CHUYỆN VỀ BÀ THIÊN Y A NA, NGƯỜI SỞ HỮU NHIỀU TRẦM NHẤT KHÁNH HÒA – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

Chuyện về Bà Thiên Y A NA, người sở hữu nhiều Trầm nhất Khánh Hòa

Bà Thiên Y A Na – mẹ xứ sở ở Tháp Bà Poh Nagar, theo truyền thuyết là hóa thân từ một khúc Trầm Hương hoặc có liên quan đến khói Trầm Hương. Và trong tâm thức người dân cũng như nhiều huyền thoại về Bà Thiên Y A Na mà chúng tôi cóp nhặt, Trầm Hương ở Xứ Trầm Hương Khánh Hòa, tất cả là của Bà, do Bà cai quản và “điều phối” nên muốn có thì phải khấn xin thành khẩn.


Một góc Tháp Bà. Ảnh: H.V.M

Tiên nữa hóa thân thành khúc Kỳ Nam

Thiên Y A Na (hay là Poh Nagar theo tiếng Pháp) có nhiều sự tích vô cùng ly kỳ. Truyền thuyết của người Việt (được cụ Phan Thanh Giản chép lại thành một bài ký và Bố chánh sứ tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Quýnh khắc bia dựng phía sau tháp Poh Nagar) kể rằng:

Xưa kia tại núi Đại An có hai vợ chồng ông tiều phu đến cất nhà và vỡ rẫy trồng dưa nơi triền núi. Dưa chín thường hay bị mất. Một hôm ông rình, bắt gặp một thiếu nữ trạc chín mười tuổi hái dưa, rồi giỡn dưới trăng. Thấy cô gái dễ thương, ông đem về nuôi, hai ông bà vốn không con cái, nên đối với thiếu nữ thương yêu như con ruột.

Tháp cao nhất là nơi thờ Bà Poh Nagar – người sở hữu Trầm Hương nhiều nhất Khánh Hòa. Ảnh: H.V.M

Một hôm trời mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, thiếu nữ lấy đá chất thành ba hòn giả sơn và hái hoa lá cắm vào, rồi đứng ngắm làm vui, ông tiều nặng tiếng la rầy. Ông không ngờ rằng con gái mình chính là tiên nữ giáng trần đương nhớ cảnh Bồng Lai. Đã buồn thêm bực! Nhân thấy khúc kỳ nam theo giòng nước nguồn trôi đến, tiên nữ bèn biến thân vào khúc kỳ, để mặc cho sóng đưa đẩy. Khúc kỳ trôi ra biển cả rồi tấp vào đất Trung Hoa. Mùi hương bay ngào ngạt. Nhân dân địa phương lấy làm lạ, rủ đến xem. Thấy gỗ tốt xúm khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không giở nổi.

Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn, tìm đến xem hư thực. Thấy khúc gỗ không lớn lắm, lẽ gì nặng đến nỗi không giở lên. Thái Tử bèn lấy tay nhắc thử và lấy làm lạ vì khúc gỗ nhẹ như tờ giấy! Bèn đem về cung, trân trọng như một bảo vật. Một đêm, dưới bóng trăng mờ, Thái tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc Kỳ Nam. Nhưng lại gần thì tứ bề vắng vẻ, bên mình chỉ phảng phất mùi hương thanh thanh từ khúc kỳ nam bay ra.

Chàng quyết rình xem suốt mấy đêm liền không hề thấy gì khác lạ. Chàng không nản chí. Rồi một đêm bốn bề im phăng phắc, một giai nhân tuyệt sắc theo mùi hương ngạt ngào trong khúc Kỳ Nam bước ra. Thái tử chạy đến ôm choàng. Không biến kịp, giai nhân đành theo Thái tử về cung và cho biết lai lịch. Giai nhân xưng là Thiên Y A Na.

Thái tử đã trưởng thành, nhưng chưa chọn được người xứng ý. Nay thấy Thiên Y A Na xinh đẹp khác thường, bèn tâu cùng phụ hoàng xin cưới làm vợ. Vua đồng ý. Vợ chồng ăn ở với nhau rất tương đắc và sinh được hai con, một trai tên Trí, một gái tên Quý, dung mạo khôi ngô. Thời gian qua trong êm ấm. Nhưng một hôm, lòng nhớ quê thúc dục, Thiên Y A Na bồng hai con nhập vào khúc Kỳ Nam trở về làng cũ.

Tháp Bà Poh Nagar được xây trên một ngọn đồi trong vùng núi Cù Lao, hình như một chiếc nón lá úp sấp. Ảnh: H.V.M

Núi Đại Am còn đó nhưng vợ chồng ông tiều đã về cõi âm. Thiên Y A Na bèn xây đắp mồ mả cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự. Thấy dân địa phương còn man dã, Bà dạy họ cày cấy, dạy kéo vải dệt sợi và đặt ra lễ nghi…

Từ ấy ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày một thêm phú túc phong lưu. Rồi một năm vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim hạc từ trên mây bay xuống, bà cùng hai con lên lưng hạc bay về trời. Nhân dân địa phương nhớ ơn đức, xây tháp tạc tượng phụng thờ. Và mỗi năm vào ngày Bà thăng thiên, dân đều tổ chức lễ múa bóng dâng hoa rất long trọng…

“Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương/ Non cao biển rộng người thương đi về”. Rất nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á có Trầm Hương, nhưng không có nơi đâu Trầm nhiều và chất lượng như ở Việt Nam. Tại Việt Nam, những nơi có núi cao rừng rậm như Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam đều có Trầm Hương nhưng không đâu nhiều và thơm như Khánh Hòa.

Cho nên hễ nói đến Trầm Hương là nói đến Khánh Hòa mà nói dến Khánh Hòa là nói đến Trầm Hương. Nhưng ở Khánh Hòa, Trầm Hương  nhiều nhất là Ninh Hòa và Vạn Ninh. Và nhiều, tốt nhất là Trầm Hương Vạn Giã của Vạn Ninh. Chả thế mà ca dao Khánh Hòa có câu: “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/ Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm”.

Dù là “Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm” nhưng tìm ra được Trầm Hương không phải là việc dễ. Như Quách Tấn viết trong biên khảo “Xứ Trầm Hương”: Người Khánh Hòa, nhất là người đi địu (đi tìm Trầm trên rừng), tin rằng Trầm Hương là của Bà Thiên Y A Na. Bà cho ai thì người ấy được. Bằng Bà không cho thì dù đứng một bên cũng không tìm thấy. Có đôi kẻ có phước, không cố tâm đi tìm mà tự nhiên Bà cho hưởng lộc.

Lại truyền rằng Bà có bốn cây Trầm Hương kỳ cựu trấn bốn phương: Một ở Ðồng Bò trấn phía Nam; một ở Hòn Bà (Ninh Hòa) trấn phía Bắc; một ở Hòn Dữ (Diên Khánh) trấn phía Tây; một ở Suối Ngổ trấn phía Ðông. Những cây Trầm nầy không còn lá không còn giác, mưa nắng không thể làm hư mục được. Và có chim rừng canh, cọp rắn giữ. Hễ ai trông thấy mà có ý muốn chiếm hữu thì liền bị “lính canh giữ của Bà” đánh đuổi. Bởi vậy trước khi đi tìm Trầm, người đi địu phải dâng lễ cầu khấn Bà. Và trong những rừng nào có nhiều cây gió đều có miếu, có am thờ Bà do những người đi địu lập, để tiện việc cúng kính trước khi vào rừng.

“Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?”

Tháp Bà Poh Nagar được xây trên đồi Cù Lao, hình như một chiếc nón lá úp sấp. Phía Nam giáp sông Nha Trang, phía Tây và phía Bắc giáp núi và đồng bằng, trước mặt thì làng Cù Lao (Xóm Bóng) và biển. Quần thể di tích Poh Nagar có 6 tháp, trong đó có 4 tháp còn hiện hữu, 2 tháp chỉ còn lại nền móng cũ. Tháp Đông Bắc còn được gọi là tháp chính được xây bằng gạch nung cao 22,3m gồm có bốn ngọn. Ba ngọn nhỏ một ngọn lớn. Ngọn lớn ở phía Bắc, cao đến 23 thước. Theo nhà khảo cổ Henri Parmentier người Pháp thì tháp này do vua Chiêm Thành là Harivarma Đệ Nhất xây vào đầu thế kỷ IX. Còn các ngọn khác thì xây vào khoảng thế kỷ thứ VII, thứ VIII.

Trên những trụ biểu này là sân khấu múa Bóng dâng Bà ngày xưa. Ảnh: H.V.M

Bà Thiên Y A Na được thờ ở ngọn tháp chính phía Bắc. Tượng nữ thần được tạc bằng đá xanh, cao lớn, ngồi xếp bằng trên một bệ cao rộng, cũng bằng đá xanh nguyên khối. Thần có 10 cánh tay. Hai tay đặt lên đầu gối, lòng bàn tay để ngửa. Còn tám tay khác thì giơ lên hình rẻ quạt và mỗi tay cầm một món binh khí, như đoản đao, giáo, ná, tên….

Y phục khắc theo kiểu chúng ta thường thấy ở các tượng đá của người Chăm: Đầu đội mão triều thiên (nhọn như mũ vũ nữ Thái Lan), thân chỉ che đôi mảnh xiêm y ở hạ thân và ở ngực. Tuy nhiên kể từ khi được “Việt hóa”, mặt tượng Bà đã bị sơn, vẽ mày, choàng  áo cẩm bào và đầu đội thêm một ngọc miện nên trông như tượng gỗ. Cũng như tượng bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang), không nhiều người biết đó vốn là một tượng… nam thần của nền văn hóa Óc Eo được “biến” thành “Bà chúa” bằng cách cho mặc váy, choàng cẩm bào, tô mặt vẽ mày và đội ngọc miệng, đeo trang sức…

Cũng không nhiều người biết, Bà được vua Gia Long phong tặng “Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần” và cắt dân làng Cù Lao ba người sung làm từ phu. Các đời vua sau của triều Nguyễn, đời nào cũng có sắc phong. Thậm chí vua Đồng Khánh không chỉ sắc phong mà còn hạ mình xưng thần – là một trong những vị thần dưới trướng của Bà.

Với người địa phương, ngoài danh hiệu Thiên Y A Na, còn tôn xưng Bà là “A Na Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi”, gọi tắt là bà “Chúa Ngọc” và gần như gởi trọn niềm tín ngưỡng nơi tháp, nhất là phụ nữ.  Hàng năm cứ đến ngày 20 tháng 3 âm lịch người dân đồng bào Chăm- Việt lại gồng gánh sản vật về dự lễ hội Tháp Bà. Rồi đến gày vía bà (tháng 3 ấm lịch) nhân dân địa phương lại tổ chức lễ cúng tế rất long trọng cùng lệ múa Bóng ở trước sân tháp.

Đây là một điệu múa rất đặc sắc của người Chăm truyền lại, được Quách Tấn miêu tả chi tiết trong “Xứ trầm hương”: “Người múa toàn là con gái. Áo xiêm rực rỡ; đầu đội, người cỗ hoa tươi, kẻ đèn lồng ngũ sắc. Đèn và hoa chồng cao như ngọn tháp. Vũ nữ múa theo điệu đàn điệu trống, đoanh lộn nhịp nhàng dưới ánh đuốc ánh đèn hừng hẫy. Họ múa rất khéo và dẻo vừa mềm, mà đầu và thân cũng luôn luôn ngã nghiêng uốn éo theo bước chân nhịp tay, rộn ràng đều đặn. Thế mà đèn và hoa đội trên đầu, không vịn không đỡ mà vẫn không hề lay không hề dịch, dường như có những bàn tay vô hình đỡ nâng không thể nào giải thích được. Đặc biệt việc tổ chức múa Bóng do người sống ở khu vực trước tháp phụ trách. Những vũ nữ cũng người trong xóm. Cho nên xóm mệnh danh là xóm Bóng thuộc làng Cù Lao”.

Cũng theo Quách Tấn viết trong “Xứ trầm hương” thì “Lệ múa Bóng ngày vía Bà đã bỏ từ thời vua Bảo Đại, trước đệ nhị thế chiến nên xóm Bóng không còn những bà bóng về ở để múa dâng Bà nữa. Nhân đó có câu hát: “Ai về xóm Bóng thăm nhà/ Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?/ Thế thường tre lụn còn măng/Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành”. Ngoài múa Bóng, ở Tháp Bà còn có hầu đồng và hát văn của người Việt để hầu Bà trong những dịp lễ vía, nhưng cũng chung tình cảnh thăng Trầm như múa Bóng vì rất nhiều lý do.

Trầm của Bà giờ cũng như múa Bóng!

Xóm Bóng bây giờ, đã là một khu đô thị thuộc phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang đường hẹp, người đông sống chen chúc nhau tưởng như không đủ không khí để thở. Một lượng lớn người dân xóm Bóng đã vượt biển ra nước ngoài từ những 1980, khi đất nước rơi vào khủng hoảng. Những người ở lại, hiện sống bằng nghề đi biển và… chờ ngoại tệ nước ngoài gởi về. Ngày chúng tôi tìm đến, xóm Bóng giờ chẳng còn ai biết và hứng khởi với việc múa Bóng dâng bà.

Hát văn, hầu đồng tại lễ hội Tháp Bà tháng 5.2018. Ảnh: Phương Linh

Đội múa Bóng năm xưa, giờ chỉ còn mỗi bà Ba Kẹp – Đoàn Thị Kẹp cũng đã tròm trèm 72 tuổi. “Những thành viên khác của đội múa bóng nhiều năm trước đã theo chồng, theo con sang định cư bên Mỹ hết rồi” – bà Ba Kẹp cho biết. Bà Ba Kẹp có hai cô con gái cũng có học theo mẹ múa Bóng, nhưng “giờ một đứa thì lấy chồng ở Mỹ, một đứa lấy chồng ở Phần Lan”.    

Ngoài múa Bóng gần như đứt bóng, câu chuyện của hầu đồng và hát văn ở Khánh Hòa gắn liền với Tháp Bà cũng không có gì sáng sủa hơn. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tứ Hải, một thời gian rất dài, hầu đồng, hát văn, thậm chí cả múa Bóng ở Khánh Hòa bị chính quyền coi là mê tín dị đoan nên ra sức cấm cản. “Ngay cả đến năm 2002, khi Tháp bà được công nhận là di tích cấp quốc gia thì các loại hình nghệ thuật đi kèm như vừa kể vẫn bị cấm không cho xuất hiện ở không gian diễn xướng này vì cho rằng… nhạy cảm.

Vậy nên gần nửa thế kỷ qua, cả Khánh Hòa chỉ có duy nhất một nghệ nhân hát văn đúng nghĩa là Trịnh Thị Tâm, sinh năm 1955. Tuy nhiên đau xót là tháng 10.2017, bà Tâm đã qua đời vì bạo bệnh và gần như những gì tinh túy nhất của nghệ thuật hát văn ở Khánh Hòa bị chôn theo, để lại một không gian văn hóa Tháp Bà không hồn cốt và xuống cấp nghiêm trọng…” – ông Hải nói.

“Xuống cấp nghiêm trọng”, theo lời ông Hải chính là việc nhiều người dân ở Khánh Hòa và các địa phương khác đang lợi dụng Bóng thánh để làm những việc không tốt. Là tình trạng hầu đồng, hát văn, múa Bóng biến tướng, lai tạp cộng với xin xăm bói toán đúng sai lẫn lộn. “Mấy năm trở lại đây trong những ngày vía Bà, người ta còn múa Bóng, hầu đồng trên nền nhạc… “Tiếng chày trên sóc bom bom” xập xập xình xình nữa quý vị ạ. Bà nào mà chịu nỗi những thứ âm thanh quái gở ấy?” – ông Hải than trời. “Việc khẩn cấp bây giờ là phải sớm có một hội thảo văn hóa để tập hợp các nhà nghiên cứu phân định, tường minh mọi thứ đúng sai đang diễn ra ở không gian văn hóa Tháp Bà. Bởi thuốc giả có thể chỉ chết một vài người nhưng văn hóa giả thì có thể giết chết cả mấy thế hệ” – ông Hải nói.

Chợt nghĩ sao văn hóa tinh thần người ta dâng lên cho Bà cũng như câu chuyện “Trầm Hương ở Khánh Hòa là của Bà Thiên Y A Na”. Giờ thì quý vật của bà – thứ Trầm tự nhiên “hương tỏa sơn lâm” đã bị con cháu khai thác cho cạn kiệt. Và Trầm của bây giờ – loại Trầm từ cây dó bầu nhà trồng được đang thật giả lẫn lộn, thậm chí hương Trầm còn tẩm cả hóa chất làm điên đảo con người…

Theo https://dulich.laodong.vn/nhan-vat/chuyen-ve-thien-y-a-na-nguoi-so-huu-nhieu-tram-nhat-khanh-hoa-608953.html