Bản quy hoạch tinh hoa cho cả hiện tại và tương lai
Bài phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hòa ATC.
“Càng hiểu về đất nước, về thế giới, tôi càng khát khao và tin tưởng về một Việt Nam rực rỡ, sánh vai với các cường quốc năm châu”. Là một doanh nhân tâm huyết với ngành Trầm Hương Việt Nam, là một người yêu biển, yêu thương mảnh đất Khánh Hòa như quê hương thứ hai và là một người con Việt Nam yêu Tổ quốc tha thiết, thành công của công việc kinh doanh, hạnh phúc của đời sống cá nhân ông không bao giờ tách rời khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Trong dịp đầu xuân 2023, một cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tưởng về câu chuyện quy hoạch cho tương lai gợi mở nhiều sáng kiến và năng lượng mới mẻ hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch công ty Trầm Hương Khánh Hòa ATC
Thưa ông, khi nhắc đến quy hoạch chúng ta đều hiểu đó là câu chuyện cho dài hạn. Nhưng dài hạn cụ thể là 5 năm, 10 năm hay 30 - 50 năm và chẳng lẽ khi "đến hạn" chúng ta lại phải tiếp tục sửa đổi quy hoạch nữa hay sao? hạ tầng và kết cấu xã hội của chúng ta liệu có đủ "dẻo dai" để trải qua quá nhiều thay đổi quy hoạch?
Trong quy hoạch phát triển của cá nhân, 5 -10 năm có thể coi là dài, nhưng trong quy hoạch vĩ mô của một vùng, một quốc gia, đương nhiên, không thể nói 5 -10 năm là dài. Đối với một chiến lược gia, khi quy hoạch một định hướng phát triển, một thành phố, một tỉnh hay một quốc gia, đó phải là chặng đường tính bằng thế kỷ (100 năm trở lên). Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay khi mà những thay đổi đang trở nên khó lường hơn bao giờ hết, tôi nghĩ có thể lường trước được những thay đổi trong 50 năm để giải bài toàn quy hoạch cho trọn vẹn đã là rất thành công.
Tôi không lo lắng về độ linh hoạt hay “dẻo dai” của kết cấu xã hội vì bản chất xã hội là luôn biến động. Chỉ cần so sánh giữa hai thế hệ cách nhau khoảng 10 năm - điển hình là giữa GenY (những công dân sinh trong giai đoạn 1981-1996) và GenZ (nhưng công dân sinh trong giai đoạn 1997-2012) - chúng ta đã thấy vô vàn những khác biệt điển hình. Ví dụ như, thế hệ GenZ có tương tác nhạy bén hơn hẳn trên các nền tảng mạng xã hội. Hầu hết kiến thức mà họ tiếp thu cũng đến từ các nền tảng này và đến từ bạn bè, chứ không phải từ sách vở hay từ bậc tiền bối trong gia đình. Đối với họ, hình ảnh các cuộc chiến tranh, xung đột, đói kém hay rào cản từ biên giới các quốc gia là hoàn toàn xa lạ. Thế giới trong mắt thế hệ Z là không biên giới và được phản ánh khá trọn vẹn thông qua xã hội số chứ không phải qua lăng kính của các kênh thông tin truyền thống như với thế hệ Y.
Như vậy, các thành viên của xã hội con người sẽ có cách thích nghi rất nhanh với các thay đổi của quy hoạch. Tuy nhiên, hạ tầng và tự nhiên là yếu tố có khả năng thay đổi chậm, nếu không muốn nói là rất chậm. Và quả thực, quy hoạch thay đổi theo chu kỳ 50 năm là một áp lực vô cùng lớn lên hạ tầng cũng như tự nhiên. Thay đổi thì lãng phí mà không thay đổi thì bất hợp lý – một tình thế tiến thoái lưỡng nan điển hình mà rất nhiều quốc gia đã, đang và vẫn sẽ còn gặp phải.
Đây chính là điều khiến tất cả các chiến lược gia e ngại khi đương đầu với bài toán quy hoạch. Liệu có giải pháp gì cho tình thế này không thưa Ông?
Điều tối quan trọng là phải định vị được ưu tiên phát triển. Qatar là quốc gia đã làm rất tốt câu chuyện định vị và giải quyết các vấn đề phát triển theo thứ tự ưu tiên. Đặc biệt, trong kỳ World Cup vừa rồi, khi cả thế giới hướng về những trận cầu đỉnh cao, họ lại càng chứng tỏ được năng lực định vị và giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng Qatar xác lập vị thế ưu tiên như sau: (1) các vấn đề sống còn, cấp thiết, có ảnh hưởng đến sự tồn vong, cơm ăn áo mặc của người dân và sự tồn vong quốc gia, (2) các vấn đề có ảnh hưởng tới ổn định trong lâu dài, không cấp thiết nhưng vẫn cần phải giải quyết nếu không muốn thế hệ tương lai phải gánh chịu như xã hội, sức khỏe, giáo dục, hưu trí và (3) các vấn đề có tác động nhất thời như chính kỳ World Cup vừa rồi.
Với nhóm vấn đề thứ nhất, ngay khi bắt đầu được độc lập vào năm 1971, Qatar đã có chiến lược sở hữu, phân phối nguồn lực có thể giúp đất nước mình vững vàng trên bàn cờ thế giới – đó là dầu mỏ và khí đốt. Cùng lúc đó, chiến lược quy hoạch phát triển các thành phố và công trình nhân tạo trên biển, trên sa mạc được ngay lập tức thi hành để tạo ra một vùng đất “an cư, lạc nghiệp” cho người dân và thu hút nhân lực tinh hoa từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến tháng 9/2022, nguồn lao động nhập cư tại Qatar là 2 triệu người, chiếm tới 95% tổng số lao động tại quốc gia vỏn vẹn 3 triệu dân này. Điều đó cho thấy, đây là một điểm đến mà nhiều lao động hướng đến, ước mơ được đến và sẵn sàng đầu tư công sức, chất xám tại đây.
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak thăm công ty Trầm Hương Khánh Hòa tháng 8 năm 2022
Ăn sáng cùng Thủ tướng Na Uy - Ông Kjell Magne Bondevik
Với nhóm vấn đề thứ hai và thứ ba, Qatar có cách xử lý rất tài tình. Bên cạnh việc điều phối nguồn thu nhập quốc gia cho các chính sách xã hội, Qatar tận dụng cả những sự kiện mang tính nhất thời nhưng tạo được hiệu ứng và áp lực tích cực cho quá trình phát triển như World Cup để phục vụ phục vụ cho mục tiêu lâu dài và tránh lãng phí. Cụ thể, nhiều sân vận động được cải tiến tạm thời để tăng sức chứa trong kỳ World Cup nhưng sẽ được thu gọn phạm vi hoặc thay đổi mục đích sử ngay sau khi sự kiện thể thao này kết thúc. Các trang thiết bị sử dụng để cải tiến và tăng sức chứa như hệ thống khoang container, ghế băng có thể tháo rời sẽ được trao tặng cho những tổ chức, những quốc gia đang cần hoặc được tái sử dụng ở ngành khác. Đối với các hợp phần xây dựng mới, thiết kế của không gian mới được tính toán để có thể chuyển đổi cho phù hợp với các mục tiêu dài hạn. Phải kế đến mô hình Sân vận động quốc tế Khalifa. Tại đây, nhiều phần không gian phía bên trong mái vòm không hề bị lãng phí khi không có giải đấu mà được tận dụng để phát triển thành Học viện Thể thao Aspire, Bệnh viện Y học Thể thao Aspetar và Trung tâm Thủy sinh Hamad Limitless. Đối với sân vận động Lusail tại thành phố Lusail - nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2022, chính quyền Qatar đã có kế hoạch chuyển đổi nơi này thành trung tâm cộng đồng với trường học, cửa hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao và phòng khám sức khỏe sau World Cup như một phần trong cam kết phát triển bền vững của Qatar.
Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và ông Nguyễn Văn Tưởng chụp hình lưu niệm với cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên Đảo Trường Sa lớn trong chuyến thăm và làm việc tại Quần Đảo Trường Sa tháng 4 năm 2022
Đại tá Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa tặng Kỷ niện chương cho Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa ATC
Như vậy, nếu như có thể định vị được thứ tự ưu tiên một cách chính xác, chúng ta sẽ đảm bảo được những mục tiêu sống còn, vẫn hoàn tất những mục tiêu ngắn hạn trong khi vẫn tạo ra cơ hội để đạt được cái dài hạn. Không có sự hy sinh hay đánh đổi, chỉ có cơ hội được tạo ra mà thôi. Trình tự ưu tiên này của Qatar, tôi cho rằng, không có khác biệt gì so với phần đông các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, điều khiến họ trở nên ưu việt không phải là ở tiềm lực tài chính mà là ở sáng kiến, tinh thần dám nghĩ dám làm. Khi có sáng kiến làm tiên phong, các nguồn lực sẽ hội tụ để định hình giải pháp chinh phục mục tiêu một cách nhanh, chính xác.
Vậy theo ông, chúng ta đang thiếu gì để có được một mô hình giải quyết vấn đề phát triển hiệu quả như thế ?
Về mặt định vị thứ tự ưu tiên, tôi cho rằng chúng ta có những định vị khá tương đồng và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Điều này thể hiện trong nỗ lực điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong giai đoạn gần đây, mở ra rất nhiều cơ hội cho các vùng, các ngành kinh tế và các bộ phận kinh tế cùng phát triển. Cái chúng ta thiếu là một môi trường để thu hút các trí tuệ và nguồn lực tinh hoa để từ đó làm sinh sôi nhiều hơn nữa các sáng kiến và biến sáng kiến thành hiện thực. Các cụ ta có câu: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Chỉ khi ta biết lấy tinh hoa của thế giới biến thành của ta, thì khi đó sức lực của thế giới sẽ chắp cánh cho giấc mơ của chúng ta bay lên nhanh chóng.
Để thu hút được những tinh hoa từ xã hội toàn cầu đến chúng ta và chuẩn bị một quy hoạch phù hợp cho ta cũng như cho họ, trước tiên, ta cần hiểu những tinh hoa toàn cầu ấy là ai. Khác với thế hệ của chúng ta, tầng lớp sở hữu tri thức tương lai của nhân loại và tạo ra giá trị kinh tế trong tương lai là thế hệ Z và con em của họ - thế hệ Alpha. Đối với thế hệ này, khái niệm về giới hạn không gian cũng như sở hữu, tài sản là hoàn toàn khác biệt - tài sản và không gian đều là mở và có thể chia sẻ. Phong cách sống của các “du mục công nghệ” – những nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, có thể sáng tạo và làm việc mà không phải hiện hữu cố định tại các văn phòng hay công sở - chính là dự báo cho xu hướng mở trong sở hữu tài sản. Các mô hình nhà ở homestay, không gian làm việc co-working space chính là sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhóm “du mục” này.
Những nhóm tinh hoa công nghệ, tinh hoa trí tuệ tương lại này có nhu cầu thế nào về trải nghiệm sống, trải nghiệm làm việc – đó là câu hỏi cần ngay lập tức được nghiên cứu và giải đáp để vạch ra quy hoạch thu hút nguồn lực chất xám cho giấc mơ của chúng ta. Quy hoạch một không gian sống mà ở đó những tinh hoa thế giới yêu thích và sẵn sàng dừng chân để sống, để hưởng thụ, để làm việc, sáng tạo và cống hiến trong một khoảng thời gian đủ dài để tạo hình giá trị - đó là đề bài mà nếu giải thành công chúng ta sẽ có một hạ tầng năng động, hiện đại, có khả năng thích nghi cao, đồng thời huy động được nguồn lực chất lượng hàng đầu thế giới đến sống tại Việt Nam, giúp Việt Nam hình thành một tập quán, cách thức làm việc tân tiến nhất, văn minh nhất. Chúng ta khi đó đang ở đầu não của cỗ máy phát triển, chứ không phải ở vai của người bắt kịp hay chạy theo. Khi đó, ta giải phóng mình khỏi bài toán “đến hạn” của quy hoạch.
Đón đầu làn sóng của những thế hệ tương lai, thế hệ sở hữu tinh hoa trí tuệ thế giới, đưa họ đến với Việt Nam một nhiện vụ rất lý tưởng nhưng đầy thách thức. Để thực hiện nhiệm vụ này chúng ta cần làm gì thưa ông?
Có một triết lý quan trọng trong giải quyết mọi vấn đề và cần phải được làm đầu tiên – đó là khả năng thừa nhận vấn đề đó là của chính mình, chính mình mới là người duy nhất có thể giải quyết nó, chứ không ai khác. Trong quản trị học, kỹ năng này được gọi bằng cái tên Ownership (Làm chủ vấn đề). Chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết, không thể dồn trách nhiệm đó cho ai – chính ta phải hành động, dù ta có sợ hay không, có dám hay không, có muốn hay không. Chúng ta cần có tiếng nói và có đóng góp của mình để bản thiết kế tương lai có chỗ đứng cho chính chúng ta. Việc phó mặc vai trò quy hoạch cho nhà nước, cho chính phủ, cho các chiến lược gia là một điều không nên.
Một ví dụ đơn giản, đối với tôi, Trầm Hương Khánh Hòa không đơn giản là một thương hiệu của cá nhân tôi. Những hoạt động của Trầm Hương Khánh Hòa phản ánh bản sắc con người, bản sắc vùng miền, bản sắc kinh tế đặc sắc của con người Khánh Hòa. Mô hình phát triển ngành Trầm Hương Việt Nam mà tôi đang hướng đến là mô hình lý tưởng cho một bộ phận không nhỏ nông dân Việt Nam. Khi nói đến câu chuyện quy hoạch, tôi luôn đầy năng lượng và sẵn sàng những ý tưởng mà tôi tin chắc rằng sẽ đem lại lợi ích cho quê hương, cho đất nước và cho những con người mà tôi biết. Chính vì thế, tôi luôn sẵn sàng đóng góp sáng kiến, ý kiến và nguồn lực cho chặng đường quy hoạch một tương lai tốt đẹp hơn cho chính tôi và những người đang hằng ngày sống, làm việc, cống hiến cùng tôi. Đó là lý do mà ngay khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 ngày 28/01/2022 về Xây dựng, Phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tôi đã chia sẻ nhanh chóng và rất cởi mở về những sáng kiến và đề xuất của mình dành cho Khánh Hòa và cho ngành Trầm Hương Việt Nam.
Khái niệm xuyên không gian mà tương lai nhân loại đang hướng tới vốn dĩ đang rất thân thuộc với tôi kể từ khi được chọn sứ mệnh phụng sự Trầm Hương. Trầm Hương - hương thơm vĩnh cửu được hun đúc từ tinh hoa của Đất Trời - kết nối những giá trị tâm linh tốt đẹp bất chấp những thử thách của thời gian, của lịch sử của biên giới, tín ngưỡng, sắc tộc trở thành cầu nối linh thiêng giữa con người và thế gian với những đáng quyền năng. Càng hiểu về Trầm, tôi càng coi nhẹ thách thức từ những rào cản hữu hình và đặt niềm tin to lớn vào những giá trị xuyên không gian, thời gian. Đó là lý tưởng đã nuôi dưỡng giấc mơ xây dựng Làng Hòa Bình và Sáng tạo Nha Trang – nơi gắn kết con người với thiên nhiên trong hệ thống các giá trị tốt đẹp của Không gian Văn hóa Thiền Trầm. Ở đây, những trí tuệ có cùng hệ giá trị với Trầm Hương – yêu hòa bình, luôn sẵn lòng làm việc, cống hiến vì một thế giới tốt đẹp – sẽ cùng nhau sống, sáng tạo những giá trị tốt đẹp trong không gian có một không hai của cảnh quan một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Cái đẹp sẽ nuôi dưỡng và sản sinh ra cái đẹp.
Đó là những gì tôi luôn ấp ủ và luôn sẵn sàng hành động để đưa Việt Nam thành một điểm đến cho tinh hoa thế giới. Tôi mong đợi và vẫn luôn đón chào sự chung tay của những sáng kiến đến từ nhiều hơn nữa những trái tim yêu Việt Nam để biến giấc mơ “sánh vai với các cường quốc năm châu” thành hiện thực.
Cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi. Mong rằng trong không khí của những ngày xuân mới, những mong ước của chúng ta về một Việt Nam rực rỡ với những sáng kiến mang tính thời đại sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực đầy sức sống. Chúc ông một mùa xuân và một năm mới 2023 nở rộ những thành công và hạnh phúc!
Nguồn: Báo Tiền Phong. <tienphong.vn/ban-quy-hoach-tinh-hoa-cho-ca-hien-tai-va-tuong-lai-post1502259.tpo>