Cần có tầm nhìn toàn cầu để xây dựng nền kinh tế sáng tạo.
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng (ngoài cùng bên trái) tặng bà Vaira Vike-Freiberga - Chủ tịch câu lạc bộ Madrid, cựu Tổng thống Litva chiếc quạt trầm hương.
Trở về từ diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tưởng đã trao đổi với nhân dân hằng tháng chung quanh những vấn đề của Trí tuệ nhân tạo và làm thế nào để xây dựng nền kinh tế sáng tạo ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tưởng chia sẻ: Club de Madrid là một tổ chức phi lợi nhuận, độc lập với nhiều dự án phát triển cộng đồng, phòng chống các phong trào cực đoan và giải quyết những vấn đề phát triển. Diễn đàn năm nay, các đại biểu đã thảo luận về Chuyển đổi số (Digital Transformation) - xu hướng chủ đạo sẽ làm thay đổi và chi phối diện mạo thế giới trong kỷ nguyên 4.0. Nhận thức được tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) cũng như những tác động của nó đến xã hội loài người. Không giống như những vấn đề an ninh truyền thống, trí tuệ nhân tạo có sức mạnh và khả năng tác động tới mọi mặt của đời sống theo phương thức và mức độ chưa từng có. Biên giới, luật lệ và các phương thức bảo vệ xưa nay đều không thể hiện được hiệu quả tương xứng trong việc quản lý sự phát triển AI cũng như các vấn đề song hành với nó. Nhiều vấn đề đã hiện hữu gây khó khăn cho các chính phủ và cộng đồng như nguy cơ từ các phần mềm nhận diện gương mặt, việc sử dụng thông tin cá nhân của Facebook, Google hay các đơn vị khác để tác động lên hành vi mua bán của người dùng, v.v. Các nhà lãnh đạo bàn câu chuyện quản trị trí tuệ nhân tạo và tạo lập những quy ước trí tuệ nhân tạo. Họ muốn tìm một ngôn ngữ chung, quy ước chung trên toàn cầu cho vấn đề của AI để tất cả đều tuân thủ luật chơi.
Tại diễn đàn của liên minh các cựu lãnh đạo thế giới, với tư cách là Chủ tịch HĐQT công ty Trầm hương Khánh Hòa, đại diện duy nhất của giới doanh nhân Việt Nam, ông đã có phát biểu gì?
Mọi người biết đến tôi với tư cách là Chủ tịch của Trầm Hương Khánh Hòa ATC - người đưa thương hiệu Trầm Hương Khánh Hòa của Việt Nam ra thế giới. Tại đây, tôi đã kể câu chuyện về trầm hương - được tạo thành một cách kỳ diệu - một thân cây bị tổn thương được hun đúc bởi nắng, gió và các điều kiện tự nhiên đặc biệt. Trầm hương là hương của trời - đất, là kết quả sự tích tụ linh khí trời - đất qua hàng nghìn, hàng triệu năm, có mùi thơm tinh khiết, có khả năng khai mở tri giác và tâm thức con người. Khánh Hòa của Việt Nam có vùng khí hậu vô cùng đặc biệt, là nơi giao nhau của hai dòng hải lưu nóng và lạnh, đã sản sinh loại trầm hương tốt nhất thế giới, từng được săn lùng bởi tất cả các thương gia trên Con đường Tơ lụa xuyên Đông - Tây thời cổ đại. Câu chuyện về trầm hương cũng là câu chuyện của Việt Nam: trải qua đau thương, vẫn luôn là một dân tộc nhân ái, ưa chuộng hòa bình.
Bàn về AI, quan điểm của tôi là: Chúng ta không thể chỉ chạy theo sự phát triển của AI mà không tính đến tác động (cả tích cực và tiêu cực) của những “khối óc không có trái tim”. Giống như trầm hương đã kết nối tâm hồn hướng thiện của nhiều tôn giáo, tôi hy vọng chúng ta hãy kết nối với nhau, cùng hướng tới một tương lai nhân ái, hòa bình, vượt qua khác biệt và toan tính riêng. Chỉ có như vậy, thành quả mà chúng ta tạo ra, trong đó có AI, mới thật sự không xâm phạm lợi ích của nhau, góp phần cho sự phát triển của nhân loại. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được giải pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề có thể phát sinh trong xã hội chuyển đổi số ở quy mô và mức độ chưa từng có như hiện nay.
Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về cơ hội của Việt Nam trong sự phát triển mau lẹ của trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
AI không có biên giới. Chúng ta cũng cần biết trước để học hỏi, thích nghi, hòa nhập vào không gian trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn đang đi sau, nhưng nếu chúng ta tụt lại trong cuộc cách mạng 4.0 và trí tuệ nhân tạo thì nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Tại diễn đàn này, người ta đã dành rất nhiều mỹ từ để ca ngợi các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo như “đạt đến trình độ tuyệt mỹ”, “siêu rẻ”. Nếu chúng ta không tham gia vào cuộc chơi này, chúng ta sẽ bị tụt hậu. Các doanh nghiệp của Việt Nam có tầm nhìn hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi giá trị của AI. Không chỉ đơn giản là những cái máy, AI sẽ là một thực thể đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ sản xuất viên thuốc, sản xuất cái kim sợi chỉ cho tới những vấn đề to lớn như vũ trụ, vũ khí, sinh học, hóa học. Đó là một sự thay da đổi thịt về khoa học công nghệ. Ở chừng mực nào đó, nó còn hơn cả cách mạng công nghệ vì người ta không thể nào hình dung được hết kịch bản về trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng tới đời sống như thế nào trong tương lai. Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những sản phẩm mới đẹp, nhanh, giá phù hợp, với cấp độ cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường, điều này cũng đặt ra những giải pháp quản trị trí tuệ nhân tạo.
Câu hỏi đặt ra là với trình độ khoa học công nghệ hiện tại chúng ta làm sao bắt kịp trí tuệ nhân tạo? Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách phải gắn với người dân, mang lại lợi ích cho dân nhưng cũng hợp tác được với toàn cầu về vấn đề trí tuệ nhân tạo. Chính phủ cần truyền thông mạnh mẽ về những vấn đề của trí tuệ nhân tạo để người dân dần có cái nhìn bài bản, khoa học về vấn đề này thì sau đó sẽ hình thành ngành kinh tế về trí tuệ nhân tạo.
Cần cụ thể rõ ràng về vấn đề ứng dụng 4.0 cho từng ngành, thí dụ sản xuất nông nghiệp trước đây là cơ giới hóa, nhưng bây giờ 4.0 sẽ là gì? Lựa chọn công nghệ nào? Rất nhiều câu hỏi đặt ra cần giải đáp. Tất cả những điều này chúng ta cần có chuẩn bị trước.
Từ câu lạc bộ Madrid, ông nghĩ gì về con đường xây dựng nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam?
Đi ra thế giới mới nhận thấy cần phải làm ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, sáng tạo cao để có giá trị cao. Những doanh nghiệp tham gia diễn đàn này đều thuộc tốp đầu thế giới, họ đến để quảng bá sản phẩm, nói về năng lực của công ty, tiếp cận với những cựu lãnh đạo thế giới vốn có sức ảnh hưởng lớn tới các chính phủ của các nước.
Tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam cần có tầm nhìn toàn cầu, phải chủ động vươn ra thế giới, tiếp cận những diễn đàn toàn cầu như câu lạc bộ Madrid, tiếp cận xu hướng công nghệ và thị trường mới.
Phát triển kinh tế sáng tạo phải dựa trên những sản phẩm chúng ta có mà thế giới không có. Vấn đề nữa là phải tư duy thiết kế sản phẩm đó sao cho tinh tế, đẳng cấp, tiện ích. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, sản vật quý với tính đặc hữu, bản địa cao. Vấn đề là các sản phẩm đó được làm như thế nào, mà điều này liên quan tới việc ứng dụng 4.0. Phải tạo sự khác biệt, sản phẩm phải mang thông điệp quốc gia, văn hóa dân tộc và phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chẳng hạn như trầm hương của Việt Nam được đánh giá là sản phẩm vừa kết tinh văn hóa cổ xưa của dân tộc, mang thông điệp văn hóa sâu sắc, có tính bản địa cao kết nối với các giá trị hiện đại. Tại diễn đàn, nhiều người rất ấn tượng với sản phẩm trầm hương và cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia trầm hương với văn hóa thiền trầm độc đáo.
Họ ghi nhận và ủng hộ sáng kiến của chúng tôi, cam kết đồng hành cùng chúng tôi trong một chương trình nghị sự mới sẽ tổ chức ở Đại học Havard Hoa Kỳ bàn cụ thể hơn những vấn đề của trí tuệ nhân tạo.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/can-co-tam-nhin-toan-cau-de-xay-dung-nen-kinh-te-sang-tao-post579457.html