Các hoạt động Tâm linh không thể nằm ngoài quy định của pháp luật – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

Các hoạt động Tâm linh không thể nằm ngoài quy định của pháp luật

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty Trầm Hương Khánh Hòa đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến sự biến tướng, trục lợi văn hóa tâm linh diễn ra vào đầu năm mới. 

Cần chuẩn hóa văn hóa tâm linh

Ông nghĩ gì về hiện tượng đầu năm mới hiện tượng dâng sao giải hạn biến tượng thành dịch vụ trục lợi, nhiều người đua chen nhau vào chùa khấn vái nhét tiền vào tay Phật để cầu xin?

Hiện tượng dâng sao giải hạn nở rộ trong nhiều chùa đầu năm mới rõ ràng đi ngược lại giáo lý Phật giáo, trong đó có luật nhân quả với quan niệm nếu gieo hạt, vun trồng mới được gặt hái, đó là chân lý để nhắc nhở con người sống tốt hơn. Việc đổ xô đi dâng sao giải hạn thể hiện một nhận thức lệch lạc, một niềm tin mù quáng, mặc dù không có trong giáo lý Phật giáo nhưng nhiều nhà chùa vẫn thực hiện việc này như một dịch vụ để kiếm tiền trục lợi. Nếu ai cũng xin được, “giải” được thì cả đất nước này còn lại lao động để tạo dựng giá trị cuộc sống? Không thể có chuyện anh ra đường thiếu ý thức chấp hành luật giao thông nhưng lại nghĩ “tôi dâng sao giải hạn rồi, đi thoải mái”.”

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch HĐQT Công Ty Trầm Hương Khánh Hòa

Theo tôi, nguyên nhân của hiện tượng này là vì chúng ta thiếu giáo dục về văn hóa tâm linh. Người ta quan niệm có những ngôi sao chiếu mệnh mỗi năm, sao xấu sao tốt đều ảnh hưởng tới họ và có thể “giải”. Nhưng nếu chúng ta đưa vào sách giáo khoa làm rõ câu chuyện các vì sao dưới góc độ khoa học, thiên văn học thì hiện tượng dâng sao giải hại theo thời gian sẽ hạn chế được rất nhiều. Dư luận cũng không nên phê phán những người mê muội tìm đến các chốn tâm linh để “hối lộ thánh thần”, thực ra họ cũng rất đáng thương vì thiếu hiểu biết. Người Việt cần nhìn nhận lại và cùng nhau xây dựng văn hóa tâm linh, dựa trên tri thức văn minh của nhân loại.

Tôi cho rằng cần có những giáo trình giáo dục cặn kẽ về văn hóa tâm linh của dân tộc, đưa vào sách giáo khoa. Văn hóa tâm linh cần được chuẩn hóa từ những hành vi cụ thể ở những chốn tâm linh, từ cách cúng vái lạy thế nào cho đúng trước bàn thờ Phật, trước bàn thờ tổ tiên. Ở chốn tâm linh, luôn cần cái tâm trong sáng, những hành động cử chỉ nghiêm cẩn, tinh tế, xa lạ với các hành vi thô lậu như nhét tiền vào tay Phật, dẫm đạp lên nhau, hay hương đang cháy dở ở lư hương của chùa thì nhổ ra dập tắt. Rất phản cảm. Đó là những hành vi báng bổ tâm linh.

Như vậy, theo ông sự hiểu biết về văn hóa tâm linh của dân tộc nói chung và của nhiều người hiện nay nói riêng đang còn có những hạn chế?

Thực tế hiện nay, rất nhiều người không phân biệt được đình, chùa, miếu mạo khác nhau thế nào, cứ thấy cái mái cong cong nghĩ là chùa. Một số nơi đang xây đình giống chùa. Nhiều người thiếu kiến thức về văn hóa tâm linh.

Chúng ta gần như chưa giáo dục học sinh, giới trẻ về văn hóa tâm linh. Chính vì vậy, cần đưa vào sách giáo khoa môn học về văn hóa tâm linh của dân tộc (hoặc văn hóa tâm linh được tích hợp vào môn Giáo dục công dân). Ít ra, học trò phải nhận thức và phân biệt được đình là gì, để làm gì, chùa để làm gì, khác gì với miếu, với am (đình – chùa – miếu – am khác nhau như thế nào về kiến trúc và chức năng). Nhưng chương trình sách giáo khoa hiện nay chưa đề cập đến vấn đề này.

Các nhà văn hóa cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa tâm linh như tục thờ mẫu hay tín ngưỡng đa thần, nhưng phổ cập và chuẩn hóa ở tầm quốc gia để xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức tâm linh thì chưa có.

Tôi cho rằng để tránh cho con người lầm đường lạc lối về tâm linh, thì cần chuẩn hóa văn hóa tâm linh, bộ máy vận hành ở trong các cơ sở tâm linh, trong có có cả vấn đề luật hóa. Ví dụ, nếu một ngôi đền không đáp ứng đủ các quy định thì không được mở cửa đón khách, hoặc đang mở của đón khách nhưng vi phạm những quy định, làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, đến cộng đồng dân cư, thì cũng phải đóng cửa và ban trị sự, ban quản ý ở đó phải chịu trách nhiệm.

Từ không gian kiến trúc đến con người làm công việc tâm linh hay các cách thức vận hành công trình tâm linh, cơ chế tài chính đều chuẩn hóa và phải công khai minh bạch. Làm được như vậy, thì chúng ta sẽ xây dựng văn hóa tâm linh tốt lên và những cơ sở tâm linh tốt sẽ ngày càng lan tỏa những điều tốt đẹp, còn những nơi lợi dụng tâm linh để trục lợi sẽ bị người dân xa rời. Làm chùa mới, thờ ai, ở đâu, cao thấp ngắn dài, màu sắc thế nào cũng cần có những quy định cụ thể. Nếu không sẽ không thể hiện được bản sắc của dân tộc, lại đưa “hàng nhái”, lai căng kiến trúc về. Việc chuẩn hóa như vậy cũng tránh được hiện tượng cô này chết đuối, cậu kia chết vì tai nan giao thông, nhiều nơi người ta cũng tự huyễn hoặc ra lập miếu cúng bái thu tiền, tạo nên hình ảnh xấu xí về nhận thức tâm linh.

Nhiều cơ sở tâm linh để lọt vào những người lười lao động, thích hưởng thụ, quản lý lỏng lẻo để họ dễ dàng làm những việc khuất tất. Cuộc đời với các trạng thái tâm lý hỉ nộ ái ố là bình thường, nhưng nhiều người tìm đến chốn tâm linh, tìm đến thần phật để có sức mạnh tinh thần, vươn lên trong cuộc sống, hoan hỷ, hướng thiện chứ không phải lợi dụng tâm linh để dẫn dắt họ, đưa người ta vào những trạng thái lo lắng, hoang mang để trục lợi.

Chính vì vậy, tất cả phải đặt dưới sự quản lý của pháp luật, những cơ sở, công trình tâm linh đang hoạt động cũng không thể nằm ngoài quy định của pháp luật. Thực tế hiện nay đã xuất hiện một số tà đạo, nếu pháp luật không can thiệp, xử lý thì sẽ rất nguy hiểm.

Dĩ nhiên, ứng xử với tâm linh cũng nên tránh sự cực đoạn, như quan điểm không nên thắp hương. Hương là phương tiện kết nối con người với thế giới tâm linh, thì không nên bỏ sự kết nối. Tất nhiên, không nên đốt hương mùn cưa tẩm hóa chất, ảnh hưởng tới sức khỏe. Chúng ta không ủng hộ việc đốt vàng mã bừa bãi, lãng phí, nhưng cũng phải làm sao khôi phục được những nét đẹp trong văn hóa của cha ông để lại, như văn hóa thưởng trầm.

Tôi cho rằng khi văn hóa tâm linh được thực hiện bài bản thì có nghĩa là xã hội được thiết lập hết sức văn minh. Bởi vì văn hóa tâm linh dẫn dắt nhiều góc độ của cuộc sống, hướng con người tới cái thiện, tránh điều ác.

Nhiều hủ tục vẫn tồn tại trong các lễ hội

Ông nhìn nhận thế nào về nhiều lễ hội hiện nay đang trở nên lộn xộn, đánh mất giá trị văn hóa tâm linh nguyên bản, thuần khiết mà thay vào đó là sự thương mại hóa để chạy theo tâm lý hám danh, hám lợi của một số người?

Việc bùng nổ lễ hội là do chúng ta thực hiện nhiều chính sách chưa đúng. Nhiều hủ tục vẫn tồn tại trong nhiều lễ hội nhưng lại được xem là nét văn hóa của vùng đất ấy và được ca ngợi, thêu dệt. Nhiều cơ sở tâm linh không được quản lý tốt, nhếch nhác, bẩn thỉu, thịt thú rừng bán ngay trước cổng chùa.

Người dân đổ xô đi dâng sao giải hạn đầu năm gây nên những hình ảnh phản cảm

Một số lễ hội đánh trúng tâm lí thích thăng quan tiến chức như lễ khai ấn đền Trần. Chuyện thăng quan tiến chức không phải chuyện mua bán hay xin cái ấn là được. Đó là sự hoang đường về mặt nhận thức, và từ đó họ tìm đến những sự hoang đường khác như cái ấn để được thăng tiến. Đức tin đã không được đặt đúng chỗ. Vừa rồi, đã có nhiều cán bộ bị xử lý vì vi phạm pháp luật, và trong đó tôi nghĩ có người đã từng xin “ấn”, nhưng không thể thoát được luật nhân quả.

Nếu so sánh văn hóa tâm linh bây giờ so với thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước, ông có những nhận định gì và theo ông vì sao chúng ta đang xa rời thứ văn hóa tâm linh nguyên bản, thuần khiết?

Thời tôi mới lớn lên, vào những thập niên 70-80 của thể kỷ trước, đất nước nghèo, không có những công trình tâm linh lớn và người dân đến chùa chay tịnh hơn với cái tâm trong sáng. Bây giờ số người đến chùa ngày một đông, không gian tâm linh không đủ chứa, sự mê muội bắt đầu xuất hiện. Trong khi đạo đức xã hội có những dấu hiệu sa sút, con người thiếu gắn kết với nhau, mải mê với các giá trị vật chất – giá trị vật chất là tốt, nhưng nhận thức về vật chất lệch lạc.

Chúng ta nhìn thấy hàng loạt các công trình xây dựng chưa được đẹp, trong đó có các công trình tâm linh không được chuẩn hóa, ai thích làm to thì to, ai thích làm bé thì bé, ai thích thờ thần gì thì đặt thần ấy vào, không khác gì một nồi lẩu thập cẩm. Điều đó cũng dẫn tới đạo đức tâm linh xuống cấp theo. Việc cầu nguyện phải được đặt trong những không gian tâm linh phù hợp. Vào chốn tâm linh cũng cũng không thể váy ngắn, quần cộc , trang phục không phù hợp không những gây phản cảm mà đây còn là vấn đề đạo đức.

Vào chùa nhưng ít thấy những ký tự về đạo đức tâm linh, thông điệp tâm linh, hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ mà chỉ thấy những con số như chùa này xây hết bao nhiêu tiền, tượng này độc đáo, chuông kia đặc biệt thế nào. Vào chùa ít thấy những cuốn sách về chân lý Phật giáo mà lại có nhiều cuốn sách như cách xem ngày đẹp, giờ đẹp, tử vi, tướng số, xem năm các con giáp.

Con người ta có tâm và có tưởng, tưởng tức là những suy nghĩ ở trong tâm, đến chùa là để hướng vào vị Phật trong lòng, để thắp một nén tâm nhang, chứ không phải đua nhau khấn vái tạo nên một mớ âm thanh hỗn tạp, trong khi đó người ta cần không gian yên tĩnh để mọi người cùng hướng tâm. Cho nên tôi đồng tình với ai đó cho rằng người Việt Nam đang bỏ quên ngôi chùa thiêng liêng nhất đó là cái tâm của mình, ngôi chùa trong lòng mình, đánh mất sự kết nối với chính mình.

Xin cảm ơn ông!

 

Một số lễ hội đánh trúng tâm lí thích thăng quan tiến chức như lễ khai ấn đền Trần. Chuyện thăng quan tiến chức không phải chuyện mua bán hay xin cái ấn là được. Đó là sự hoang đường về mặt nhận thức, và từ đó họ tìm đến những sự hoang đường khác như cái ấn để được thăng tiến. Đức tin đã không được đặt đúng chỗ. Vừa rồi, đã có nhiều cán bộ bị xử lý vì vi phạm pháp luật, và trong đó tôi nghĩ có người đã từng xin “ấn”, nhưng không thể thoát được luật nhân quả.

Nếu so sánh văn hóa tâm linh bây giờ so với thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước, ông có những nhận định gì và theo ông vì sao chúng ta đang xa rời thứ văn hóa tâm linh nguyên bản, thuần khiết?

Thời tôi mới lớn lên, vào những thập niên 70-80 của thể kỷ trước, đất nước nghèo, không có những công trình tâm linh lớn và người dân đến chùa chay tịnh hơn với cái tâm trong sáng. Bây giờ số người đến chùa ngày một đông, không gian tâm linh không đủ chứa, sự mê muội bắt đầu xuất hiện. Trong khi đạo đức xã hội có những dấu hiệu sa sút, con người thiếu gắn kết với nhau, mải mê với các giá trị vật chất – giá trị vật chất là tốt, nhưng nhận thức về vật chất lệch lạc.

Chúng ta nhìn thấy hàng loạt các công trình xây dựng chưa được đẹp, trong đó có các công trình tâm linh không được chuẩn hóa, ai thích làm to thì to, ai thích làm bé thì bé, ai thích thờ thần gì thì đặt thần ấy vào, không khác gì một nồi lẩu thập cẩm. Điều đó cũng dẫn tới đạo đức tâm linh xuống cấp theo. Việc cầu nguyện phải được đặt trong những không gian tâm linh phù hợp. Vào chốn tâm linh cũng cũng không thể váy ngắn, quần cộc , trang phục không phù hợp không những gây phản cảm mà đây còn là vấn đề đạo đức.

Vào chùa nhưng ít thấy những ký tự về đạo đức tâm linh, thông điệp tâm linh, hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ mà chỉ thấy những con số như chùa này xây hết bao nhiêu tiền, tượng này độc đáo, chuông kia đặc biệt thế nào. Vào chùa ít thấy những cuốn sách về chân lý Phật giáo mà lại có nhiều cuốn sách như cách xem ngày đẹp, giờ đẹp, tử vi, tướng số, xem năm các con giáp.

Con người ta có tâm và có tưởng, tưởng tức là những suy nghĩ ở trong tâm, đến chùa là để hướng vào vị Phật trong lòng, để thắp một nén tâm nhang, chứ không phải đua nhau khấn vái tạo nên một mớ âm thanh hỗn tạp, trong khi đó người ta cần không gian yên tĩnh để mọi người cùng hướng tâm. Cho nên tôi đồng tình với ai đó cho rằng người Việt Nam đang bỏ quên ngôi chùa thiêng liêng nhất đó là cái tâm của mình, ngôi chùa trong lòng mình, đánh mất sự kết nối với chính mình.

https://tienphong.vn/cac-hoat-dong-tam-linh-khong-the-nam-ngoai-quy-dinh-cua-phap-luat-post1097778.tpo

Xin cảm ơn ông!