THẦN MẪU TRẦM HƯƠNG – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

Thần mẫu Trầm Hương

“Ngậm ngải tìm Trầm” đó là câu nói của người xưa để miêu tả sự gian lao, khắc ngiệt của những người thợ rừng trên đường đi tìm Trầm Hương. Trầm Hương là do cây dó bầu sinh ra, sự hình thành Trầm Hương của các cây dó cũng rất đặc biệt. Dân gian truyền rằng, hương trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương trên thân cây, lâu ngày, cây thấm hương trời biến thành Trầm Hương.
Trầm Hương Khánh Hòa nổi tiếng trong cả nước và trên thế giới. Trầm Hương Khánh Hòa mang đậm những nét văn hóa và lịch sử lâu đời, gắn liền với truyền thuyết của người Chăm-Pa về Nữ Thần Ponagar- Bà Mẹ Xứ Sở biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng. Những người đi điệu tin rằng, vì Trầm Hương là của Bà Thiên Y A Na, nên Bà cho ai thì người ấy được; còn nếu Bà không cho thì dù người đó có đứng bên cây Trầm cũng không tìm thấy. Bởi vậy, trước khi đi tìm Trầm, người đi điệu phải dâng lễ cúng Bà. Trong ánh hào quang của Thần Ponagar luôn có hương thơm thanh khiết của Trầm Hương- uy nghiêm với núi non trời biển hùng vĩ Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới mà còn lưu truyền trong nhân gian qua câu ca dao:

“ Khánh Hoà là Xứ Trầm Hương.
Non cao biển rộng người thương đi về.”

Chủ Tịch Nguyễn Văn Tưởng bên tấm bia Bà Thiên Y A Na

Các sử liệu cổ của Trung Quốc còn cho biết, ngay từ thế kỷ II trước công nguyên, Trầm Hương của Chămpa đã đựơc người Trung Quốc biết đến và luôn được ghi chép là báu vật bang giao của người Chămpa. Đến thế kỷ thứ IX, người Hồi Giáo và người Phương Tây thường hay nhắc tới Trầm Hương của Chămpa. Ví dụ, Tome Pires viết: “Trong các mặt hàng của Chămpa, quan trọng nhất là Kalambak. Đây là loại Trầm Hương thực sự, là loại Trầm Hương tốt nhất trong các loại Trầm….Loại Kalambak chất lượng tốt nhất là ở Chămpa…”
Không chỉ người Chămpa mà sử sách còn cho biết người Việt thời xưa cũng dùng Trầm Hương buôn bán với người Trung Quốc. Thế nhưng, cũng các sử liệu trên cho biết, Trầm Hương mà người Việt có được là từ Chămpa. Ví dụ, khi chép về việc giao thương buôn bán giữa các thương nhân Trung Quốc thời nhà Tống, sách Lĩnh Ngoại đại đáp cho biết hàng của Giao Chỉ đến Khâm Châu đem bán có bạc, đồng, Trầm Hương, quang hương, ngà voi, sừng tê…Cũng sách trên chép, Trầm Hương của Giao Chỉ bán sang Trung Quốc đều là Trầm của Chiêm Thành. Dựa vào các nguồn sử liệu khác nhau, các nhà nghiên cứu cho rằng, vào thời Lý, Đại Việt đã buôn Trầm của Chiêm Thành rồi bán sang Trung Quốc.
Không chỉ thời xưa , mà vào thời cận và hiện đại, nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Châu Âu đã biết đến và có những đánh giá rất cao về các loại Trầm Hương có nguồn gốc từ Việt Nam. Trong nhiều sách của nước ngoài, Trầm Hương Việt Nam đựơc xem là tốt nhất. Thậm chí, vị giáo sĩ Đắc Lộ (Alexander de Rhodes) còn nhấn mạnh rằng “chỉ Việt Nam mới có Kỳ Nam”. 
Gần đây, vào năm 2003, tại cuộc hội thảo quốc tế về Trầm Hương ở Việt Nam, các nhà khoa học đã đưa ra lời khẳng định: “Trầm Hương của Việt Nam là tốt nhất, được mua với giá cao nhất, sản lượng Trầm trên thế giới bị phụ thuộc vào Việt Nam và Việt Nam được xem không chỉ là vương quốc của Trầm Hương trong quá khứ mà còn là nguồn trông cậy của thế giới hiện nay và trong tương lai, bởi Trầm là loại dược liệu và cả hương liệu thặng hạng không có gì thay thế”.