Không chỉ là một điểm đến
Chúng tôi về xã Phước Đồng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đúng 1 năm sau ngày Bảo tàng trầm hương của ông Nguyễn Văn Tưởng (trú TP Nha Trang) khánh thành và đi vào hoạt động. Những đoàn xe lớn, nhỏ chở theo hàng trăm khách trong và ngoài nước nối nhau đi vào bảo tàng tham quan, khiến nơi đây như những khu phố thu nhỏ. Phía trong bảo tàng, những cô gái nét duyên trong tà áo dài truyền thống cười hiền hòa đón khách tham quan.
Dù đây là thời điểm cuối mùa du lịch của Khánh Hòa, nhưng khách đến bảo tàng vẫn đông như thường ngày. Theo quan sát, chỉ trong 2 giờ đã có khoảng 10 chiếc xe khách lớn chở khách vào đây tham quan, đa phần là khách Trung Quốc, Hàn Quốc. Đó là chưa kể một lượng không nhỏ khách đi xe máy, ô tô con đến đây. Đến với bảo tàng, du khách được ngắm, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về những sản phẩm từ trầm, kỳ nam trưng bày tại đây. Có những khối trầm, kỳ nam vô giá được trưng bày tại bảo tàng này, nơi trang trọng nhất.
Không chỉ có những khối trầm, kỳ nam có một không hai tại bảo tàng, du khách sẽ được các hướng dẫn viên giới thiệu về nhiều nét văn hóa đặc trưng của xứ trầm hương, văn hóa Nam Trung bộ và Tây nguyên. Nhưng quan trọng hơn, du khách sẽ được nghe giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của những người con ưu tú đất Việt, như Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo), Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là cách lồng ghép các giá trị làm cho bảo tàng trầm hương không đơn điệu chỉ sản phẩm trầm, mà đa dạng hơn các giá trị văn hóa, truyền thống, đất nước, con người Việt Nam.
Anh Trần Thanh Tú (TPHCM), du khách tham quan tại bảo tàng nhận xét: “Bảo tàng không chỉ có không gian, vị trí hài hòa, mà cách trình bày, sắp xếp các chuỗi tư liệu, sản vật rất dễ hiểu, dễ cảm nhận. Đây không chỉ là một điểm đến đơn thuần trong một tour du lịch mà nó cho tôi nhiều thứ hơn, đặc biệt cảm nhận, hiểu hơn các giá trị văn hóa vùng miền”.
Khách du lịch tham quan Bảo tàng trầm hương.
Năm 2017 Bảo tàng trầm hương chính thức được khánh thành, đón khách tham quan. Để thực hiện bảo tàng này, ông Tưởng đã bỏ ra 200 tỷ đồng để mua đất, xây dựng, sắm các sản vật để trưng bày tại bảo tàng này. Bảo tàng có diện tích 2,2ha, được xây dựng dưới dãy núi đá hang hùng vĩ. Trong đó, nhà trưng bày khoảng 5.000m2, có khả năng đón khoảng 2.000 khách tham quan/giờ.
Một góc trưng bày của Bảo tàng trầm hương.
Chị Huỳnh Kim Tuyến, quản lý Bảo tàng trầm hương cho biết, bình quân mỗi ngày có khoảng 20 đoàn khách vào bảo tàng tham quan, có lúc cao điểm đến 45 đoàn, bình quân mỗi đoàn khoảng 40 người. Để đảm bảo việc phục vụ du khách, bảo tàng bố trí túc trực 3 hướng dẫn viên giỏi ngoại ngữ và khoảng 30 nhân viên phục vụ.
“Chúng tôi không đặt lợi nhuận thu được từ bảo tàng. Cái chính là quảng bá thương hiệu, sản vật đặc trưng trầm hương Khánh Hòa và hơn hết là góp phần thêm vào đang dạng tour du lịch cho địa phương” – chị Tuyến cho biết khi được hỏi nguồn thu nào để hoạt động bảo tàng khi không thu phí tham quan.
Đưa hương trầm ra thế giới
Để xây dựng được bảo tàng đi vào hoạt động, ông Nguyễn Văn Tưởng cho biết, có những tư liệu về tranh – ảnh ông phải mua bản quyền hoặc được nhiều bạn bè giúp đỡ, sưu tầm trong khoảng thời gian 6-7 năm. “Đó là phần khó nhất. Nói đầu tư 200 tỷ đồng chỉ là ước tính, bởi nhiều hiện vật ấn tượng không chỉ đong đếm được bằng tiền, mà được đo bằng lòng nhiệt huyết, đam mê, vì cái chung” – ông Tưởng chia sẻ.
Bảo tàng được chia thành nhiều chủ đề như: giới thiệu chung về nét đẹp Việt Nam, những nghiên cứu của thế giới về trầm hương, bản đồ phân bố và nguồn gốc trầm hương, trầm hương gắn với tín ngưỡng trên toàn thế giới, những sản phẩm của trầm hương, không gian cầu may, không gian thưởng thức hương đạo.
Nếu không chứng kiến tận mắt, ít ai hình dung được bảo tàng do ông Tưởng xây dựng hiện đã có hơn 10.000 tư liệu, trong đó trưng bày khoảng 5.000 tư liệu, số còn lại sẽ được đưa ra công chúng giới thiệu tiếp khi các hạng mục còn lại của bảo tàng hoàn thiện. Không chỉ có khách tham quan, từ ngày bảo tràng đi vào hoạt động đến nay, có hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước đến đây tìm hiểu mô hình làm bảo tàng có một không hai này.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa nhận xét: “Khánh Hòa được biết đến là cái nôi của trầm, kỳ. Do đó, việc xây dựng bảo tàng tư nhân giới thiệu về sản vật đặc trưng của một vùng đất là điều rất tuyệt vời, nhất là khi du lịch Khánh Hòa luôn ở tốp đầu cả nước. Theo tôi, việc đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch như điểm tham quan Bảo tàng trầm hương là đúng xu thế, đúng cái du lịch Nha Trang cần để phong phú, đa dạng hơn”.
Chủ Bảo tàng trầm hương, ông Nguyễn Văn Tưởng từng là một nhà báo công tác trên địa bàn Tây nguyên. Năm 2006, cái duyên bén với trầm hương đã thôi thúc ông khăn gói về Khánh Hòa gầy dựng thương hiệu trầm hương nơi đây.
Tuy vốn đầu tư làm bảo tàng không nhỏ, hoạt động lại không bán vé tham quan, nhưng đối với ông cái chính là muốn cho du khách và cả thế giới biết Khánh Hòa có một sản phẩm trầm, kỳ – linh khí của tạo hóa ban tặng cần được biết đến, khám phá. Tại Hội nghị cao cấp APEC 2017, hàng trăm chiếc quạt làm từ trầm hương do ông Tưởng tài trợ vinh dự được chọn làm quà tặng cho các đại biểu tham dự hội nghị, trong đó có cả các nguyên thủ quốc gia.
Ông Tưởng cho biết, tài liệu về trầm hương có vô vàn, nhưng có nhiều nơi thế giới rất coi trọng hương trầm, nhất là quan niệm trong đời sống của người Á Đông, trầm, kỳ như là báu vật. Tác dụng của trầm, kỳ còn có nhiều trong y học. Trầm, kỳ từ bấy lâu được xem là báu vật, nhưng một thời gian dài cây trầm của Việt Nam ít được nghiên cứu, quảng bá. Từ xa xưa, tất cả tôn giáo đều coi trầm hương, kỳ nam là linh khí của trời đất.
Còn Khánh Hòa được cả thế giới công nhận là xứ sở có trầm hương tốt nhất. “Mong muốn của tôi là giới thiệu một cách bài bản về văn hóa đặc trưng của vùng đất này đến với bạn bè thế giới. Không chỉ dừng lại ở đây, thời gian tới tôi sẽ cho xây dựng bảo tàng này quy mô lớn hơn, có thể đón 20.000 khách mỗi ngày. Tất nhiên, tất cả vé tham quan vẫn đều miễn phí cho khách” – ông Tưởng chia sẻ.
Văn Ngọc
Nguồn Sài Gòn Đầu Tư http://saigondautu.com.vn/phong-su-sang-tac/bao-tang-tram-o-xu-tram-63805.html