Việt Nam hôm nay - Vươn tầm nhìn về phía biển – Trầm Hương Khánh Hòa
Giỏ hàng

Việt Nam hôm nay - Vươn tầm nhìn về phía biển

Biển Đông sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng của tương lai, một loại năng lượng thay thế hoàn hảo cho dầu mỏ và khí đốt...

Biển Đông, hai tiếng gọi thân thương về một vùng bờ cõi của Việt Nam, chưa bao giờ thôi vang vọng trong tâm trí tôi, đặc biệt là trong những ngày này. Nhiều người nhớ đến hai tiếng Biển Đông mỗi khi cái tên này trở thành chủ đề nóng trên mặt báo.
Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn và cũng là nơi có triển vọng dầu khí lớn - Ảnh: Hiephoixangdau

Còn đối với tôi và triệu triệu người Việt Nam khác, biển Việt Nam, sóng Việt Nam là một phần máu thịt. Nhờ có biển, quê hương ta nên dáng hình như hôm nay. Nhờ có biển, bao thế hệ người Việt Nam anh hùng lớn lên. 4.000 năm lịch sử và văn hoá người Việt Nam được viết nên cùng với biển. Biển cho chúng ta thật nhiều. Vậy còn chúng ta, chúng ta đã làm được điều gì cho biển?

Không chỉ trong lịch sử, nhìn về hiện tại và tương lai hàng trăm năm nữa, ta càng hiểu vì sao cái tên Biển Đông có sức hút mạnh mẽ đến thế đối với cả các cường quốc trên thế giới. Biển Đông sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng của tương lai, một loại năng lượng thay thế hoàn hảo cho dầu mỏ và khí đốt. Đó là "băng cháy".

Nghiên cứu của hơn 90 quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng: Biển Đông sở hữu trữ lượng "băng cháy" lớn thứ 5 châu Á trong tổng số 2.800.000 tỉ m3 "băng cháy" trên toàn thế giới. Khai thác được tiềm năng này tương đương với đáp ứng nhu cầu năng lượng trong 800 năm của loài người với lượng khí thải CO2 chỉ bằng một nửa so với tiêu thụ dầu mỏ hay than đá.

Một loại năng lượng mới đồng nghĩa với một lợi thế mới, một vị thế mới. Không phải vô lý mà dầu mỏ lại từng được gọi là “vàng đen”. Trong nhiều năm, con người bị cuốn vào giao tranh chỉ vì dầu mỏ. Và để làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ cuộc chơi mà không bị chi phối bởi bất cứ tham vọng nào khác bên ngoài, chúng ta cần làm chủ nguồn năng lượng mới trên chính quê hương mình. Đó không phải chỉ là câu chuyện chính trị, kinh tế. Đó là câu chuyện tương lai của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch công ty Trầm Hương khánh Hoà

 

Các nền kinh tế phát triển đã đi trước chúng ta trong việc nghiên cứu và đề ra chiến lược khai thác các nguồn lực trên biển, cả về kinh tế và chính trị. Tần suất xuất hiện của những cụm từ như “hướng Đông”(1) hay “hướng Á”(2) hiện diện trong chiến lược biển của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Vậy, trong cuộc cạnh tranh hướng tới tiềm năng biển này, chúng ta đang ở đâu?

Chúng ta vẫn chưa có sự đầu tư tương xứng cả về sáng kiến và quy mô cho vùng biển của mình. Ngành kinh tế biển của chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở những dịch vụ trên bờ, gần bờ; ngành khai thác đem lại giá trị gia tăng thấp. Nói theo một cách tích cực, chúng ta còn nhiều khoảng không để vươn về phía biển và còn nhiều chỗ đứng cho những sáng kiến mang tính đổi thay. Thế nhưng, ý thức đổi thay cần nhanh chóng và quyết liệt, bởi tốc độ vận hành của thế giới sẽ không chờ đợi chúng ta.  

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 khiến ta choáng ngợp bởi tốc độ đổi thay thế giới, nhưng cũng trao cho chúng ta sức bật không ngờ. Chỉ mất 8 năm kể từ ngày chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, Apple từ một thương hiệu chưa từng ở trong top 10 thương hiệu đắt giá nhất thế giới đã vượt lên tất cả những “lão làng” như Coca Cola, Microsoft, Toyota để đứng vị trí đầu tiên và giữ vững “ngôi vương” đến nay đã 5 năm liên tục.

Sáng kiến công nghệ được khai sinh từ một ga-ra ô tô tồi tàn đã làm đảo lộn thế cờ kinh tế thế giới theo cái cách mà không ai có thể ngờ được. Trong danh mục những thương hiệu giá trị hàng đầu thế giới, những cái tên trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng cũng dần nhường chỗ cho các tập đoàn công nghệ. Thực tế đó khẳng định sự lên ngôi của ý tưởng, của trí tuệ và quyết tâm hiện thực hoá những ước mơ tưởng như bất khả thi. Vậy thì, giấc mơ biển Đông, với những tiềm năng mà ta đang có, nằm trong tầm tay!

Đại úy Hải quân, Sử gia Alfred Thayer Mahan (1660 - 1783) khi nghiên cứu về Ảnh hưởng của uy lực trên biển trong lịch sử (3) nói rằng: một quốc gia muốn thực hiện lực lượng trên biển cần có các yếu tố: vị trí địa lý, hình thể địa lý, diện tích lãnh thổ, đặc tính dân tộc và vai trò của chính phủ. Không có yếu tố nào trong đó xuất phát từ bên ngoài hay nguồn lực tài chính.

Tất cả đều do các yếu tố nội tại và tự nhiên quyết định. Và hiển nhiên, khi chúng ta đã được Trời, Đất ban cho một vùng biển đẹp giàu, vị thế của ta đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần và cách tư duy, hành động của con người. Sức mạnh tối quan trọng làm nên sự thay đổi là trí tuệ và bản lĩnh, không phải vật chất.

Điều ta cần suy nghĩ là: Chúng ta đã đưa biển Việt Nam phát triển đến đúng tầm hay chưa? Ngành du lịch hiện nay chỉ đem lại sự hài lòng cho những cá nhân chứ chưa chạm đến giá trị thực sự của biển. Doanh thu mà du lịch biển đem lại chưa tương xứng với những gì chúng ta khai thác từ biển và cả những hệ luỵ mà các hoạt động kinh tế biển để lại.

Tại sao không phải là những du thuyền thượng hạng, mở rộng trải nghiệm của con người ra phía biển? Tại sao không phải là một quy hoạch tổng thể cho đô thị biển hoà hợp với tự nhiên thay vì nhỏ lẻ như hiện nay? Hãy dám ước ao về những hành trình đưa con người Việt Nam và bạn bè quốc tế vươn xa về phía biển, để bạn bè thế giới choáng ngợp về vẻ đẹp của nước ta, ngưỡng mộ tài năng của người Việt và yêu thêm đất nước hòa bình của ta.

Việt Nam vươn tầm nhìn về phía biển.

Sân chơi của ngành kinh tế biển Việt Nam đã có nhiều cái tên nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, thể hiện sự coi trọng của các nhà đầu tư quốc tế với tiềm năng biển của chúng ta. Thế nhưng, một quốc gia đã vươn khỏi nhóm các nước có thu nhập trung bình hơn 10 năm như chúng ta không thể tiếp tục hài lòng với các chỉ số đầu tư nước ngoài. Đã đến lúc, người Việt Nam sẵn sàng vào cuộc, bắt tay vào phát triển đất nước bằng sức lực của mình, công nghệ của mình, sáng kiến của mình và tài chính của mình.

Với những tập đoàn lớn, thương hiệu mạnh, đội ngũ khởi nghiệp hùng hậu, chúng ta không thiếu nguồn lực. Điều chúng ta cần lúc này là kết nối cùng nhau để làm chủ nguồn lực của quốc gia mình, tạo ra giá trị phục vụ người Việt Nam. Với một tư duy cầu thị, chúng ta không lo mình sẽ thu mình với phần còn lại của thế giới. Chẳng cánh tay bên ngoài nào giúp ta vươn xa được nếu đôi ch��n ta không sải bước.

Tôi ngưỡng mộ hành trình của những người Việt Nam, hội tụ được tinh hoa của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vào một sản phẩm có tầm cỡ, mang thương hiệu Việt Nam. Chiếc xe hơi đầu tiên của Vingroup rõ ràng đã chạy những chặng đường đầu tiên, nhanh hơn mọi hoài nghi, để đưa thương hiệu công nghiệp Việt Nam ra sân chơi quốc tế.

Giải thưởng “Sản phẩm ấn tượng nhất” Triển lãm Xe hơi Paris Motor Show 2018 là món quà dành cho trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, ghi tên Việt Nam lên bản đồ ô tô thế giới – vốn chỉ là sân chơi cho các quốc gia công nghiệp phát triển. Và sau ô tô, chắc chắn sẽ còn là rất rất nhiều những lĩnh vực nữa đón chào những thương hiệu đến từ Việt Nam.

Gắn bó cùng ngành Trầm Hương Việt Nam, tôi hiểu sâu sắc công lao của biển trong việc kiến tạo nên một vùng trời nước có khí hậu đặc biệt, thuận lợi cho quá trình tạo nên loại Trầm Hương đẳng cấp thế giới. Trầm Hương không chỉ trao cho chúng ta hương thơm để thưởng tức mà còn sở hữu nhiều giá trị to lớn khác, đủ tạo nên một ngành kinh tế và sức bật văn hoá mạnh mẽ cho nước nhà. Lễ Dâng Trầm đầu tiên của Việt Nam đã diễn ra trang nghiêm tại trung tâm thành phố Nha Trang đúng dịp đại lễ 30/4 vừa qua. Còn gì thiêng liêng, cao quý hơn khi hàng nghìn người Việt Nam cùng bạn bè quốc tế được lắng đọng trong không gian và hương thơm tinh khiết của Trầm. Trầm Hương lan toả khắp không gian thành phố biển đêm ấy cũng là sự tỏ bày của những tấm lòng thơm thảo mà con dân Việt Nam kính dâng đến Đất – Trời – Biển và những bậc tiền nhân, thêm biết ơn cuộc sống hoà bình, hạnh phúc hôm nay và sẵn sàng đưa nước nhà đến một tầm cao mới.

Trong những ngày này, khi đất nước độc lập đã bước sang năm thứ 75, người Việt Nam cần thôi hoài nghi lẫn nhau và sẵn sàng bước cùng nhau, hướng đến những mục tiêu chung. Chúng ta chẳng thể là ai nếu không có Tổ quốc và không làm chủ vận mệnh của mình. Thay vì mải nhìn đến những thành công riêng, hãy cùng nhau chia sẻ khó khăn, chung góp tài năng, trí tuệ để làm chủ đất nước. Vươn tầm nhìn về phía biển, chúng ta sẽ thấy những chân trời đang chờ trí tuệ Việt Nam khám phá, phát triển và bảo vệ.

Từ thuở mỗi người Việt đều thuộc nằm lòng câu chuyện về cha ông mình, năm mươi người con theo Cha Rồng xuống biển, năm mươi người con theo Mẹ Tiên lên non, chúng ta đã hiểu một phần máu thịt của mình thuộc về biển. Những thăng trầm trên đất liền hay ngoài biển Đông đâu phải chỉ thời nay mới có, nhưng có một sự thật hàng ngàn năm nay vẫn không hề thay đổi: bờ cõi Việt Nam là của người Việt Nam, biển Việt Nam là của người Việt Nam. Cha ông đã trao truyền, lịch sử đã chứng minh.

Trước đây, lớp lớp người Việt Nam đã khẳng định điều này bằng cái đầu lạnh, trái tim nóng và những quả đấm thép. Ngày nay, thế hệ người Việt Nam sẵn sàng tiếp nối quyền làm chủ của mình, của dân tộc mình bằng trí tuệ, bằng bản lĩnh và bằng một trái tim ưa chuộng hoà bình./.

(1) Trần Quang Châu (2018), Biển Đông trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, Tạp chí Nghiên cứu Biển Đông.

(2) Huỳnh Tâm Sáng (2018), Biển Đông trong “chính sách hướng Á” của Australia từ góc nhìn cường quốc tầm trung, NXB. Văn hoá Văn Nghệ.  

(3) Alfred Thayer Mahan (1890), The Influence of Sea Power upon History, Little, Brown and Company, Boston, Hoa Kỳ./.

NGUYỄN VĂN TƯỞNG - CHỦ TỊCH TRẦM HƯƠNG KHÁNH HÒA

Nguồn: https://www.tienphong.vn/kinh-te/viet-nam-hom-nay-vuon-tam-nhin-ve-phia-bien-1459077.tpo