“Hành lộ nan” đưa Trầm Hương ra thế giới
Xưa nay, thường thì người đi tìm Trầm, nhưng với ông Tưởng thì dường như Trầm đi tìm người, vì nhiều lẽ. Sinh ra ở Hưng Yên, Nguyễn Văn Tưởng cũng không thể ngờ hành trình của mình lại xa ngái và có những ngã rẽ như vậy. Quen với lam lũ vất vả ruộng đồng ở quê nhà, lớn lên Tưởng vào quân ngũ, hành quân qua những dải đất miền Trung. Thế rồi, Tưởng trở thành cán bộ của Đài tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên như mơ ước thuở thiếu thời. Vào Tây Nguyên, từ khi biết đến Trầm Hương, Tưởng bị “thôi miên”.
Duyên với Trầm Hương như thể một định mệnh, để rồi từ đó tất cả những gì liên quan tới Trầm đều tìm cách ghi chép, tìm hiểu kỹ. Càng tìm hiểu càng thấy Trầm Hương là một sản vật cực kỳ quý giá mà cả thế giới đều thèm muốn. Trong tác phẩm “Phủ Biên Tạp lục” (1776), nhà bác học Lê Quý Đôn định nghĩa về Trầm Hương: “Trầm Hương là hương trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương của cây dó bầu, lâu dần cây thấm hương trời biến tính thành Trầm gọi là linh khí của trời đất”. Ở Việt Nam, Khánh Hòa được gọi là Xứ Trầm Hương bởi Trầm ở vùng đất này có chất lượng vượt lên tất cả.
Vào những ngày hội đầu năm, Trầm Hương đất Việt được đốt lên ở những cung điện của nhiều triều đình phong kiến và được ngợi ca về mùi hương không gì sánh nổi. Bản đồ Trầm Hương thế giới, chỉ có 6 nước có Trầm Hương, nhưng Trầm Hương Việt Nam tốt nhất. Việt Nam không chỉ được coi như vương quốc Trầm Hương của thế giới trong quá khứ mà còn là nguồn cung cấp quan trọng nhất trong tương lai bởi loại hương liệu thượng hạng này không thể thay thế trong dược phẩm, nước hoa… Nhưng hồi đó, trầm là hàng quốc cấm, buôn bán trầm sẽ bị tịch thu. Trầm vốn thơm mà phải dấu mình trong những góc tối.
Lúc đó, Nguyễn Văn Tưởng đã quyết phục hưng Trầm Hương. Muốn vậy, trước hết phải đưa sản vật này ra khỏi danh sách hàng quốc cấm. Đó là “hành lộ nan” mà người đàn ông này đã quyết vượt qua khi tổ chức nhiều cuộc hội thảo, cùng đồng nghiệp viết nhiều bài báo, gặp các yếu nhân của ngành nông nghiệp lúc ấy để thuyết phục.
Thế rồi, Trầm Hương đã được đưa khỏi danh sách hàng quốc cấm. Tưởng tiếp tục trình bày ý tưởng với nhiều trí thức, quan chức quản lí để phát triển sản vật cao quý này. Lý lẽ giản dị nhưng thuyết phục: Nước ta có Trầm Hương mang linh khí của trời đất, khiến cho mọi người nhắm mắt chắp tay cúi lạy, thì đó là giá trị của thương hiệu Việt Nam, hà cớ gì không suy tôn, nâng lên, tạo nhiều giá trị, không chỉ làm giàu mà còn trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.
Trầm Hương thăng hoa
Lệnh cấm bãi bỏ, Nguyễn Văn Tưởng xin thôi công việc ổn định ở Đài tiếng nói Việt Nam, về Nha Trang lập công ty Trầm Hương Khánh Hòa. Những ngày đầu mới thành lập công ty, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đã đi nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, khai mở thị trường, hành trình đó cũng gian nan như “ngậm ngải tìm Trầm”. Nhưng đến hôm nay, hành trình của người đàn ông này đã giúp Việt Nam xuất khẩu hàng chục tấn Trầm Hương đến các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, UAE, Mỹ. Trầm Hương Việt Nam đã tỏa hương ở những nơi sang trọng, linh thiêng của thế giới.
Mới đây, Công ty Trầm Hương Khánh Hòa đã chế tác 100 chiếc quạt làm từ Trầm Hương làm quà lưu niệm cho các đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị cao cấp APEC 2017 lần thứ nhất tại Nha Trang, tạo ra ấn tượng về sản phẩm mang nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Nhưng để xuất khẩu Trầm Hương cần có nguồn nguyên liệu tốt trong khi sản vật này trong tự nhiên đã cạn kiệt. Chính vì vậy, ông Tưởng đi đầu trồng cây dó bầu, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo vùng nguyên liệu cho Trầm. Ông trồng cả nghìn hecta dó bầu ở những vùng đất nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho nông dân. Doanh nhân này trăn trở: “Trầm Hương không phải là cây xóa đói giảm nghèo, mà là cây làm giàu. Nhà nước cần nghiên cứu đánh giá đúng về tiềm năng kinh tế của Trầm Hương ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cần có một viện nghiên cứu chuyên về cây Trầm Hương và một chính sách vĩ mô bài bản, đưa Trầm Hương trở thành một ngành kinh tế”.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Trầm Hương sẽ là ngành kinh tế hội nhập với thế giới dễ nhất vì có tính văn hóa và tư tưởng toàn cầu”. Đặc biệt, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đã xây dựng bảo tàng Trầm Hương độc đáo – trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ của thành phố du lịch Nha Trang. Trên diện tích 2,2 ha, trong đó nhà trưng bày rộng khoảng 5.000m2, chỉ riêng số tiền đầu tư vào cơ sở vật chất xây dựng Bảo Tàng Trầm Hương, chưa kể tiền đất đã trên 200 tỷ đồng. Bỏ ra số tiền lớn như vậy để làm bảo tàng để rồi mở cửa…miễn phí. Ông Tưởng tâm sự: “Tôi coi Bảo Tàng hay Nhà hát Trầm Hương là một tác phẩm mà đã là một tác phẩm thì không tính toán về tiền bạc. Khách du lịch muốn khám phá Trầm Hương phải có không gian đủ lớn, có câu chuyện để kể. Trong không gian đó sẽ kể câu chuyện Trầm Hương, câu chuyện Trầm Hương cũng kỳ diệu như câu chuyện của Việt Nam, trải qua bao đau thương vẫn nhân ái, yêu chuộng hòa bình”.
Ông Tưởng đang nỗ lực khôi phục văn hóa thưởng Trầm vốn là một nét đẹp của người Việt: Nghệ thuật thưởng Trầm đã gắn bó với cha ông ta từ thuở xa xưa và bây giờ chúng tôi muốn lan tỏa nghệ thuật thưởng Trầm mà cha ông đã để lại. Đốt một nén Trầm trước bữa ăn, giấc ngủ hay những thời khắc thiêng liêng của của cuộc đời, lúc Tết đến xuân về, mùi Trầm xua tan tà khí, tà niệm, làm đầu óc thư thái, hướng thiện. Hương Trầm thanh khiết như một cầu nối tuyệt vời với tổ tiên, trời đất. Vì lẽ đó mà ca dao có câu: “Xuân về thắm đủ trăm hoa; Mùi Trầm Hương thiếu vẫn là chưa xuân”.
Ông luôn có tư duy hướng ra biển lớn, hướng Trầm Hương chinh phục thị trường toàn cầu, chứ không quẩn quanh trong “ao làng”. Những sản phẩm từ Trầm Hương như chuỗi trang sức đeo cổ, bộ thưởng Trầm đều đẹp, tinh xảo và tiện dụng, chuẩn hóa kích thước, bao bì, màu sắc nên đã có mặt trên rất nhiều kệ hàng sang trọng của thế giới.
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng luôn theo đuổi khát vọng xây dựng Trầm Hương Việt Nam thành thương hiệu toàn cầu
Quạt làm từ Trầm Hương được chọn làm quà lưu niệm cho các đại biểu dự Hội nghị cao cấp APEC 2017 lần thứ nhất tại Nha Trang (SOM1).
Bộ thưởng Trầm Hương Khánh Hòa ATC
TP – “Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương; Non cao biển rộng, người thương đi về” – câu ca dao ấy như một định danh đối với vùng đất giàu đẹp này. Từ lâu, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đã trở thành “người thương” của xứ này, “một cõi đi về” giữa Tây Nguyên – Nha Trang – Hà Nội và nhiều nước trên thế giới vì duyên nghiệp với Trầm Hương – cũng bởi khát vọng xây dựng Trầm Hương Việt Nam trở thành thương hiệu toàn cầu. Trong cái tiết trời se lạnh của Nha Trang một ngày xuân đã chạm ngõ, ông đốt lên một thanh Trầm Hương, câu chuyện cứ thế lan tỏa cùng mùi khói thơm…