PHẬT GIÁO LÀ TÔN GIÁO TRIẾT HỌC – NÓI VỀ VÔ NGÃ, VÔ THƯỜNG VÀ DUYÊN – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

Phật giáo là tôn giáo triết học - nói về vô ngã, vô thường và duyên

Phật giáo là tôn giáo triết học ra đời thế kỷ VI trước Công Nguyên. Người sáng lập là Thích Ca Mâu Ni, tên thật là Tất Đạt Đa (Siddhattha), họ là Cù Đàm (Goutama), thuộc bộ tộc Sakya. Tất Đạt Đa là thái tử của vua Tịnh Phạn, một nước nhỏ nằm ở Bắc Ấn Độ (nay thuộc vùng đất Nepan). Ông sinh ngày 8 tháng 4 năm 624 TCN, theo truyền thống Phật lịch thì là ngày 15/04 (rằm tháng tư) còn gọi là ngày Phật Đản.

Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giữa các bàn tay xông trầm hương và trầm hương nguyên khối

Đạo Phật có một lịch sử phát triển rất thăng trầm trong suốt hơn 2500 năm. Do đó, việc hình thành các bộ phái khác nhau có phương pháp tu học và cách giải thích khác nhau về giáo lý cho thích hợp với tình hình của mỗi xã hội mỗi thời điểm là chuyện tất yếu.

I. Theravada còn gọi là Phật giáo nguyên thuỷ hay Phật giáo Nam tông, tên quen gọi là Phật giáo Tiểu thừa. Tông phái này hình thành ngay trong thế kỷ đầu tiên sau khi Thích Ca viên tịch. Chữ Theravada có nghĩa là “lời dạy của bậc trưởng thượng”.

II. Mahayana có tên gọi khác là Phật giáo Đại thừa. Từ thế kỷ I TCN các tư tưởng “đại thừa” đã bắt đầu xuất hiện và thuật ngữ Mahayana, hay “đại thừa”, chỉ thực sự có khi ra đời bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nói chung, ý tưởng Mahayana là có xu hướng rộng rãi và tự do hơn là các phép tắc ràng buộc của Theravada.

III. Varayjana còn có tên gọi là Tantra, Mật tông hay Kim cương thừa. Tông phái này xuất hiện vào khoảng thế kỷ VI. Phái này chia sẻ chung nhiều tư tưởng với Đại thừa nhưng có nhấn mạnh trong việc thực hành. Cách truyền giảng được tập trung vào nhiều phương pháp tu học thực nghiệm mãnh liệt để đẩy nhanh việc thăng tiến và có thể ngay trong cuộc sống hiện tại sẽ đạt được giác ngộ các thực nghiệm này thường được gọi là phương tiện. Nếu như Đại thừa có nhiều tính chất thiên về triết lý, tư duy thì Mật tông đi xa hơn về mặt thực nghiệm và cũng thể hiện sự thích ứng linh hoạt của Phật giáo.

Phật giáo thể hiện 3 phạm trù: vô ngã, vô thường và duyên.

1. Phật giáo cho rằng thế giới xung quanh ta được cấu thành bởi sự kết hợp của 2 yếu tố là “Sắc” và “Danh”. Trong đó, Sắc là yếu tố vật chất, là cái có thể cảm nhận được, nó bao gồm đất, nước, lửa và không khí; Danh là yếu tố tinh thần, không có hình chất mà chỉ có tên gọi. Nó bao gồm: thụ (cảm thụ), tưởng (suy nghĩ), hành (ý muốn để hành động) và thức (sự nhận thức).

Danh và sắc kết hợp lại tạo thành 5 yếu tố gọi là “Ngũ uẩn”. Ngũ uẩn bao gồm sắc (vật chất), thụ (cảm giác), tưởng (ấn tượng), hành (suy lý) và thức (ý thức), chúng tác động qua lại với nhau tạo nên vạn vật và con người. Nhưng sự tồn tại của sự vật chỉ là tạm thời, thoáng qua, không có sự vật riêng biệt nào tồn tại mãi mãi. Do đó, không có “Bản ngã” hay cái tôi chân thực.

2. Đạo Phật cho rằng “Vô thường” là không cố định, luôn biến đổi. Các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ không đứng yên mà luôn luôn biến đổi không ngừng, không nghỉ theo chu trình bất tận là “sinh – trụ – dị – diệt”. Nghĩa là sinh ra, tồn tại, biến dạng và mất đi.

Do đó, không có gì trường tồn, bất định, chỉ có sự vận động biến đổi không ngừng. Với quan niệm này, Đức Phật dạy: “tất cả những gì trong thế gian đó là biến đổi, hư hoại, đều là vô thường”. Vì vậy mọi sự vật không mãi ở yên trong một trạng thái nhất định, luôn luôn thay đổi hình dạng, đi từ trạng thái hình thành đến biến dị rồi tan rã. Sinh và diệt là hai quá trình xảy ra đồng thời trong một sự vât, hiện tượng cũng như trong toàn thể vũ trụ rộng lớn. Đức Phật cũng dạy rằng không phải là sự vật, hiện tượng sinh ra mới gọi là sinh, mất (hay chết đi) mới gọi là diệt, mà trong sự sống có sự chết, chết không phải là hết, không phải là hết khổ mà chết là điều kiện của một sinh thành mới.

3. Đạo Phật cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất đều chịu sự chi phối của luật nhân duyên. Trong đó duyên là điều kiện giúp cho nguyên nhân trở thành kết quả. Kết quả ấy lại nhờ có duyên mà trở thành nhân khác, nhân khác lại nhờ có duyên mà trở thành kết quả mới. Cứ như vậy mà tạo nên sự biến đổi không ngừng của các sự vật, tuân theo quy luật “Nhân-Quả”, nhân là cái hạt, quả là cái trái, cái trái do mầm ấy phát sinh. Nhân và quả là hai trạng thái nối tiếp nhau, nương vào nhau mà có. Nếu không có nhân thì không thể có quả, nếu không có quả thì không thể có nhân, nhân thế nào thì quả thế ấy.

Hạt lúa được gọi là “nhân” khi gặp “duyên” là điều kiện thuận lợi về không khí, nước, ánh sáng, nhiệt độ…thì nhân sẽ phát triển thành “quả” là cây lúa.

Như vậy, thông qua các phạm trù Vô ngã, Vô thường và Duyên. Phật giáo cho rằng sự vật và con người được cấu thành từ các yếu tố vật chất và tinh thần. Các sự vật hiện tượng thế giới nằm trong quá trình liên hệ, vận động, biến đổi không ngừng.