sách, thiếu không gian cho họ.
Sống trong thế giới hội nhập, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng cho rằng, không thể giữ tư duy “ngăn sông cấm chợ” mà phải giao thương với thế giới.
2. “Khánh Hoà là Xứ Trầm Hương/ Non cao biển rộng người thương đi về” nhắc lại câu ca dao xưa, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hoà ngước mắt nhìn về phía xa, nơi mặt trời ló mình sau đường viền của một đám mây, bồng bềnh trôi như quả cầu lửa. Biển mênh mông nối liền những bờ bãi dài trắng mịn. Những cô bé nghịch tay trên cát, chạy về bỏ lại tòa lâu đài dang dở. Những nốt chân được sóng biển lấp đầy. Sóng vỗ bờ trắng xóa rồi lại tan vào lòng biển.
Trong mỗi người, dường như ai cũng có ít nhất hai quê hương. Ông Nguyễn Văn Tưởng là người Hưng Yên nhưng định mệnh đã đưa ông tìm về Nha Trang với những gắn bó ân tình. “Tôi đã từng đi rất xa để chỉ thấy muốn về nhà nhưng lúc đó tôi chưa biết rằng mình đã yêu Nha Trang nhiều như thế nào”.
Thương hiệu Trầm Hương Khánh Hoà đã được ông gây dựng bằng tình yêu, bằng sự mạnh mẽ của ý chí và quyết đoán trong hành động. “Bắt đầu làm Trầm từ khi còn công tác ở Tây Nguyên nhưng chỉ khi đến Nha Trang, đứng trước Tháp Bà Ana Ponarga -Thiên Y Thánh Mẫu, tôi mới phát hiện ra một điều, nếu muốn phát triển Trầm Hương thì phải làm ở đây vì Khánh Hoà là xứ sở của Trầm”.
Theo truyền thuyết, Mẹ Thiên y Ana Ponagar – Bà Mẹ của xứ sở đã trôi từ biển vào vùng đất này – là tiên giáng trần luôn hoá thân vào Trầm Hương. Trầm Hương là một sản vật được hình thành từ những vết thương của cây dó bầu. Trải qua sự luân chuyển kỳ diệu, những vết thương hút tinh tuý đất trời tự chưng cất cho mình một mùi hương say đắm. Mùi hương mà các tôn giáo trên thế giới đều tôn vinh là “Linh khí của trời đất”.
Trên thế giới chỉ có một số quốc gia có Trầm, đó là: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Sri Lanka… nhưng trong đó có một mùi Trầm vượt lên trên tất cả, mùi thơm tao nhã chính là Trầm Hương Khánh Hoà.
Vùng biển Khánh Hoà là nơi gặp gỡ của hai dòng hải lưu nóng – lạnh, một từ phương bắc xuống và một từ xích đạo ngược lên đã tạo nên một chế độ biển miền nhiệt đới ưu việt cho nhiều tầng, nhiều lớp từ mặt nước đến cực sâu để các loài sinh vật biển định cư và sinh sống. Điều kiện thổ nhưỡng khí hậu này đặc biệt tốt cho việc phát triển các rạn san hô cùng hệ sinh thái, thực vật sống cộng sinh, trong đó có Trầm.
Từ những câu chuyện trong giai thoại truyền thuyết tới những kiến tạo vĩ đại của tự nhiên, riêng Khánh Hoà đã sở hữu một giá trị Trầm Hương duy nhất, không nơi nào có được. Và ông Nguyễn Văn Tưởng đã chọn cho mình sứ mệnh cống hiến, phụng sự cây Trầm Hương, vì sự tiến bộ của ngành Trầm Hương Việt Nam, đưa thương hiệu Trầm Hương Khánh Hoà ATC ra với thế giới!
Mỗi người sinh ra đã mang trong mình một bản ngã, một tâm hồn độc nhất. Trong số vô vàn những tài năng xuất hiện quanh ta, như ông Nguyễn Văn Tưởng có không ít những người cùng giỏi về một phương diện. Nhưng dù có cùng một xuất phát điểm, phát triển trong cùng một hoàn cảnh, thể hiện mình trong cùng một lĩnh vực, ai cũng cố giữ cho mình một màu sắc riêng chứ không làm bản sao của người khác.
“Sống thật với lòng mình hay hóa trang thành một con người khác cũng tùy thuộc vào quyết định của chúng ta. Nhưng khi đi qua những hành trình đời mình, ngoảnh đầu nhìn lại, chúng ta có phải hối tiếc về những lựa chọn của mình hay không, đó mới thật sự là điều quan trọng” – nói rồi ông Tưởng lấy ra một thanh Trầm, ngọn lửa trong tay ông bừng lên mang đến một mùi thơm ám ảnh.
Nếu ai đã được thưởng Trầm bên vịnh Nha Trang trong ánh hoàng hôn với niềm tin về thanh khí lan toả trong cơ thể sẽ khiến tâm hồn thư thái. Mùi Trầm lan toả hư ảo thơm tho hớp hồn người đối diện như bao dung, che chở, như dìu dắt, nâng niu cùng hướng thiện, lắng đọng những yêu thương, cùng mạnh mẽ vươn mình trong suy nghĩ tốt đẹp. Thưởng Trầm giúp nhiều người hiểu được vẻ đẹp vĩnh hằng của mùi thơm. Nếu hiểu “ăn ngon – mặc đẹp” là một nét văn hoá, ông Tưởng từng cho rằng, tại sao không nghĩ đến ngửi thơm? Việc ngửi và hiểu Trầm chính là một cách để chúng ta quay trở lại với “nghệ thuật thưởng Trầm”.
Từ lâu, Trầm Hương Khánh Hoà ATC đã có những sản phẩm tiện ích để giúp khách hàng có thể thưởng Trầm cùng với đó là những sản phẩm như tinh dầu, đồ trang sức, mỹ nghệ, tới đây còn là rượu Trầm, nước hoa Trầm, đặc biệt là những loại thuốc có thể chữa bệnh từ Trầm… đều là những sản phẩm tinh tế được làm ra từ tấm lòng thơm thảo của những con người yêu lao động.
“Tôi đã từng đi dưới mưa giữa tiết trời đông lạnh, đôi chân tê buốt bởi không hề có mảnh dép nào. Lúc ấy tôi vẫn nguyện phải đi đến khu chợ để bán hết những bó rau húng rau mùi mà nhọc nhằn lắm gia đình tôi mới trồng được. Dù cho mưa rét, và đói nhưng tôi đã đến chợ rồi bán hết gánh hàng rau thơm. Năm tháng làm phôi phai nhiều thứ, nhưng những nhọc nhằn ấy thi thoảng vẫn trỗi dậy cồn cào trong tim, tôi lại tìm đến vườn ươm cây dó bầu, vuốt nhẹ từng cánh lá, nâng niu những mầm xanh. Tình yêu lao động của tôi và thế hệ chúng tôi được bắt nguồn như thế, bởi chỉ có lao động mới có an lành, mới có vương miện và có cả tương lai tươi sáng”, – ông Tưởng với tay về phía làn khói những muốn níu lại cho mình chút hương thơm của trời đất. Mùi hương nồng ấm của Trầm vương vít với âm thanh êm dịu của biển cứ thế mê mải trong ý niệm, miên man trong không gian. Nhắm mắt, hít thở, tâm tĩnh lặng, ký ức về những ngày tháng nhọc nhằn trong gian khó chỉ làm cho người đàn ông này mạnh mẽ hơn.
Đó là người chỉ tập trung vào những cái mà mình đang có và nghĩ xem phải giải quyết chúng như thế nào để thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Như một câu danh ngôn “Biết vượt qua nghịch cảnh mới là phẩm chất của sự vĩ đại”.
3. Chúng tôi ngước nhìn ra vịnh Cam Ranh hiền hoà tươi đẹp và cảm nhận biển là môi trường để con người sống và lao động. Biển trở thành triết lý sống, là nơi con người trải nghiệm và hun đúc bản lĩnh.
Người Việt có biển và sở hữu một nền văn hoá biển. Văn hoá biển được hình thành từ nghề đi biển, giao thương biển đến những lễ hội, tập tục, cho tới truyền thống chống giặc ngoại xâm… Văn hóa biển nảy nở trên đất nước này. Người dân vất vả mưu sinh, cả cuộc đời gắn với biển và luôn mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển. Tuy nhiên hiện nay khái niệm về văn hoá biển vẫn còn rất mới mẻ.
Theo ông Tưởng, cốt lõi của văn hoá là con người, ứng xử với văn hoá biển cũng vậy, cần những con người cụ thể có sức ảnh hưởng đến cộng đồng thế giới để truyền tải thông điệp văn hoá của dân tộc. Người ông Tưởng muốn nhắc tới chính là nhà khoa học người Pháp Alexandre Yersin, người sáng lập ra viện Pasteur Nha Trang. Nhưng tại sao lại là Alexandre Yersin mà không phải một người Việt nào khác?
Là người Pháp gốc Thuỵ Sĩ, chỉ một năm sau ngày nhận bằng tiến sĩ, Alexandre Yersin đã đặt chân đến Nha Trang vào năm 1891 và rồi đã phải thốt lên “Tôi không thể rời Nha Trang để đến bất cứ nơi nào khác. Chỉ có ở đây tôi mới có thể cảm thấy thoải mái và thanh thản trong tâm hồn”. 50 năm là công dân danh dự của Khánh Hoà, tại đây Alexandre Yersin đã công bố 55 công trình khoa học. Là người có công đầu tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch, Alexandre Yersin đã sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang và quản lý toàn bộ hệ thống Viện Pasteur ở Đông Dương. Alexandre Yersin cũng là người sáng lập trường y khoa đầu tiên ở Hà Nội và cũng là người khám phá ra cao nguyên Lang Biang, Đà Lạt… Khi ấy, người dân Nha Trang đâu đã biết đến ông như một Alexandre Yersin lẫy lừng thế giới, người đã đẩy lùi căn bệnh dịch hạch. Trong mắt họ, chỉ có một “ông Năm” tốt bụng, quý trẻ con và chữa bệnh miễn phí cho làng chài nghèo khổ.
Nhắc đến Alexandre Yersin là nói tới một nhà khoa học chân chính, nhà khoa học vĩ đại mà vị tha, một con người nhân ái, một người con hiếu thảo và một nhà thám hiểm tài ba. Suốt cả cuộc đời, Alexandre Yersin cống hiến tất cả cho nghiên cứu khoa học và cho đất nước Việt Nam – nơi mà ông xem như là quê hương của mình. Cho nên chỉ riêng cái tên Alexandre Yersin đã mang một giá trị của cả thế giới vì những gì ông làm cho sự phát triển của thế giới và tiến bộ của loài người. “Cần phải lan toả những không gian văn hoá Yersin bằng việc đặt tượng nhà khoa học này trên các đảo của Khánh Hoà để chúng ta khẳng định với thế giới: Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hoà bình, tôn trọng tài năng và trí tuệ”, – ông Nguyễn Văn Tưởng khẳng định.
Một yếu tố văn hoá khi trở thành biểu tượng đã chứa đựng nhân cách, tinh thần của dân tộc ở trong đó. Alexandre Yersin là biểu tượng của hoà bình, là giá trị nhân văn mà đã là giá trị nhân văn thì cả thế giới sẽ tôn trọng, đề cao và bảo vệ.
Nhìn về biển ông Tưởng cho rằng đó là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận khi con người và biển có chung những rung động sâu kín và tinh tế. Biển và văn hoá biển bộc lộ rõ sức mạnh phi thường của dân tộc, nhưng tại sao biển vẫn chưa làm thay đổi cuộc sống con người, làm cho dân tộc trở nên giàu có?
Không phải quốc gia nào có biển cũng đều giàu có, nhưng Nha Trang đang sở hữu những vị trí mà trên thế giới không phải nơi nào cũng có được.
Chúng ta luôn nói về sự độc đáo và đột phá vậy cái gì mới là độc đáo và đột phá thật sự nếu như không phải là chinh phục những không gian biển – xây đảo nhân tạo.
Trong nhiều đêm thức trắng, người đàn ông này vẫn chỉ nghĩ về một tam giác trên biển của Nha Trang. Làng Hoà Bình và Sáng tạo Nha Trang nối với đảo Vinpearl nối với đảo nhân tạo bằng một cây cầu rồi trở về đường Phạm Văn Đồng. Người dân được sống trong một thành phố yên bình, còn khu du lịch sẽ nằm ngoài biển. Đó sẽ là những nơi đặc biệt của Việt Nam. Đất là của Việt Nam nhưng không gian phát triển là của chung nhân loại. Thế giới trong lòng Việt Nam sẽ có sự ảnh hưởng lớn đến tư duy phát triển của đất nước.
“Chúng tôi đã và đang triển khai các dự án của Làng Hoà Bình và Sáng tạo Nha Trang (I@Nha Trang) theo hướng này, – ông Tưởng khẳng định. – I@Nha Trang là nơi vinh danh những sáng tạo văn hoá, công nghệ mới đóng góp cho nhân loại hoà bình và nhân ái. I@Nha Trang cũng là nơi để cộng đồng sáng tạo trên toàn thế giới chia sẻ, bàn luận. I@Nha Trang sẽ là điểm đến để thưởng ngoạn, nghỉ ngơi và sáng tạo”.
Một trong những điểm nhấn của năm 2018 là Viện Y sinh Việt Nam – Hoa Kỳ được thành lập tại TP Nha Trang. Đây là trụ sở đầu tiên của Viện MD Anderson Hoa Kỳ tại châu Á. Viện MD Anderson Hoa Kỳ là nơi tiên phong trong công nghệ giải mã gien thế hệ mới. Công nghệ này hiện đang dẫn đầu thế giới về hiệu quả lâm sàng trong phát hiện và điều trị sớm ung thư.
4. Cuộc sống là một hành trình dài tìm kiếm, khám phá những điều mới mẻ, thú vị. Ngay cả khi những ánh nắng cuối cùng của buổi chiều dần lặn trên mặt biển, bầu trời chuyển từ vàng sang đỏ lựng rồi tím ngắt chính là thời khắc ta như nếm được cả mùi vị của đại dương. Vị mặn của biển đã thấm đẫm trong các huyền thoại cũng như sự thật khảo cổ. Muôn đời biển vẫn bao la, bí ẩn và đầy khao khát chinh phục. Nếu hiểu lý tưởng chinh phục không gian biển của ông Nguyễn Văn Tưởng là khát vọng thì đôi khi yếu tố chính đem lại thành công cho mỗi người chỉ đơn giản là khát vọng đạt được thành công đó.
Theo Tinh Hoa Việt – Đại Đoàn Kết:
http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/chinh-phuc-khong-gian-bien-tintuc429438